PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Từ ngày 01/01/2025, 03 Luật, 05 Nghị định, 12 Thông tư liên quan công tác công an sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
1. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật số 36/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024.
Luật gồm 9 chương, 89 điều, quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, so với Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý quy định liên quan đến việc tăng tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người; quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh và thực hiện việc trừ điểm giấy phép lái xe.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Luật quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết. |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (Luật số 40/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024.
Luật gồm 02 điều, với những nội dung đáng chú ý như: Bổ sung quy định ưu tiên đảm bảo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ; bổ sung đối tượng cảnh vệ và quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ….
3. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 42/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024.
Luật số 42/2024/QH15 gồm 08 chương, 75 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, khoản 4 Điều 2 , người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…
Luật này đã bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. |
4. Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nghị định này gồm 05 chương, 24 điều; quy định về đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, trừ việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao…
5. Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nghị định gồm 07 chương, 39 điều; quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm: Điều 6 về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khoản 3 Điều 7 về Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc thu thập, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khoản 6 Điều 27 về quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên và trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên. Khoản 5 Điều 35 về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đối với xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ; cấp phép hoạt động đối với phương tiện giao thông thông minh; điều kiện hoạt động của xe thô sơ. Điểm a khoản 1 Điều 46 về màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh. Điểm đ khoản 4 Điều 52 về trường hợp cần thiết phải có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ. Khoản 4 Điều 55 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam; xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định là quy định về nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non; đối với học sinh tiểu học; học sinh trung học và học sinh trung học phổ thông, học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
6. Nghị định quy định về đấu giá biển số xe
Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 quy định về đấu giá biển số xe. Nghị định gồm 04 chương, 29 điều quy định chi tiết Điều 37 và Điều 38 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 về đấu giá biển số xe, bao gồm biển số xe đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, tiền bán hồ sơ, hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe, thu, nộp, xử lý tiền đặt trước, hoàn tiền trúng đấu giá.
Nghị định này áp dụng đối với Bộ Công an; Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đấu giá viên được lựa chọn để đấu giá biển số xe; Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá và Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan…
7. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe
Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Nghị định này gồm 04 chương, 55 điều; quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nghị định cũng quy định về mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt…
8. Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Nghị định này gồm 04 chương, 9 điều; quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước: Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác tại địa phương ngoài Bộ Công an tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước…
|
9. Thông tư quy định công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông
Bộ Công an ban hành Thông tư số 63/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông.
Theo đó, Thông tư gồm 03 chương, 22 điều; quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, nội dung, trình tự kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông.
Đáng chú ý, Thông tư quy định cụ thể về 09 nhiệm vụ và 05 quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong kiểm tra, kiểm soát giao thông đường sắt, cụ thể như sau: Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vi phạm pháp luật khác và bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định; phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt…
10. Quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe
Bộ Công an ban hành Thông tư số 65/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe. Thông tư này gồm 03 chương, 11 điều; áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; Người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thông tư này quy định, Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nội dung kiểm tra gồm 02 phần: Kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp giấy phép lái xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Về phương pháp kiểm tra, Thông tư quy định: Đối với kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật, người dự kiểm tra thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đối với kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng, người dự kiểm tra xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính…
11. Thông tư quy định quy trình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính
Bộ Công an ban hành Thông tư số 67/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định quy trình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính
Thông tư gồm 03 chương, 12 điều, quy định quy trình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn hoặc phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy và phòng, chống tác hại của rượu, bia trong Công an nhân dân; việc sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, cảnh sát giao thông được thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính…
Phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ. |
12. Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 69/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Theo đó, Thông tư gồm 04 chương, 24 điều; quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc, biểu mẫu trong chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông và trách nhiệm của các lực lượng khác được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông trên đường bộ…
13. Thông tư quy định quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe
Bộ Công an ban hành Thông tư số 71/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Thông tư này gồm 04 chương, 15 điều; quy định về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Thông tư quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong quản lý phương tiện, lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trên phương tiện. Đáng chú ý, Điều 13 Thông tư quy định người lái xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ, có trách nhiệm: Quản lý thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trong thời gian được giao lái xe. Chấp hành về thời gian lái xe theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể: Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động…
14. Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Bộ Công an ban hành Thông tư số 72/2024/TT-BCA ngày 13/11/2024 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Thông tư gồm 03 chương, 29 điều quy định việc tổ chức tiếp nhận, xử lý tin báo và giải quyết ban đầu về tai nạn giao thông đường bộ; nội dung, biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết về tai nạn giao thông đường bộ và thống kê tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm, việc điều tra, giải quyết thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự. Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ chưa xác định có dấu hiệu tội phạm, nội dung, biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết thực hiện theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Việc tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định khác có liên quan. Đối với trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia khi tạm giữ giấy tờ, Cảnh sát giao thông thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử…
15. Thông tư quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Bộ Công an ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Thông tư gồm 05 chương, 33 điều; quy định về hình thức; nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết.
