Bấm Play để nghe bài hát "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí
|
“Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn tới trận La Bang”
Về những năm sau, do việc bảo đảm cho bộ đội có khá hơn và vì hoạt động ở vùng sông nước nên Tiểu đoàn được trang bị xuồng, mỗi tiểu đội một xuồng tam bản có chèo lái, chèo mũi và mỗi bên ba dầm. Tổ trinh sát, đặc công và cán bộ đại đội, Tiểu đoàn xuồng ba lá hai chèo lái. Việc hành quân đỡ vất vả vì chủ yếu là đi bằng xuồng. Có nước thì chèo bơi, qua nơi sình lầy, khô cạn thì đẩy, qua lộ có hệ thống đồn bốt địch thì khiêng xuồng hoặc đẩy xuồng trên con lăn bằng thân cây chuối.
Gặp lúc địch càn, phải chiến đấu ác liệt, thì nhận xuồng chìm xuống nước để địch không phát hiện. Tối đến lại mò vớt lên để hành quân tiếp. Chiến sĩ Tiểu đoàn thông thạo bơi chèo, hành quân vừa nhanh vừa bí mật vì ven bờ thường có dừa nước cây cối che khuất, sông rạch lại chằng chịt, Tiểu đoàn đã xuống xuồng thì nhân dân khó biết đi đâu. Tất nhiên là khó mà giấu nổi các cô vợ chiến sĩ 307 đi thăm chồng. Thậm chí đi đánh đồn, như đánh dinh quận An Biên, bơi xuồng đến sát rào mà địch không hay, nổ súng hạ đồn xong, thu chiến lợi phẩm lên xuồng về căn cứ lúc ấy dân mới hay. Thế nên bà con trong vùng gọi đùa Tiểu đoàn là “bộ đội thủy quân lục chiến” của ta.
Là đơn vị chủ lực của khu nên Tiểu đoàn 307 chủ yếu là tác chiến tập trung toàn tiểu đoàn, song cũng có lúc hoạt động phân tán từng đại đội để phát động nhân dân chiến tranh từng địa phương như khi địch lấn chiếm sâu vào Đồng Tháp Mười. Vận động nhân dân tham gia đánh giặc, tổ chức dân quân hướng dẫn quân đánh du kích, tiêu hao, tiêu diệt từng toán nhỏ địch.
Đánh tập trung, sở trường của Tiểu đoàn là phục kích vận động chiến, theo cách công đồn đánh viện như các trận Mộc Hóa (Tân An), La Bang (Trà Vinh), Phong Phú, Cầu Kè (Vĩnh Long), Long Sơn (Trà Vinh), An Biên (Rạch Giá)… hoặc đánh giao thông như Song Thuận (Mỹ Tho) ở đường Bạc Liêu – Cà Mau, hay đánh địch đi càn như ở Ôi Môi, Xà Tư (Đồng Tháp Mười), Tân Hương (Bến Tre), An Xuyên (Bạc Liêu)… đánh tàu và bộ binh địch càn quét căn cứ Bạc Liêu tại vàm sông Nhựt Nguyệt, trên sông Bảy Háp…
Một tiểu đội của tiểu đoàn 307. Ảnh tư liệu trích từ phim của ban Điện ảnh Khu 8. |
Nhiều trận diệt tiểu đoàn địch, bắt tù binh, thu vũ khí, nổi bật nhất là trận diệt tiểu đoàn bộ binh Marốc, bắt 97 tù binh tại Phong Phú, trên đường từ Tiểu Cần đi cứu viện cho thị trấn Cầu Kè, Vĩnh Long.
Lợi dụng sơ hở địch, Tiểu đoàn ngụy trang thành thường dân đánh úp bất ngờ chiếm đồn nhà thờ (Cà Mau). Đặc biệt trong đợt phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn đã cùng đại đội địa phương Bạc Liêu và dân quân bao vây tấn công quận lỵ An Biên và hệ thống đồn bốt từ thị trấn Xẻo Rô, tiêu diệt, bức rút, gọi hàng nhiều đồn, chặn đánh tiêu diệt phần lớn viện binh của địch từ Rạch Giá vào, giải phóng hoàn toàn quận An Biên – quận đầu tiên ở Nam Bộ được giải phóng, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến. Sau đó đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, vận động gia đình gọi con em đi lính cho giặc bỏ ngũ trở về, hoặc làm nội ứng cho quân ta chiếm đồn, uy hiếp bức hàng nhiều bốt khi đột nhập vào thị xã Rạch Giá và vùng xung quanh.
