Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23900-nuoc-mat-3-ba-me-trong-vu-an-dau-long-394440/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23900-nuoc-mat-3-ba-me-trong-vu-an-dau-long-394440/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nước mắt 3 bà mẹ trong vụ án đau lòng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 02/11/2012, 14:42 [GMT+7]
23900

Nước mắt 3 bà mẹ trong vụ án đau lòng

Mỗi người đàn bà ấy là một tâm trạng đớn đau, với những cung bậc và sắc thái tình cảm, không ai giống ai: Chị Vũ Thị Thủy, chị Lưu Thị Trình, mẹ của Bùi Văn Huy và Vũ Văn Hoàn là nỗi nhớ thương con da diết, sự mặc cảm, ê chề trước búa rìu dư luận và ánh mắt thiếu thiện cảm của những người xung quanh, điều đó có lẽ  còn đớn đau hơn gấp ngàn lần so với sự đói nghèo đang vây quanh họ.

Còn với chị Trần Thị Thêu, mẹ của nạn nhân Trần Văn Tâm, có lẽ nỗi đau còn nhân lên gấp bội phần, khi chị vĩnh viễn mất đi đứa con trai thân yêu nhất… "Con dại cái mang" cả ba người phụ nữ ấy đều thật đáng thương!. 

Nỗi lòng của người mẹ

Sau biến cố của gia đình, chị Vũ Thị Thủy già sọm hẳn đi, trên gương mặt khắc khổ của người đàn bà luống tuổi, nét muộn phiền hằn rõ. Chị ngậm ngùi: "Tôi như người chết đi sống lại, khi biết tin Huy được Chủ tịch nước ân giảm án từ tử hình xuống chung thân. Huy gây tội ác tày trời, bản án Huy phải trả là sự trừng phạt thích đáng cho hành vi phạm tội mà nó đã gây ra. Tôi mong pháp luật mở lối để những kẻ lầm đường, lạc lối như con trai tôi có cơ hội làm lại cuộc đời…".

Bà Lưu Thị Trình, mẹ của phạm nhân Vũ Văn Hoàn.

Kể cả những lúc bĩ cực nhất, người mẹ ấy vẫn có đủ tỉnh táo để phân tích đúng, sai. Lòng mẹ là vậy đấy, dẫu chỉ là một tia hy vọng mong manh, chị vẫn thấp thỏm chờ đợi và rồi lại hy vọng, khát khao được ôm những đứa con trai tội lỗi trong vòng tay ấm áp như thuở nào nó còn thơ ngây. Từ ngày Huy vào tù, chị Thủy lúc tỉnh, lúc mơ, ngây ngây dại dại thật đáng tội.

Chị bảo có đêm chị mơ thấy Huy về nhà, chị ôm chầm lấy con nước mắt lưng tròng… nhưng khi tỉnh dậy thì đó chỉ là giấc mơ. Huy đã gây ra cái tội ác tày trời, khiến mọi người run sợ. Và rồi hành vi phạm tội của Huy đi trái với luân thường đạo lý, nhưng lòng người mẹ nào chẳng vị tha. Chị mong được thay com sám hối cho những tội ác kinh hoàng mà nó đã gây ra…

Số phận và hoàn cảnh éo le của người phụ nữ ấy thôi thúc chúng tôi trở lại Kim Thành (Hải Dương) vào một buổi chiều muộn, khi những tia nắng cuối cùng đã tắt lịm trong ngày. Chao ôi, cảnh nghèo đến xơ xác! Trong căn nhà lợp ngói pro xi măng, rộng chừng hơn 10 m2, từng là mái ấm của cả gia đình, nhiều mảng tường bong ra từng mảng, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, câu chuyện kinh hoàng của 4 năm trước vẫn mồn một hiện về trong tâm trí của chị Thủy: Đó là ngày định mệnh mà chị chẳng thể quên và sau này là nỗi ám ảnh tội lỗi, luôn khiến chị day dứt khôn nguôi, ngày 29/4/2008. Tối hôm đó, Huy trở về nhà rất muộn trên người lấm tấm vết máu…

Bằng linh cảm của một người mẹ, chị Thủy đã nhận thấy những điểm không bình thường, chị liền gặng hỏi Huy. Những lời kể từ chính miệng của cậu con trai rằng vì nghi ngờ anh Tâm có quan hệ với bạn gái của Huy nên đã ra tay giết người, sau đó vứt xác tại một vụng nước ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành… khiến chị Thủy rụng rời chân tay, đất trời dưới chân chị như muốn sụp xuống.

Đêm đó, chị Thủy trằn trọc chẳng thể nào chợp được mắt. Chị sinh ra con nhưng cũng không thể nào cắt nghĩa được hành vi tội ác của nó. Hành động của Huy và Hoàn, từ việc giết người, đến việc che dấu tội phạm rồi giấu xác nạn nhân để phi tang giống như  một tên tội phạm, chứ không phải là những cậu học sinh đang ngày ngày ngồi trên ghế nhà trường.