Theo Thông tư quy định, Cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát theo quy định tại Điều 65, Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định…
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 30 Thông tư quy định nhiệm vụ của lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý; khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, thì được xử lý theo quy định…
16. Thông tư quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng
Bộ Công an ban hành Thông tư số 79/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Thông tư gồm 04 chương, 40 điều; quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, bao gồm: Cấp mới chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp chứng nhận đăng ký xe trong trường hợp thay đổi chủ xe; đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Thông tư này không điều chỉnh đối với việc đăng ký xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do Bộ Quốc phòng quản lý.
Đáng chú ý, Thông tư cũng quy định màu sắc, seri biển số xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; màu sắc, ký hiệu biển số xe của cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài…
17. Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe. |
Bộ Công an ban hành Thông tư số 81/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe. Thông tư gồm 03 điều; ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe (QCVN 08: 2024/BCA). Quy chuẩn này quy định về cấu tạo, quy cách, yêu cầu kỹ thuật, thử nghiệm, lưu mẫu, bảo quản, sản xuất biển số xe; công nhận kết quả thử nghiệm và tổ chức thực hiện đối với biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến sản xuất, cung ứng, đặt hàng sản xuất, sử dụng biển số xe thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.
Theo đó, tại mục 1 Phần III Quy chuẩn quy định về sản xuất, cung ứng biển số xe, cụ thể như sau:
Biển số xe phải được sản xuất tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt. Việc sản xuất, cung ứng biển số xe phải theo yêu cầu của cơ quan đăng ký xe. Cơ sở sản xuất biển số xe phải xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất biển số xe và nhập các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất biển số xe để phục vụ công tác quản lý sản xuất, cung ứng biển số xe.
Định kỳ 3 tháng, cơ sở sản xuất biển số xe phải báo cáo kết quả sản xuất, cung ứng biển số xe và công tác quản lý dữ liệu sản xuất biển số xe về Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an…
18. Thông tư quy định về chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an
Bộ Công an ban hành Thông tư số 82/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 quy định về chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.
Thông tư gồm 09 chương, 40 điều; ban hành kèm theo 05 Phụ lục và 28 biểu mẫu quy định về: Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Cơ quan thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân; điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an…
19. Thông tư quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Bộ Công an ban hành Thông tư số 83/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thông tư gồm 03 chương, 14 điều và 01 phụ lục kèm theo; áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân được giao nhiệm vụ liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát giao thông; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát giao thông.
Theo đó, Thông tư quy định, xây dựng hệ thống giám sát giao thông tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các yêu cầu sau: Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và các tuyến giao thông đường bộ phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn giao thông hoặc quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; Ưu tiên sử dụng hạ tầng truyền dẫn đã được xây dựng trong Công an nhân dân; trường hợp hạ tầng truyền dẫn trong Công an nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu hoặc chưa được đầu tư xây dựng thì thuê hạ tầng truyền dẫn của nhà cung cấp dịch vụ; Đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp hạ tầng giao thông đường bộ; bảo đảm khả năng tích hợp, kết nối với các hệ thống giám sát giao thông đã được xây dựng.
Hệ thống giám sát giao thông được thiết kế phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu camera giám sát trong Công an nhân dân…
20. Thông tư quy định về việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Bộ Công an ban hành Thông tư số 59/2024/TT-BCA ngày 07/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 74/2020/TT-BCA ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu.
Từ 01/01/2025, công dân sẽ được thu thập ảnh chân dung, vân tay khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu. |
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định liên quan kiểm chứng xuất nhập cảnh; công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, Thông tư bổ sung quy định việc thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 1 Thông tư số 59/2024/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung điểm đ, e và bổ sung điểm g tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 74/2020/TT-BCA quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu...
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an