PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trực tiếp trên tuyến giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025

15:23, 24/12/2024 (GMT+7)

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 69/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Trong đó, Thông tư có quy định phân công nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trực tiếp trên tuyến giao thông đường bộ.

Quy định phân công nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trực tiếp trên tuyến giao thông đường bộ.
Quy định phân công nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trực tiếp trên tuyến giao thông đường bộ.


Cụ thể, tại Điều 13 Thông tư quy định:

1. Chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông

a) Đối với nút giao thông có 01 Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

Trường hợp trật tự, an toàn giao thông tại nút giao thông bình thường, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải đứng ở vị trí thuận lợi, dễ theo dõi và quan sát để hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn, đúng quy định; phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết ban đầu các vụ vi phạm pháp luật khác hoặc tai nạn giao thông và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

 Trường hợp tại nút giao thông có diễn biến phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông đứng ở vị trí trung tâm nút hoặc đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông nếu nút giao thông có bố trí bục điều khiển giao thông;

b) Đối với nút giao thông có từ 02 Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông trở lên

Tổ trưởng có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Tổ công tác; phân công vị trí cụ thể cho từng Tổ viên. Khi đèn tín hiệu giao thông hoạt động không bình thường hoặc mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông thì tự mình hoặc phân công đồng chí Tổ viên đứng ở vị trí trung tâm nút giao thông hoặc đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông nếu nút giao thông có bố trí bục điều khiển giao thông; chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Tổ viên đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng (đứng ở chiều đường chính, có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông hoặc phức tạp về trật tự, an toàn giao thông); khi thay đổi tín hiệu đèn giao thông thì tuỳ tình hình phức tạp về trật tự, an toàn giao thông của các chiều đường, Tổ viên có thể di chuyển vị trí sang chiều đường khác. Tổ viên có nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đứng ở vị trí trung tâm nút giao thông hoặc trên bục điều khiển giao thông; phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết ban đầu các vụ vi phạm pháp luật khác hoặc tai nạn giao thông theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công;

 c) Phạm vi hoạt động của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là từ trung tâm nút giao thông đến các vạch dừng xe hoặc đường giới hạn phạm vi nơi giao nhau. Trường hợp có các vụ việc liên quan đến trật tự, an toàn xã hội hoặc tai nạn, ùn tắc giao thông xảy ra bên ngoài khu vực nút giao thông thì Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải trực tiếp hoặc phối hợp với các lực lượng khác để giải quyết theo quy định.

2. Chỉ huy, điều khiển giao thông tại một vị trí hoặc một khu vực trên đường giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông đường bộ

Căn cứ vào tình hình và mức độ ùn tắc giao thông để bố trí lực lượng chỉ huy, điều khiển giao thông tại các vị trí trên đường giao thông. Việc bố trí lực lượng thực hiện theo quy định sau: a) Bố trí lực lượng tại các điểm phân luồng ở vòng ngoài cùng phía ùn tắc giao thông. Tại các điểm này, lực lượng được phân công có nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông hoặc tạm dừng các phương tiện từ xa theo phương án phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông hoặc theo chỉ đạo của cấp trên để hạn chế các phương tiện đi vào khu vực ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho các phương tiện đi từ khu vực ùn tắc giao thông ra; b) Bố trí lực lượng trên dọc tuyến phía khu vực ùn tắc giao thông để điều khiển, hướng dẫn giao thông, không cho các phương tiện lấn chiếm phần đường của nhau và nhanh chóng giải tỏa từ ngoài đến khu vực ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho xe cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường để giải quyết các nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông.

3. Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường bộ tại khu vực diễn ra các sự kiện, lễ hội, hội nghị

Căn cứ vào tình hình thực tế về trật tự, an toàn giao thông, yêu cầu về an ninh, trật tự và quy mô, tính chất, mức độ quan trọng của sự kiện, lễ hội, hội nghị được tổ chức, các đơn vị Cảnh sát giao thông tổ chức khảo sát, xây dựng kế hoạch hoặc phương án bố trí lực lượng để hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến tại các nút giao thông, các điểm phức tạp về trật tự, an toàn giao thông trong khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội, hội nghị và trên các tuyến đường xung quanh bảo đảm giao thông trật tự, an toàn, thông suốt.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Các tin khác