1. Năm 2009, khi vụ án dọa nổ bom để cướp tài sản của sếp một ngân hàng lớn trên phố Bà Triệu xảy ra, dư luận đồn đoán, thủ phạm phải là một kẻ giang hồ máu lạnh thì mới dám táo tợn đến thế. Nhưng khi Cơ quan Công an xác định được đó là Nguyễn Hoàng Long thì tất cả đều bất ngờ. Đó là một cựu học sinh đã từng du học ngành quản trị kinh doanh ở Singapore, từng làm giám đốc một công ty kinh doanh tại Hà Nội.
Gần một năm sau ngày ra đầu thú (tháng 10/2011), giờ Long đứng trước vành móng ngựa trông gầy gò, đen đúa, không còn dáng vẻ thư sinh như ngày xưa. Long kể: "Trước khi bị di lý ra Hà Nội để xét xử vụ án này, em đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử 9 năm 6 tháng tù giam về tội lừa đảo. Án có hiệu lực pháp luật, em chuyển về Trại giam số 3 Tân Kỳ, Nghệ An để thi hành án. Ở Trại, mấy tháng trước, lao động gặt lúa, phơi nắng ngoài đồng nên mới đen thui đi thế này. Từ nhỏ đến lớn, chỉ biết đi học, hết trong nước đến nước ngoài, em chả biết trồng cấy là gì, về Trại 3, các thầy quản giáo phải dạy mãi em mới biết cấy lúa, gặt lúa". Tôi hỏi: "Học hành giỏi giang thế, được đào tạo chỉn chu thế mà giờ ra nông nỗi này, có tiếc không?". Long rưng rưng cười, cay đắng: "Hối hận, tiếc nuối nhưng khi ngộ ra thì đã quá muộn rồi".
Là con trai duy nhất của một gia đình công chức tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, từ nhỏ đến lớn, Long được bố mẹ cưng chiều, cho ăn học đầy đủ. Trên Long còn có một người chị gái, giờ đang dạy học tại quê. Học xong phổ thông, Long được gia đình cho đi du học ngành quản trị kinh doanh ở Singapore với hy vọng cậu con trai duy nhất sau này sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Sau 3 năm du học, khoảng cuối năm 2006, Nguyễn Hoàng Long trở về nước. Nhưng Long không về quê mà xin cha mẹ cho ở lại Hà Nội để lập nghiệp.
"Với tấm bằng quản trị kinh doanh, với vốn tiếng Anh kha khá, nếu em yên phận làm một nhân viên kinh doanh thì có lẽ, em sẽ chẳng bao giờ phải đứng trước vành móng ngựa như thế này", Long nói về những sai lầm cũ, đầy xa xót, "nhưng em lại muốn làm ông chủ trong khi hoàn toàn chưa có một chút kinh nghiệm nào trên thương trường, không có chút vốn liếng tiền bạc gì trong tay".
Tại Hà Nội, ngay sau khi về nước, Long thành lập Công ty cổ phần Kinh doanh nhà hàng và dịch vụ PARIS9, thuê một căn hộ khang trang tại Khu đô thị mới Định Công để làm trụ sở và Long giữ cương vị giám đốc. Công ty của Long mở liền lúc mấy nhà hàng ở các con phố lớn. Nuôi mộng làm giàu, Long hy vọng giấc mơ tỉ phú sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
Nhưng rồi, việc kinh doanh không suôn sẻ. Càng kinh doanh càng thua lỗ. Chỉ sau một năm kinh doanh, Công ty của Long đứng trên bờ vực phá sản. Long chết chìm trong những khoản tiền vay nợ từ khi mở công ty mà không có khả năng thanh toán.
Để cứu vãn tình thế, khoảng giữa năm 2007, Long quay về quê Thanh Hóa, vừa để trốn nợ, vừa để tìm cách lừa đảo lấy tiền trả những khoản nợ ngập đầu tại Hà Nội.
Do đã từng đi du học tại Singapore nên Long rất rành về thủ tục, quy trình đưa học sinh sang bên đó. Vì vậy, Long đã tận dụng sự hiểu biết của mình để lừa đảo du học. Tin tưởng vào những lời đường mật của Long, nhiều phụ huynh học sinh ở Thanh Hóa đã gom góp tiền bạc đến nộp cho Long để nhờ Long đưa con em mình đi du học. Nhưng rồi, tiền thì Long tiêu hết mà chả đưa được bất kỳ em học sinh nào sang Singapore học tập như đã cam kết nên những người bị hại đã làm đơn tố cáo Nguyễn Hoàng Long tới Công an tỉnh Thanh Hóa.
Đầu năm 2009, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Hoàng Long về tội lừa đảo. Trốn truy nã, Long lại bắt xe quay trở ra Hà Nội, quay quắt tìm cách kiếm tiền bằng con đường phạm tội để bù vào các khoản nợ ở Thanh Hóa hòng thoát tội.
