Có lẽ đã lâu lắm rồi, phòng xử án C1 thuộc TAND TP HCM mới có sự lạ như hôm nay. Phía trước lối vào phòng xử, có một đôi dép nhựa trắng được xếp ngay ngắn. Đôi dép nhựa bạc thếch ấy chẳng thể là của thành viên nào đó trong Hội đồng xét xử (HĐXX). Càng không phải của 1 trong 4 bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa đối mặt với các tội danh làm môi giới, đưa và nhận hối lộ. Bởi đôi dép nhựa kia là của phụ nữ, trong khi đó 4 bị cáo là người khác phái...
Đúng 8h sáng ngày 19/6/2012, phòng xử C1 nơi xuất hiện đôi dép nhựa bạc thếch có rất đông người tham dự. Cả thảy họ dán chặt ánh mắt về phía trước, nơi có 4 bị cáo người tóc đã bạc và người hãy còn rất trẻ đang cúi mặt trước HĐXX uy nghiêm. Các bị cáo đầu cúi gục, 2 tay đan chéo, khúm núm nghe đại diện Viện KSND đọc cáo trạng hành vi phạm tội của chính mình. Họ gồm Nguyễn Văn Quân (39 tuổi, trú quán Tiên Lãng, Hải Phòng, hành nghề buôn bán, môi giới nhà đất, bị truy tố tội đưa hối lộ), Võ Văn Lớp (54 tuổi, nguyên Phó ban Nhân dân ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM), Phạm Thái Quảng (58 tuổi, nguyên Tổ trưởng Tổ nhân dân số 23 ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn, cả 2 bị xét xử tội làm môi giới hối lộ) và Nguyễn Đức Thắng (26 tuổi, nguyên nhân viên thanh tra xây dựng Hóc Môn). Thắng được xem là nhân vật quan trọng nhất của vụ án, là bị cáo duy nhất bị tòa xét xử vì tội nhận hối lộ.
Đây là lần đầu tiên đứng trước vành móng ngựa đối mặt với HĐXX uy nghiêm nên 4 bị cáo cả già lẫn trẻ đều tái mặt, đầu cúi gằm, không dám nhìn thẳng vào vị chủ tọa hay các thành viên Hội thẩm nhân dân. Nhìn cái cảnh 2 người đàn ông ngoài 50 tuổi dáng gầy guộc (Võ Văn Lớp và Phạm Thái Quảng), tóc phần muối nhiều hơn tiêu lễ phép dạ thưa với những người cầm cân nảy mực, không ít người tham dự phiên tòa xót xa. Từng này tuổi như họ, người ta đang sum vầy cùng con cháu, hạnh phúc bên gia đình ấm êm, chứ đâu có cái cảnh mất ăn mất ngủ, phấp phỏng âu lo cái án tù được "hứa hẹn" không thể nhẹ.
Khi được vị chủ tọa "hỏi thăm", 2 bị cáo còn lại cũng lễ phép dạ thưa. Đặc biệt Nguyễn Đức Thắng với gương mặt non choẹt nhưng bị xử về tội nhận hối lộ khi trả lời HĐXX đã không ít lần vừa nói vừa khóc. Thắng khóc vì ân hận hành vi nông nổi lỡ nhận tiền hối lộ chăng? Hay Thắng khóc vì đường tương lai lẽ ra hãy còn dài và xán lạn của mình nay sắp khép lại bằng án tù dài đằng đẵng? Dù với lý do gì thì Thắng có điểm chung với nhiều, rất nhiều tội phạm khác, khi biết khóc vì ăn năn, hối hận hay vì sợ hãi… thì chuyện đã quá muộn!