Nhưng nếu sự thật được phơi bày thì con trai chị phải chết. Bản án giết người, cướp tài sản chắc chắn sẽ không thoát khỏi án tử hình, như một bản năng tự nhiên, chị "xù lông" để bảo vệ con trai, tìm cách che đậy cho hành vi tàn ác của Huy cho đến ngày sự thật được làm sáng tỏ. Đêm đó, trong lòng người mẹ ấy dậy sóng những thứ tình cảm trái chiều cứ đan xen vào nhau.

- Vì sao lúc đó, chị lại che giấu cho hành vi phạm tội cho con trai mình?

Lau nước mắt giàn giụa trên gương mặt, chị Thủy kể lại: “Cũng vì tôi quá thương con…”

- Chị cũng là một người mẹ, chị có thấu hiểu nỗi đau của một người mẹ mất con?.

“Tôi đã trải qua sự tột cùng của nỗi đau khi bản án tử hình được tuyên phạt. Tôi hiểu cảm giác mất đi một đứa con là như thế nào? Nhưng có lẽ, ai ở hoàn cảnh của tôi cũng làm như vậy”, chị Thủy tự bao biện cho mình.

Chị Vũ Thị Thủy, mẹ của đối tượng Bùi Văn Huy.

Sự việc bị lộ tẩy, chị Thủy sau đó bị tuyên phạt 9 tháng tù về hành vi che dấu tội phạm. “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” tai họa sau đó cứ liên tiếp đổ xuống gia đình chị. Chồng chị rồi sau đó là mẹ chồng cùng bị tai nạn không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng gia đình vì thế đổ lên vai gầy của người phụ nữ ấy.

Sau khi Huy bị bắt thì quan hệ vợ chồng của chị cũng không được "xuôi chiều mát mái". Chồng chị đổ lỗi cho chị vì quá chiều chuộng con cái nên mới xảy ra cơ sự như thế này. Nhưng sự nghèo khó có lẽ không đớn đau bằng việc bị khinh bỉ, coi thường. Ánh mắt ghẻ lạnh của những người xung quanh như ngàn mũi kim đâm vào con tim vốn đã tan nát của chị.

"Xa lắm nhưng con sẽ về với mẹ" câu nói của cậu con trai tiếp thêm sức lực cho chị Thủy có thêm nghị lực để sống. Ngày ngày, người đàn bà đó lầm lũi như một con rùa rụt cổ, chẳng giao tiếp với bất cứ ai. "Sinh con ra ai cũng mong con mình là một đứa trẻ ngoan ngoãn, được ăn học đến nơi, đến chốn. Tôi vô cùng đau đớn và tủi nhục…", chị Thủy nói trong nước mắt.

Mỗi tháng một lần, chị nhặt nhạnh những đồng tiền còm cõi có được, lặn lội lên Trại giam Hoàng Tiến thăm con. Đồ tiếp tế của chị không nhiều, toàn là những món quà quê mà trước đây Huy thích ăn. Mỗi chuyến đi đi về về thăm con, chị lại ốm mất mấy ngày. Chị vừa thương lại vừa giận con…

Cũng trong tâm trạng xót xa như mẹ Huy là mẹ của Hoàn, đồng phạm tích cực trong vụ án. Không ủy mỵ như chị Thủy, nỗi đau của chị Trình dường như lặn cả vào trong lòng. Gặp chúng tôi, người phụ nữ ấy như cởi được cõi lòng, chị dốc bầu tâm sự: "Bố mẹ dạy con thì cũng bảo ban. Không may xảy ra thì phải chịu. Cứ nhìn thấy con người ta cắp sách đến trường, tôi lại thấy tủi phận. Có khi ra ngoài đường, tôi hỏi họ cũng không trả lời".

Cũng như chị Thủy, chị Trình cũng phải chịu nhiều áp lực về tinh thần như sự khinh bỉ của bà con chòm xóm. Giọng buồn buồn, chị Trình nói: Biết chị Thủy đi thăm con trai, tôi cũng muốn thăm hỏi tình hình của cháu Hoàn hoặc cùng nhau đi thăm con nhưng rồi lại sợ búa rìu của dư luận. Trong vụ án này, con trai tôi tham gia với vai trò đồng phạm, nhưng hành vi phạm tội của nó đúng là cũng quá tàn khốc…

Đớn đau lòng mẹ mất con

Lần giở những kỷ vật còn lại của người con trai xấu số, chị Trần Thị Thêu, ứa nước mắt. Kể từ ngày Tâm bị Huy và Hoàn sát hại, chị Thêu vẫn giữ nguyên đồ đạc trong căn phòng của con trai như thủa Tâm vẫn còn sống, người đàn bà đó như muốn níu kéo lại tất cả. Chị thường ngồi lại một mình trong căn phòng, góp nhặt những mảnh ký ức còn sót lại của cậu con trai.

