Thơm nói rằng, 3 năm đã trôi qua, người chồng xấu số đã chết dưới bàn tay người tình của mình, nhưng không hiểu sao, đến giờ này, dù đã ân hận, đã ngấm đủ những cay đắng vì bị gia đình, con cái ghét bỏ, nhưng Thơm vẫn yêu Bùi Hữu Khuyến – gã đàn ông đã khiến gia đình Thơm tan nát. Kiểu yêu của người đàn bà này, hẳn là một dạng: Rồ tình!
Ghen ngược
Năm 2007, Bùi Hữu Khuyến, 41 tuổi, quê ở Hòa Bình – gã lái xe chuyên chạy tuyến Thanh Hóa để đổ cám thực vật, đã bất ngờ gặp Nguyễn Thị Thơm, 34 tuổi, khi ấy là bà chủ quán karaoke ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Người đàn bà hai con, lấy chồng từ năm 17 tuổi, nhanh chóng bị cuốn vào cuộc tình với gã đàn ông đã có một đời vợ. Như những kẻ đang đi trên sa mạc nhìn thấy dòng nước mát, họ lao vào nhau không chút suy tư. Giống đời ăn vụng, bao giờ cũng thấy ngon hơn là được ăn công khai, đường hoàng.
Cuộc tình ấy kéo dài đến 2 năm thì bị chồng Thơm là anh Lê Mạnh Hà, 37 tuổi phát hiện. Anh ra sức khuyên can cô vợ đang tuổi 30, hừng hực sức sống hãy nghĩ lại mà quay về gia đình, chăm sóc hai đứa con, nhưng điều ấy không làm hai trái tim đang điên cuồng yêu nghĩ lại. Họ vẫn lén lút quan hệ tình cảm, trong những lần đi chơi cùng nhau, Khuyến thể hiện sự ghen tuông, khó chịu khi liên tục phàn nàn với Thơm về sự tồn tại của anh Hà, như một chướng ngại vật ngáng trở đường tình của hắn với Thơm. Lẽ ra người phải nổi cơn ghen là anh Hà mới đúng, nhưng đằng này, thói ích kỷ, đê hèn đã khiến Khuyến ghen ngược. Và hắn quyết tâm phải gạt “chướng ngại vật” để dễ dàng đi lại với Thơm.
“Khuyến có gì hấp dẫn mà lại khiến chị mù quáng nghe theo lời hắn để rồi ra tay giết hại chồng mình như thế?” – tôi hỏi Thơm. Người đàn bà cúi mặt: “Chị cũng là phụ nữ chắc chị hiểu, có những lúc em thiếu thốn tình cảm, mà chồng mình thì lại lơ là nên em đã sa ngã”. Sai lầm của Thơm quả là không thể sửa chữa.
Thực ra, hai kẻ cuồng yêu này không hề bàn bạc cách giết hại anh Hà từ trước đó, Thơm hoàn toàn bất ngờ khi nghe người tình gọi điện vào khoảng 18h ngày 18/11/2009, thông báo, đêm cùng ngày sẽ vào Thanh Hóa để “giải quyết” anh Lê Mạnh Hà, nhưng không hiểu sao, như một thứ bùa mê thuốc lú, Thơm đã làm theo sự điều khiển của Khuyến như một con rối, từ việc đi mua một sim điện thoại mới để liên lạc với Khuyến cho khỏi bại lộ theo chỉ đạo của Khuyến, đến việc thông báo hành trình của chồng mình cho người tình biết để chặn đường.
Và, từ chiều tối 18/11 đến rạng sáng 19/11/2009, tức là có nhiều tiếng đồng hồ để cho người đàn bà ấy nghĩ lại, nhưng Thơm vẫn quyết tâm cùng người tình hạ sát chồng đến cùng. Làm nghề buôn rau quả nên anh Hà thường ra khỏi nhà vào lúc rạng sáng. Anh không ngờ rằng, hành trình di chuyển của mình đã bị chính người vợ “rắc lông ngỗng” cho tình nhân biết. Khi anh Hà đến chợ đầu mối thuộc phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) mua rau quả thì Khuyến đã có mặt ở thị trấn Bút Sơn và hắn liền đến cầu Đông Hương đón lõng anh Hà rồi lặng lẽ đi xe máy bám theo.