Thắng ngoái đầu nhìn và xin mẹ tha tội. |
Chuyện Quân (đưa hối lộ), Thắng (nhận hối lộ) cùng 2 ông Lớp, Quảng (làm môi giới hối lộ) dắt díu nhau ra tòa bắt nguồn từ việc Quân nhận chuyển nhượng 665m2 đất nông nghiệp thuộc tổ 23, ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn từ ông Nguyễn Tấn Nghiệp, với số tiền 1.460.000 đồng vào ngày 7/12/2010. Dù là đất nông nghiệp và chưa làm thủ tục sang tên sở hữu, biết như thế chẳng thể xây dựng được nhưng Quân vẫn tìm cách xây nhà cho thuê tại lô đất trên. Thông qua một người quen, Quân gặp Nguyễn Ngọc Nam (đang bị truy nã, nguyên cán bộ xã Trung Chánh, Hóc Môn) để xin giấy phép xây dựng nhà.
Giữa tháng 12/2010, hai bên bàn bạc và đi đến thỏa thuận: Nam có trách nhiệm xin giấy phép xây dựng dạng nhà cấp 4 tường gạch mái tôn để ở cho Quân. Đổi lại Quân sẽ trả Nam 100 triệu đồng. Việc thanh toán chia thành 2 đợt. Đợt 1, Quân đưa trước 50 triệu đồng để Nam chi phí giao dịch. Phần còn lại Nam sẽ nhận được khi Quân có trong tay giấy phép xây dựng.
Thực hiện thỏa thuận, ngày 20/12/2010, sau khi nhận từ Quân 50 triệu đồng, Nam viết giấy biên nhận với nội dung "làm dịch vụ xin giấy phép xây dựng tạm 200m2 cho Nguyễn Văn Quân". Một thời gian sau, "điệp vụ" bất thành, Quân ngỏ ý nhờ Nam giúp tìm cách xây nhà không cần giấy phép. Hai bên thống nhất chuyển số tiền 100 triệu đồng dịch vụ nêu trên để lót tay cho thanh tra xây dựng làm ngơ việc xây nhà không phép.
Cuối tháng 12/2010, khi gặp và được Nam trình bày rằng có người nhà cần xây tạm khoảng 40m2 không giấy phép xây dựng để ở và trồng rau xanh, biết lời nhờ vả ấy vượt quá sức mình nên Phạm Thái Quảng khi ấy là Tổ trưởng Nhân dân tổ 23 thuộc ấp 6, xã Đông Thạnh đã bàn bạc sự việc với Phó ban Nhân dân ấp là Võ Văn Lớp. Qua "nghiên cứu" hồ sơ, Lớp trả lời rằng việc này cần hỏi lại Nguyễn Đức Thắng là thanh tra xây dựng xã Đông Thạnh và gợi ý tiền bồi dưỡng là 30 triệu đồng.
Đến đầu tháng 1/2011, đúng hẹn, Nam mang tiền đến nhờ Quảng trao cho Lớp nhưng Lớp nhờ Quảng giữ giùm. Trong thời gian này, Lớp và Thắng thống nhất giúp Quân xây nhà không phép bằng cách không kiểm tra, không thông báo cho lãnh đạo UBND xã Đông Thạnh. Thắng căn dặn chỉ được xây nhà đơn giản có diện tích không quá 4x10m (40m2) và yêu cầu tiền bồi dưỡng 20 triệu đồng!
Nhận được tin vui, ngày 15/1/2011, chủ đất Nguyễn Văn Quân huy động nhân lực, máy móc gấp rút tiến hành xây dựng với quy mô lớn, xây 11 phòng với diện tích 240m2. Cũng trong ngày, Quân đưa tiếp cho Nam 50 triệu đồng như đã thỏa thuận ban đầu. Số tiền này Nam "ém" riêng (với số tiền 30 triệu đồng mà Quảng nhận trước đó, ngày 18/1/2011, Quảng đưa cho Thắng 20 triệu đồng, 10 triệu đồng còn lại Quảng trao cho Lớp nhưng Lớp nhờ Quảng giữ giùm. Đến khi vụ việc vỡ lở Lớp vẫn chưa nhận được số tiền này!).