Đó là những giây phút chị được sống đúng với cảm giác của mình… "Hôm đó, Tâm đi chơi về muộn, tôi liên lạc với con nhưng không được, cứ nghĩ con vui bạn, vui bè chẳng ngờ cháu lại bị sát hại thương tâm đến vậy", chị Thêu kể lại.

Nỗi đau của chị Trần Thị Thêu, mẹ của nạn nhân Trần Văn Tâm.

Sau tối hôm đó, chị và gia đình đôn đáo khắp nơi tìm con. Một rồi hai ngày trôi đi trong nỗi tuyệt vọng, bằng linh cảm của một người mẹ, chị Thêu mơ hồ cảm nhận một điều gì đó không bình thường đang diễn ra, nhưng chị không dám nghĩ tới. Cho tới khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương thông báo phát hiện xác của một nạn nhân nam, bị tử vong trong tình trạng đã phân hủy tại một bãi đất sình lầy thuộc huyện Kim Thành. Khi nhìn thấy thi thể của cậu con trai, chị Thêu ngất lịm…Với thời gian, nỗi đau của người phụ nữ ấy phần nào cũng được xoa dịu. Và trong tột cùng của sự đau khổ, trong trái tim tưởng đã chai sạn của chị lại nhân lên lòng nhân ái, sự vị tha, điều đó thật đáng quý biết bao!

- Giờ chị còn căm giận những kẻ thủ ác ? Tôi hỏi chị.

Đưa đôi mắt nhìn ra xa xăm, chị Thêu nói như tự nhủ với lòng mình: Tôi đã từng căm phẫn đến tột cùng những kẻ đã giết hại con trai mình, nhưng…

Trong phiên tòa xét xử Huy và Hoàng hôm đó, chị Thêu đã chứng kiến cảnh tượng vật vã của hai người mẹ khi bản án tử hình được tuyên cho Huy và 18 năm cho Hoàn. Hai người phụ nữ ấy vật vã, khóc lóc, xin quý tòa giảm mức án cho Huy, Hoàn để cả hai có cơ hội làm lại cuộc đời. Chứng kiến cảnh tượng ấy, bản năng của một người mẹ bỗng thức dậy trong chị. Và rồi bằng một trái tim yêu thương vô bờ bến, chị lại mở lòng mình, chị tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ để suy ngẫm và cảm thông với họ: Có trách móc thì giờ cũng chẳng để làm gì. Nếu bản án tử hình kia được tuyên thì con trai chị cũng không thể sống lại. Và như thế, lại có thêm một người mẹ nữa cũng đau khổ như chị. "Con dại cái mang" hai người mẹ đó chắc cũng đớn đau chẳng khác gì chị… Và chị đã rộng lòng thứ tha.

- "Tôi chỉ thương cháu bị giết thảm, chẳng biết giờ này linh hồn cháu đang lưu lạc nơi nào. Cháu ở bờ sông, bờ suối", chị Thêu nghẹn ngào nói với chúng tôi.

 Đây có lẽ là điều cuối cùng chị Thêu luôn day dứt…

Căn nhà nơi gia đình Huy đang sinh sống.

Mười sáu tháng trong buồng tử tù, cuộc sống trơ khấc bao trùm bởi bóng đen và sự khiếp sợ, Huy luôn bị ám ảnh về tội lỗi do mình gây ra. Nhưng cuộc sống luôn có những phép màu, Huy được Chủ tịch nước ân xá giảm án từ tử hình xuống chung thân. Dù được tha tù nhưng trong lòng của người đàn ông đó vẫn ám ảnh tội lỗi, "Con sẽ về với mẹ !"ngày về với Huy và Hoàng còn xa lắm.

Để có được điều đó, những ngày này trong Trại giam Hoàng Tiến, Huy và Hoàng đều đã và đang cố gắng cải tạo những mong xoa dịu được nỗi đau về tâm hồn và cảm giác ám ảnh tội lỗi day dứt khôn nguôi. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, cả Huy và Hoàn đều không nhắc đến hành vi phạm tội họ đã gây ra, bởi đó là nỗi đau tận cùng họ không muốn động đến để trái tim lại thêm một lần rỉ máu.

Bởi tình yêu không có chỗ cho sự chiếm đoạt mà nó phải xuất phát từ trái tim. Điều đọng lại sau vụ án đau lòng ấy có lẽ là sự nhân văn, lòng vị tha của những người phụ nữ, những người mẹ như chị Thêu. Vượt qua nỗi đau tận cùng, chị đã biết dùng sự sống để cải tà cái ác, nhân lên lòng thiện trong mỗi con người.


CSTC
.