Và, vì thế mà Long rơi vào vòng luẩn quẩn để rồi lần phạm tội sau còn nghiêm trọng hơn lần phạm tội trước.
Nguyễn Hoàng Long tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/6 vừa qua. |
2. Trong thời gian bỏ trốn ở Hà Nội, tình cờ khi lên mạng Internet, Nguyễn Hoàng Long đọc được bài viết về một ngân hàng lớn có trụ sở ở phố Bà Triệu và cá nhân ông H.H.A, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng này. Nghĩ ông H.H.A là người có nhiều tiền nên Long nảy sinh ý định tìm gặp, đe dọa ông này để lấy tiền. Thực hiện ý định đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 20/4/2009, Nguyễn Hoàng Long đến ngân hàng để tìm gặp ông H.H.A nhưng không được. Thông qua một số người, Long đã lấy được số điện thoại di động của ông H.H.A.
Khoảng 14 giờ chiều cũng ngày, Long dùng một sim điện thoại khuyến mại nhắn tin vào máy di động của ông H.H.A. Trong tin nhắn, Long tự xưng tên là "Kova Tran", đề nghị gặp ông H.H.A để giao một đĩa CD có nội dung liên quan đến cá nhân ông H.H.A. Cũng cần phải nói thêm rằng, đây chỉ là thủ đoạn do Long tự nghĩ ra để tiếp cận được ông H.H.A mà thôi, còn trên thực tế không có chiếc đĩa CD nào có nội dung liên quan đến đời tư, cá nhân ông H.H.A cả.
Sau khi nhận được tin nhắn của Long, ông H.H.A có nhắn lại báo rằng, nếu có gì thì cứ gửi vào hòm thư của cơ quan ông ở phố Bà Triệu.
Dù vậy, Long vẫn không bỏ cuộc. Khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau 21/4, Long tiếp tục nhắn tin cho ông H.H.A báo sẽ cho người mang chiếc đĩa CD trên đến cơ quan giao cho ông H.H.A. Nhận được tin, ông H.H.A đồng ý gặp "người của Kova Tran". Đầu giờ chiều cùng ngày, ông H.H.A cử nhân viên lễ tân xuống tầng 1 gặp bộ phận bảo vệ thông báo khi nào có người tìm gặp và giao chiếc đĩa CD thì mời người đó lên gặp ông H.H.A.
Một lúc sau thì "người của Kova Tran" xuất hiện ở ngân hàng và người đó chẳng phải ai khác, chính là Nguyễn Hoàng Long. Long mang theo một chiếc cặp đen trong đó có đựng một cuốn sách.
Y theo lời dặn của ông H.H.A, bộ phận bảo vệ đã mời Long lên phòng riêng của ông H.H.A ở tầng 15.
Khi ông H.H.A đi vào phòng, rất nhanh tay, Long bèn chốt chặt cửa lại. Trả lời câu hỏi của HĐXX, "chốt cửa để làm gì?", Long nói, "để người bên ngoài không vào cứu ông H.H.A được".
Khi cánh cửa đã được chốt, Long bắt đầu giở giọng đe dọa. Long chỉ vào chiếc cặp và nói rằng, ở trong đó có bom. Đồng thời, đưa cho ông H.H.A đọc một tin nhắn do Long đã soạn thảo từ trước với nội dung: "Trong cặp của tôi có 1 kg thuốc nổ TNT, hiện có người thuê tôi giết ông với số tiền là 500 triệu đồng. Nếu ông đồng ý đưa cho tôi 1 tỉ đồng thì tôi sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho ông và nếu ông tiếp tục đưa cho tôi thêm 1 tỉ nữa, tôi sẽ nói cho ông biết người đứng đằng sau thuê tôi giết ông là ai, còn nếu ông có hành động báo động hoặc báo công an thì tôi sẽ kích hoạt số thuốc nổ này, làm nhiều người chết".
Sau khi đọc xong tin nhắn, ông H.H.A lo sợ buộc phải đồng ý đưa cho Long số tiền 500 triệu đồng, đồng thời đề nghị Long cung cấp thông tin ai là người thuê Long giết ông H.H.A thì sẽ giao nốt số tiền còn lại. Nhưng Long chỉ đồng ý nhận 500 triệu đồng, không cung cấp thông tin ai là người thuê giết.
Ngay tắp lự, ông H.H.A điện thoại cho nhân viên rút 500 triệu đồng từ tài khoản cá nhân của ông đem vào phòng đưa cho Long. Nhưng Long không cầm tiền mà tiếp tục yêu cầu ông H.H.A phải xách túi tiền và trực tiếp đưa Long xuống tầng 1, khi ấy, Long mới cầm tiền. Thẩm phán Trần Thị Đông Bích, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Vì sao bị cáo lại yêu cầu như thế?", Long trả lời: "Vì sợ nếu bị cáo cầm tiền tự đi xuống tầng 1 thì sẽ bị ông H.H.A thông báo cho nhân viên bảo vệ bắt giữ".