Đến Bưu điện TP Thanh Hóa, không nhìn thấy anh Hà đâu, Khuyến gọi điện cho Thơm hỏi. Vài giây sau, Thơm gọi điện hỏi chồng và thông báo cho người tình, rằng anh Hà đã về đến Bệnh viện Hợp Lực. Khuyến phóng theo đến đoạn địa phận thôn Mỹ Đà, xã Hoàng Minh, huyện Hoằng Hóa thì nhìn thấy anh Hà. Vừa ép anh Hà vào lề đường, hắn nhảy xuống dùng thanh sắt vụt liên tiếp vào đầu anh Hà khiến anh tử vong tại chỗ.
Sự trừng phạt lớn nhất
Không có một bi kịch nào đau đớn hơn khi những đứa con biết rằng, kẻ sát hại bố chúng lại chính là người mẹ. Giờ đây, Thơm đang phải chịu sự trừng phạt từ hai cậu con trai, một đứa năm nay học lớp 10, một đứa học lớp 4 vì sai lầm của mình. “Em đã viết tới 5 lá thư gửi con, nhưng chưa nhận được một lá thư hồi âm nào” – Thơm chia sẻ. “Vào đây, có nhiều thời gian để em suy nghĩ, có khi em tự hỏi lòng em, tại sao mình lại giết chồng, tại sao mình lại gây nên bi kịch này”. “Nếu hai người đã yêu nhau đến thế, tại sao không nghĩ đến một giải pháp nhẹ nhàng hơn, ví như ly hôn với anh Hà chẳng hạn” – tôi nói. “Em với Khuyến đến với nhau chỉ vì em thiếu thốn tình cảm, nhưng chưa bao giờ em có ý định sẽ bỏ chồng để sống với Khuyến. Khi Khuyến gọi điện, em không hiểu tại sao mình lại đồng ý. Lúc nghe Khuyến báo tin đã giết anh Hà, em không tự tay nên cũng không thấy sợ lắm, ý định của em là đến 50 ngày anh Hà, em sẽ thú nhận với gia đình cả hai bên, nhưng chưa kịp thì đã bị bắt” – Thơm nói.
Hai đứa con của Thơm giờ gửi ông nội nuôi. Điều may mắn lớn nhất của Thơm là gia đình nhà chồng rất tốt. Có thể trong thâm tâm, những người thân của anh Hà vẫn còn giận lắm cô con dâu ác độc, nhưng lần nào gọi điện về cho bố chồng, ông cũng khuyên Thơm giữ gìn sức khỏe, tập trung cải tạo để còn có cơ hội về với con.
Những lá thư Thơm gửi về cho bố chồng, cô đều tạ tội ông cũng như gia đình anh Hà, mong được mọi người tha thứ, chăm sóc hai đứa con giúp mình. Những lúc lao động, thời gian cuốn trôi một ngày vụt qua thật nhanh cũng giúp Thơm quên đi mọi chuyện, nhưng đêm nào cũng vậy, trước khi ngủ, cô hay nghĩ về tội lỗi của mình, hình ảnh người chồng, người tình và những đứa con lại hiện về, khiến tâm can Thơm chưa khi nào thôi day dứt.
Cả đời này, có lẽ đó là cái án trừng phạt lớn nhất mà Thơm phải gánh chịu. Thơm nói rằng, tất cả cũng chỉ vì “bọn em yêu nhau quá, Khuyến lại hay ghen với anh Hà nên mới sinh ra thế. Em không biết trước ý định của Khuyến, anh ấy nói với em rồi làm liền, Khuyến điện thoại hỏi em, em chỉ nói thời gian đi, thời gian đến của anh Hà, nếu mà Khuyến có ý định dài dài từ trước thì em sẽ gàn, cái tình huống ấy nó xảy ra quá nhanh...”. Hỏi, đến bây giờ còn yêu Khuyến không, Thơm trả lời luôn không một phút suy nghĩ: “Em vẫn còn yêu anh ấy”.