Tình trạng lo lót để cán bộ thanh tra xây dựng ngó lơ hành vi xây dựng trái phép như kiểu của chủ đất Nguyễn Văn Quân gần như trở thành chuyện thường ngày ở các xã, thị trấn thuộc huyện Hóc Môn. Chuyện đến đây những tưởng sẽ êm đẹp nhưng nào ngờ, sự quyết liệt của cơ quan chức năng đã đưa những kẻ làm môi giới, đưa và nhận hối lộ ra trước vành móng ngựa và đây chính là nguồn cơn dẫn đến sự hiện diện của đôi dép nhựa úa màu, lem luốc, bê bết bùn đất trước phòng xử án C1 của TAND Tp HCM. Khi kiểm tra địa bàn vào ngày 24/1, phát hiện Nguyễn Văn Quân xây nhà trái phép với quy mô lớn, các thanh tra viên và cộng tác viên xây dựng đã lập biên bản sự việc.
Hai ngày sau, Lại Thị Hương (vợ Quân) bị buộc phải tiến hành tháo dỡ công trình. Biết được hung tin, Quảng gửi trả Nam 10 triệu đồng. Ngay sau đó ông chủ đất Nguyễn Văn Quân yêu cầu Nam hoàn trả lại toàn bộ số tiền 100 triệu đồng vì cái tội "bể kèo". Nam chỉ trả Quân 20 triệu đồng, số còn lại thì lờ tịt. Ức quá, Quân làm đơn tố cáo vụ việc gửi Công an huyện Hóc Môn.
Ngày 17/11/2011, thanh tra xây dựng Nguyễn Đức Thắng bị bắt giam phục vụ cho quá trình điều tra. Sau đó đến lượt Quân (đưa hối lộ), Lớp và Quảng (làm môi giới hối lộ) bị "sờ gáy" nhưng được cho tại ngoại. Riêng Nguyễn Ngọc Nam bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã!
Tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm, lần lượt từng thành viên trong bộ tứ Thắng-Quân-Lớp-Quảng khi được HĐXX điểm danh đã thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Còn nhớ khi đến lượt Nguyễn Đức Thắng được vị chủ tọa hỏi cách thức ăn hối lộ và sử dụng số tiền ấy vào mục đích gì, phía dưới hàng ghế dự khán có người phụ nữ luống tuổi với gương mặt nhàu nhĩ, bật khóc. Người ấy chính là bà Diệp Thị The, mẹ của Thắng. Bà The chính là chủ nhân của đôi dép rách lấm lem trước phòng xử án!
"Má có 7 người con, thằng Thắng là đứa kế út. Nhà nghèo quá nên các anh chị của Thắng đều phải nghỉ học sớm làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và phụ má nuôi Thắng cùng đứa em gái út được ăn học. Được cái là Thắng ham học, hiếu thảo, chăm làm. Ngoài giờ học là nó phụ má bưng bê, đi lấy bông, phụ má buôn bán (bà The kiếm sống bằng nghề bán hoa tươi). Khi tốt nghiệp lớp 12, thấy Thắng ngoan hiền, lãnh đạo xã quan tâm tạo điều kiện cho nó làm cán bộ địa phương, rồi cho học lớp nghiệp vụ và đưa vào làm thanh tra xây dựng. Nó mới làm được vài tháng… đã bị bắt nhốt rồi".
Không đủ sức để nhìn đứa con là niềm kỳ vọng của gia đình bởi "nó là đứa học cao nhất nhà và làm việc nhà nước rất oai", bà The rời phòng xử. Bà xỏ đôi chân thô kệch nứt nẻ vào đôi dép bê bết bùn đất rồi đi về phía gốc cây phía trước, rầu rĩ ngồi khóc nức nở. Hàng chục năm trời đầu tắt mặt tối buôn gánh bán bưng lo cho con ăn học, bà The đâu ngờ có cái ngày nghiệt ngã này: "Chính thức thì Thắng đi làm được 5 tháng thì bị bắt" - người mẹ tội nghiệp thổn thức: "Lúc hay tin nó bị Công an bắt vì tội ăn hối lộ, má rụng rời không tin chuyện đó có thật, cứ nghĩ con bị bắt oan. Từ lúc đi làm đến khi bị bắt, má và các anh chị em của Thắng chưa nhận được đồng nào Thắng mang về. Mà nó có cho tiền má cũng chẳng lấy bởi con còn trẻ còn biết bao khoản phải chi tiêu, má già rồi, cho con không hết thì thôi, lấy làm gì!".