Tiểu đoàn đến hoạt động ở đâu, chiến tranh nhân dân ở đó phát triển, khí thế kháng chiến tăng lên, quân thù co lại. Như trước khi Tiểu đoàn về hoạt động ở vùng Cà Mau, địch ở thị trấn Cà Mau thường xuyên vào tận vùng Tân Lộc, An Xuyên cách 20km càn quét, bắn giết, cướp của đồng bào. Tiểu đoàn đến vùng này, hành quân nghi binh, đến nơi lại rút đi, nhưng đêm quay lại. Địch có tai mắt, song tưởng quân ta đã rút đi, sáng sớm vào càn, bị Tiểu đoàn diệt hơn hai đại đội, bắt hơn 52 tù binh, bộ đội và nhân dân truy kích địch đến tận bờ sông sát thị trấn. Từ đó phong trào dân quân ở Tân Lộc, An Xuyên lên bao vây, bắn tỉa kìm chân địch trong thị trấn.
Trong các trận đánh, Tiểu đoàn thu được vũ khí của địch thường tổ chức trao tặng cho dân quân để bảo vệ xóm làng. Những buổi lễ như vậy càng thắm tình đoàn kết Tiểu đoàn với lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân địa phương.
Luôn tự hào là người lính Tiểu đoàn 307 anh hùng
Tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, tình yêu thương đồng đội, sự đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể là những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh trong chiến đấu và chiến thắng của Tiểu đoàn.
Trong chiến đấu, một tiếng hô xung phong của người chỉ huy hoặc nghe lệnh kèn xung trận, thì trăm người như một, xông lên tiêu diệt kẻ thù. Không biết bao chiến sĩ bị thương, còn chiến đấu được là không rời trận địa. Trong trận Mộc Hóa, khi truy kích địch, chiến sĩ Tạ Văn Bang bị thương dập nát cườm tay trái, bàn tay lủng lẳng, máu chảy dầm dề. Anh kêu đồng đội cắt giúp anh cho đỡ vướng. Thấy bạn ngần ngại, anh rút phăng mã tấu trên lưng, kê bàn tay xuống mặt đường, tay phải chặt tay trái đứt phăng. Anh nghiến răng kêu ken két vì đau đớn hay vì tức giận kẻ thù không biết nhưng ngay sau đó, anh tiếp tục xông tới khẩu tiểu liên bắn bằng một tay, nổ liên hồi vào quân địch. Sau này bà con thấy một trinh sát cụt một tay vẫn chèo xuồng đó đây theo bước chân của Tiểu đoàn. Đấy chính là Tạ Văn Bang, người chiến sĩ không rời đội ngũ.
Trong trận La Bang, Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hải dẫn đầu đại đội 932 xung phong tiêu diệt địch. Anh ngã xuống nhưng trận đánh của Tiểu đoàn đã thắng lợi hoàn toàn, thu hàng trăm súng, để lại trong lòng đồng vào Khơ Me và Việt ở Trà Vinh lòng tưởng nhớ không nguôi.
“Tháp Mười vào dễ khó ra” – đó là câu loan truyền của địch. Khi vào Đồng Tháp Mười ở hướng chùa Ôi Môi, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa đã chỉ huy Tiểu đoàn đánh địch tơi bời không bám được vào bờ Kinh Xáng tại chùa Ôi Môi. Khi địch ra ở hướng kinh Xà Tư, anh đã nói cùng đơn vị chặn địch: “Tôi quyết cùng các đồng chí tử chiến với địch phen này”. Trận đánh xảy ra vô cùng ác liệt. Trong hai trận trên, Tiểu đoàn diệt gần 400 tên địch, song người Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 đã anh dũng hy sinh. Tinh thần kiên cường của anh sống mãi với Tiểu đoàn.
Trinh sát Nguyễn Văn Xe cầm cờ vượt rào xung phong lên trước, máu em đã thấm đỏ lá cờ, thúc giục các chiến sĩ đại đội 931 xông lên hạ đồn Bắc Sa Ma, chiến công mở đầu cho thắng lợi của Tiểu đoàn trong chiến dịch Cầu Kè, nêu tấm gương tuổi nhỏ mà anh hùng.
