PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

10:02, 01/07/2024 (GMT+7)

Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước; Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Cụ thể hóa và quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước... là những nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước 

Luật Căn cước có hiệu thi hành, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Luật Căn cước có hiệu thi hành, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân. Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Cũng từ ngày 01/7/2024, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Theo quy định mới này, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Đáng chú ý, Luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID...

Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đồng loạt các địa phương trên cả nước tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đồng loạt các địa phương trên cả nước tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện: từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi nộp đơn; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...

Quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Từ ngày 01/7/2024, có 02 văn bản quy phạm pháp luật gồm 01 Nghị định của Chính phủ và 01 Thông tư của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành.

* Nghị định số 40/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ...

 Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị Dùi cui cao su; Dùi cui kim loại; Áo giáp chống đâm; Găng tay bắt dao.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị Dùi cui cao su; Dùi cui kim loại; Áo giáp chống đâm; Găng tay bắt dao.

* Thông tư số 14/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định về Hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, công nhận thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đáng chú ý, Hồ sơ tuyển chọn được Thông tư quy định gồm: Đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư này); Bản khai sơ yếu lý lịch; Chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về việc có đủ sức khoẻ; Bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên hoặc đã học xong chương trình giáo dục tiểu học theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Công an cấp xã sẽ tổ chức tiếp nhận hồ sơ dự tuyển. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo ngay khi tiếp nhận và hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ theo quy định...

04 văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa và quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024

Theo đó, Chính phủ ban hành 02 Nghị định gồm: Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Bộ Công an ban hành 02 Thông tư gồm: Thông tư số 16/2024/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước; Thông tư số 17/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước.

* Nghị định số 69/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về danh tính điện tử; cấp, quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử; cập nhật, lưu trữ thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; điều kiện, trình tự kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; trình tự, thủ tục cấp, khóa và mở khóa căn cước điện tử và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về định danh, xác thực điện tử, căn cước điện tử.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động định danh, xác thực điện tử, căn cước điện tử... 

Các tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Các tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

* Nghị định số 70/2024/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 26 Điều 9, khoản 11 Điều 10, khoản 4 Điều 12, khoản 2 Điều 16, khoản 5 Điều 16, khoản 6 Điều 22, khoản 5 Điều 23, khoản 5 Điều 25, khoản 6 Điều 29, khoản 6 Điều 30 của Luật Căn cước và việc quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân, xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 09 số, số định danh cá nhân.

Nổi bật, Nghị định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước và trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia...

* Thông tư số 16/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước; quy cách, hình dáng, kích thước, chất liệu của giấy chứng nhận căn cước; mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước... 

Công an xã Hương Liên (Hương Khê) vào bản cài đặt tài khoản định danh điện tử cho công dân thuộc đồng bào dân tộc Chứt.
Công an xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) vào bản cài đặt tài khoản định danh điện tử cho công dân thuộc đồng bào dân tộc Chứt.

* Thông tư số 17/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết và biện pháp thi hành về hình thức thể hiện căn cước điện tử; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo; tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước lưu động trong trường hợp cần thiết; thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; biểu mẫu sử dụng trong cấp, quản lý căn cước; biểu mẫu sử dụng trong thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp, xác nhận, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác cấp, quản lý căn cước... 

* Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA ngày 29/6/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024; Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông. Theo đó, khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu; việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Các tin khác