3. Sau khi nhận được túi tiền từ tay ông H.H.A tại tầng 1, Long ra khỏi ngân hàng, đi bộ lòng vòng qua mấy con phố rồi bắt xe ôm lên chợ Đồng Xuân, mua ba lô, trang phục mới nhằm thay hình đổi dạng để đề phòng ông H.H.A báo công an truy tìm. Sau đó, Long đi xe ôm tiếp về phía cầu Định Công, quận Hoàng Mai. Trên đường đi, Long đã vứt chiếc cặp và bộ quần áo mặc khi gây án xuống mương nước.
Xẩm tối cùng ngày, Long điện thoại cho cô em họ đến cầu Định Công để gặp nhau. Long đã dùng số tiền cướp được cho cô này 10 triệu đồng và gửi trả một người bạn 10 triệu đồng là số tiền Long đã vay trước đó.
Đêm ấy, Long về nhà trọ của một người bạn học cũ thời phổ thông ở quê tại Khương Trung, Thanh Xuân để định ngủ nhờ nhưng khi tới đây thì Long biết được thông tin người bạn đó đã được Cơ quan điều tra mời lên làm việc. Vậy là Long hiểu, vụ việc đã vỡ lở, Công an Hà Nội đã xác định được tung tích của Long.
Vì vậy, ngay sáng ngày hôm sau, Long bỏ trốn khỏi Hà Nội. Trước khi trốn, Long đã nhờ một người bạn cùng quê chuyển cho mẹ đẻ của Long, lúc này đã chuyển về sinh sống tại Đức Trọng, Lâm Đồng, số tiền 100 triệu đồng và nhờ cô em họ chuyển 175 triệu đồng về quê trả nợ cho một số khoản vay của Long từ trước đó. Còn lại, 198 triệu đồng, Long mang theo làm lộ phí và Long đã chi tiêu hết trong thời gian lẩn trốn.
Gần 2 năm sau ngày gây án, biết không thể chạy trốn mãi được, ngày 13/8/2011, Nguyễn Hoàng Long đã đến Công an tỉnh Bình Dương đầu thú. Sau đó, hai vụ án - một vụ lừa đảo du học ở Thanh Hóa và một vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội - đã được Cơ quan Công an phục hồi điều tra.
Ngày 14/2/2012, Nguyễn Hoàng Long đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 9 năm 6 tháng tù giam về tội lừa đảo, sau đó Long được chuyển đi thụ án tại Trại giam số 3 Tân Kỳ, Nghệ An.
Từ đây, Long lại bị di lý tiếp ra Hà Nội để xét xử về hành vi cướp ngân hàng và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/6 vừa qua, Nguyễn Hoàng Long bị tuyên phạt 19 năm tù giam. Án chồng án, vậy là mới 30 tuổi đời nhưng Nguyễn Hoàng Long đang phải chịu hình phạt tù giam tới 28 năm 6 tháng.
Trong cuộc trò chuyện với PV khi chờ đợi HĐXX nghị án, Nguyễn Hoàng Long đã bày tỏ sự hối tiếc đối với những sai lầm của bản thân. Tuy với Long, tất cả đã là quá muộn màng nhưng chúng tôi thiết nghĩ sẽ còn là sớm đối với những ai đang muốn sa lầy vào con đường tội lỗi. PV: Ra tòa mà không có người thân, em có buồn không? Nguyễn Hoàng Long: Cha mẹ em đã già, lại ở mãi tận Lâm Đồng nên chắc là không thể ra được. Sau khi em gây án, nợ ngập đầu, cha mẹ em đã phải bán nhà ở Thanh Hóa đi để trả nợ cho con và vào Lâm Đồng sống. Phần nữa, cũng tại xấu hổ vì em mà phải đi thôi… Nuôi con lớn bằng ngần này, giờ chả được con báo hiếu gì, lại còn phải đau khổ vì con nữa, em biết là em có lỗi với cha mẹ em rất nhiều. PV: Giờ em có lý giải được nguyên nhân nào khiến em sa ngã không? Nguyễn Hoàng Long: Trong những ngày bị tạm giam, em đã nghĩ rất nhiều. Sau khi đi du học về, với những kiến thức được học, cộng với vốn tiếng Anh tương đối tốt, nếu em chấp nhận làm nhân viên văn phòng thì chắc cũng đủ sống. Nhưng tại em nuôi mộng làm ông chủ, trong khi chả có tiền bạc, vốn liếng, kinh nghiệm thương trường thế nên càng kinh doanh càng lỗ. Khi bị thúc ép trả nợ nhiều quá thì mới sinh ra nghĩ quẩn, phạm tội để lấy tiền trả nợ. Dù dư biết khi vào ngân hàng thì hình ảnh của em chắc chắn sẽ bị camera ghi được nhưng lúc đó em trở nên liều lĩnh bất chấp tất cả, miễn sao có tiền để trang trải nợ nần thôi. Em cứ sa lầy hết từ sai lầm này đến sai lầm khác. Giờ nhận ra thì đã muộn mất rồi. |