Ngày đôi tình nhân tội lỗi ấy ra tòa, họ đi cùng nhau trên một chuyến xe. Gã đàn ông si tình ấy đã xin lỗi người mình yêu. “Không ai nói chi được cả, mọi việc đã an bài hết rồi. Anh ấy không nói là yêu em nhưng chỉ cần nhìn vào mắt nhau, em cũng đủ hiểu anh ấy còn tình cảm với mình như thế nào” - ánh mắt Thơm lại long lanh không thể nào che giấu.
Giờ thì Bùi Hữu Khuyến vẫn đang nằm trong buồng biệt giam, đợi chờ từng ngày một giây phút số phận mình được định đoạt. Hắn đang chơi một canh bạc mà phần thua lên tới 99,9%. Chỉ còn 0,01% để cho hắn hy vọng. Và đó cũng là hy vọng của Nguyễn Thị Thơm. Thơm đã viết một lá thư gửi cho Khuyến, chỉ biết gửi đi chứ không biết anh ta có nhận được hay không. Đó là cách để Thơm trút nỗi niềm, cô nói rằng, trong lá thư, cô động viên Khuyến cố gắng không bi quan, nếu có cơ hội xuống án thì cố gắng sống để chuộc lỗi lầm.
“Những lúc yêu là những lúc mê muội nhất. Trong mắt em thì Khuyến rất đẹp trai. Lỗi lầm của em không thể nào sửa chữa được. Vào trong này, mỗi người một cảnh, ai cũng có nỗi đau lòng riêng của người ta nên không bao giờ mọi người hỏi nhau, tại sao lại giết chồng, tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia. Đó là vết thương lòng nhức nhối không ai muốn nói đến. Nhiều lúc em tự kể, tâm sự với bạn cùng buồng cho nhẹ bớt nỗi lòng” – lần đầu tiên trong suốt cuộc nói chuyện, tôi thấy mắt người đàn bà nông nổi ấy sánh ra hai giọt nước.
Đàn bà khi yêu thường ít khi tỉnh táo. Nguyễn Thị Thơm cũng vậy, Thơm đã điên cuồng yêu và ngu muội đến cái nỗi, khi người tình ngỏ ý muốn giết chồng, cô ta đã không mảy may phản kháng. Thơm đổ tại “ma xui quỷ khiến” – đó là cái lý lẽ mà rất nhiều kẻ phạm tội tày đình đã đổ thừa để biện minh cho hành động của mình.
Dù sao thì Thơm cũng may mắn hơn người tình, cô ta chỉ phải chịu mức án 20 năm tù giam – đó là một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải ngắn đối với cuộc đời một con người. Sự trở về của Thơm sau này, khi cô ta đã trở thành người đàn bà có tuổi, không biết có nhận được sự cảm thông, sự chấp nhận của những đứa con.
Chắc chắn bây giờ, những đứa trẻ ấy vẫn còn rất giận mẹ mình, Thơm nói, cô ta hy vọng thời gian sẽ làm cho mọi chuyện nguôi ngoai. 3 năm trong trại giam đã đủ để Thơm cảm nhận sự mất mát và thấm thía tội lỗi của mình, Thơm không mong sẽ được thứ tha, nhưng đời người đàn bà, điều quý giá nhất còn lại chỉ là những đứa con, Thơm chỉ mong sau này quay về, những đứa con ấy sẽ vẫn còn gọi mình là mẹ. Sự thứ tha bao giờ cũng khiến con người ta thanh thản hơn, lòng thù hận chỉ khiến cuộc đời này thêm đau đớn mà thôi.