Sau quá trình xét hỏi, bào chữa…, đến giờ giải lao để HĐXX nghị án, nhìn cái cảnh bà mẹ với gương mặt sầu héo ngồi thất thần, quặn lòng nhìn con tay bị còng, mặt cúi gằm mà nước mắt cứ tuôn vì ân hận, vì thương mẹ, vì giận mình hay vì lý do nào đó, rất nhiều người tham dự phiên xét xử cảm giác xót xa.
Chuông reng, đến giờ tuyên án, hít thật sâu, bà The là người sau cùng bước vào phòng xét xử. Và như lần trước, bà lại là người duy nhất bỏ dép ở bên ngoài. Lần đầu tiên đến chốn công quyền, lần đầu tiên bước chân vào tòa án, lần đầu tiên gặp xe chở tù, lần đầu tiên gặp rất nhiều chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ dẫn giải bị can, bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa…, người mẹ quê mùa rất sợ.
Mặc nhiều người khuyên mang dép vào phòng xử, bà vẫn để bên ngoài. Bà như biết bao bà mẹ nghèo khó quê mùa, đến nơi sang trọng, uy nghiêm thường rụt rè, nhút nhát, giữ ý tứ đến lạ!
Sau thời gian nghị án, tòa tuyên Nguyễn Đức Thắng 6 năm tù về tội nhận hối lộ. Hai bị cáo Lớp và Quảng mỗi người lãnh 2 năm tù tội "làm môi giới hối lộ". Riêng Nguyễn Văn Quân bị tuyên xử 3 năm tù tội "đưa hối lộ". Phiên tòa kết thúc, Thắng cùng các bị can được các chiến sĩ Công an nhanh chóng dẫn giải đưa vào "xe bít bùng" về trại giam.
Nhìn cái cảnh bà The hớt hải chạy theo con đến quên cả mang dép rồi bần thần đứng như trời trồng khi biết được rằng càng chạy theo thì con càng xa, rất nhiều người cảm giác xót xa. Nhất là khi Thắng chân tiến về phía trước mà đầu cứ ngoái lại nhìn mẹ rồi nói trong nước mắt: "Má ơi, má tha lỗi cho con!".
Chiếc xe bít bùng hú hồi còi rồi lao về phía trước. Sau phút giây lặng người, bà The lần đến trước tòa án, xỏ đôi chân nhăn nheo vào đôi dép nhựa cũ rách, lấm lem. Một người chị của Thắng cho biết bà đã mang đôi dép ấy hơn 10 năm trời.
Dép đứt, bà dùng dây kẽm cột lại. Đồng tiền kiếm được khó nhọc nên người mẹ nghèo tiết kiệm từng đồng từng cắc để tự lo cho mình, không muốn làm phiền các con và cũng nín nhịn để dành nuôi cho Thắng ăn học. Hơn 10 năm qua, chẳng biết đôi dép nhựa ấy đưa bà đi đi về về từ nhà ra chợ và ngược lại chẳng biết bao nhiêu ngàn lần, bao nhiêu ngàn cây số.
Chỉ biết rằng từ hôm nay và những tháng ngày sắp tới, đôi dép ấy không chỉ đưa bà The rời nhà ghé chợ nhiều hơn, ở chợ lâu hơn mà còn đưa bà đến trại giam thăm nuôi đứa con dại dột chỉ vì phút giây không giữ mình mà đánh mất tất cả.
11h trưa, trời nắng chang chang. Đôi dép rách đưa bà The lê bước về phía trước. Phía trước còn đó một chặng đường dài!