Trong trận đánh ở Cầu Ngang (Trà Vinh), địch cố thủ trong đồn Bồ Hút, Tống Văn Công dùng chày giã gạo phá cửa đồn. Địch nắm lựu đạn ra bên này, anh nhảy núp sang góc bên kia, lại tiếp tục bổ chày vào cửa. Lựu đạn lại ném ra, anh như con sóc vừa nhanh nhẹn tránh lựu đạn, vừa nện chày vào cửa. Khói lửa mịt mù, người anh đen nám, lại bị mảnh lựu đạn, nhưng cửa đồn bị anh phá tung, chiến sĩ ta xông vào, địch bị bắt với toàn bộ vũ khí.
Những gương chiến đấu dũng cảm quên mình ở tiểu đội nào cũng có. Đánh giặc là phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm, đó là nguyện ước của chiến sĩ Tiểu đoàn bởi anh em luôn nhớ câu ca:
“Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy
Cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”
Cán bộ và chiến sĩ trong Tiểu đoàn sống với nhau chan hòa. Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động cải thiện sinh hoạt với chiến sĩ, gian khổ có nhau, ngọt bùi chia sẻ.
Trong chiến đấu và công tác, nơi nào khó khăn, nguy hiểm, cán bộ gương mẫu dẫn đầu hết lòng dìu dắt chiến sĩ. Ngược lại chiến sĩ không bao giờ tiếc thân mình để bảo vệ cán bộ. Có lần đồng chí Tiểu đoàn trưởng cùng 6 cán bộ trinh sát, đêm đi sâu vào vùng địch ở Long Xuyên để nghiên cứu chiến trường.
Bất ngờ dọc đường ta phát hiện địch đi tuần tra. Không tránh đường được nữa, ta đành phục lại bên đường, nếu địch thấy, ta buộc phải chiến đấu. Anh em khuyên Tiểu đoàn trưởng nên lui lại phía sau cùng hai chiến sĩ vì đây không phải là vị trí chiến đấu của anh. Nhưng Tiểu đoàn trưởng kiên quyết không đi mà cùng anh em sống chết. Giây phút giằng co, cuối cùng anh em cho hai chiến sĩ lực lưỡng xốc nách Tiểu đoàn trưởng kéo lui ra phía ngoài đồng để bảo vệ người chỉ huy của mình.
Các trung đội trong đại đội hay các đại đội trong tiểu đoàn thường nhận phần chiến đấu khó khăn về mình, dành phần nhẹ hơn cho các bạn. Có tình huống cần tri viện bạn, bao giờ đơn vị cũng sẵn sàng. Vì thế sự hợp đồng tác chiến trong Tiểu đoàn không chỉ bằng một kế hoạch, mà bằng cả ý chí và tình thương.
Một điều quan trọng tạo nên chiến thắng liên tục của Tiểu đoàn, nhất là khi xuống Phân liên khu miền Tây, đó là quyền chủ động trên chiến trường. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tham mưu Phân liên khu do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến phụ trách, với đại đội trinh sát đặc công tinh nhuệ của mình, Tiểu đoàn luôn luôn nắm sơ hở của địch, chuẩn bị chiến trường.
Trong lúc chủ động nghi binh phục kích đánh bọn địch ở Cà Mau vào càn quét vùng An Xuyên – Tân Lộc thì Tiểu đoàn đã cho đi điều tra và chuẩn bị kế hoạch diệt cứ điểm Hộ Phòng trên đường Bạc Liêu – Cà Mau. Hạ xong cứ điểm Hộ Phòng thì tiếp đánh dinh quận An Biên…Ta chủ động tấn công địch phần lớn trên chiến trường. Cũng có lần bị động như khi địch vào càn quét căn cứ Bạc Liêu, nhưng Tiểu đoàn đã nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tấn công, bằng đường tắt, chặn đầu địch bắn chìm 4 tàu, bắn cháy một tàu tại vàm song Nhựt Nguyệt và đánh tiêu diệt tiêu hao hơn 400 địch trên đường rút ra Cà Mau trên sông Bảy Háp.
Bao giờ trong các buổi họp hàng năm, những cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đầu đã hai thứ tóc ngồi lại tâm tình nhắc chuyện xưa đều có một ý nghĩ chung là cuộc sống chiến đấu ở Tiểu đoàn trong thời kháng chiến chống Pháp quả là hào hùng, sôi nổi, là cuộc sống đẹp nhất của tuổi thanh niên trong cuộc đời cách mạng không thể nào quên.