PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Luật Căn cước đáp ứng yêu cầu phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số
Tham dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành chức năng; đại diện các Uỷ ban của Quốc hội...
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên báo cáo một số vấn đề liên quan đến Luật Căn cước. |
Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, xây dựng Luật Căn cước nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, trong đó đã sửa 39 điều trong Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014; bổ sung mới 7 điều. Trong đó, mở rộng đối tượng áp dụng; bổ sung một số từ ngữ để giải thích khái niệm cho phù hợp với nội dung; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử…
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban QP&AN do Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên Thường trực trình bày nêu rõ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị theo đúng quy định, tài liệu chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng, đủ điều kiện báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. “Thường trực Uỷ ban QP&AN nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, qua đó tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước chuyển đổi số ở nước ta” – Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân trình bày báo cáo thẩm tra. |
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cần thiết phải xây dựng Luật, đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Ban soạn thảo cảm ơn tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, các cơ quan, bộ, ngành đã đồng hành với Bộ Công an trong quá trình xây dựng Luật để dự án Luật có đủ điều kiện thẩm tra, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đưa vào chương trình Quốc hội Kỳ họp thứ 5, thông qua vào Kỳ họp thứ 6.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, trước yêu cầu về phục vụ chuyển đổi số quốc gia, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trên không gian mạng, đặc biệt là thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nên Bộ Công an thấy rằng cần thiết phải đẩy nhanh quá trình sửa đổi Luật Căn cước công dân để không chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện nay đang có hiệu lực thi hành vì các văn bản pháp luật này đã có thay đổi cơ bản. Do đó, Bộ Công an đã báo cáo với Thường trực Chính phủ và nhận được sự đồng tình cao nên đã tập trung thúc đẩy quá trình xây dựng dự án Luật.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu. |
“Trong quá trình nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dân cư, Ban soạn thảo đã đề xuất thay đổi tên gọi thành Luật Căn cước và được sự đồng tình cao của Chính phủ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết, qua thẩm tra của Thường trực Uỷ ban QP&AN thấy rằng việc đổi tên là rất cần thiết và hợp lý, đảm bảo yêu cầu cho phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số trong thời kỳ mới, đảm bảo ngắn gọn, bao hàm hết phạm vi điều chỉnh của Luật này.
“Những đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn, chúng tôi thấy rất cần thiết, xin tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp trong thời gian sớm nhất để hoàn thiện dự thảo, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, việc xây dựng Luật Căn cước là rất cần thiết, khi chúng ta chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới thì có nhiều vấn đề cần thay đổi và gặp nhiều khó khăn vì dự luật này điều chỉnh vấn đề rất mới. “Nếu chúng ta vẫn quen sử dụng sổ hộ khẩu giấy thì không ai nói gì, nhưng bỏ sổ hộ khẩu đi thì phải mất 1 giai đoạn để quen phương thức quản lý mới, phương thức giao dịch mới theo hướng hiện đại hơn, khoa học hơn. Nếu chúng ta cứ viết trên giấy bằng bút cũng không sao nhưng khi đòi hỏi yêu cầu phải gửi văn bản bằng điện tử thì phải có máy tính, phải có mạng intenet… Nhưng đó là xu thế tất yếu, cho nên những khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi” – Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết và khẳng định, mục tiêu xây dựng Luật là hướng tới đem lại tiện lợi tối đa cho người dân trong cuộc sống hàng ngày, bớt thủ tục hành chính, bớt nhiều giấy tờ. Chỉ cần 1 tài khoản định danh điện tử là có thể lưu trữ được những thông tin cần thiết để phục vụ cho các giao dịch thiết yếu của cuộc sống hàng ngày.
“Chúng ta không chỉ quản lý công dân Việt Nam mà còn quản lý những người đang sinh sống ổn định lâu dài ở Việt Nam nhưng không đủ điều kiện, chưa có thông tin để xác định quốc tịch thì chúng ta vẫn phải quản lý và đảm bảo các quyền lợi cho họ” - Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định.
Về việc cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã làm, CCCD cho trẻ em có nhiều tiện ích trong rất nhiều dịch vụ như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại... Việc này rất quan trọng trong quản trị quốc gia.
“Về tên gọi của Luật, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng tên gọi Luật Căn cước và thẻ Căn cước không tác động tới các luật khác khi chúng ta có quy định thẻ Căn cước có giá trị như thẻ CCCD ở các luật đang có hiệu lực. Hơn 80 triệu thẻ CCCD đã cấp cho người dân vẫn còn nguyên giá trị theo thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ, người dân không phải đi đổi, đi cấp lại, không tốn kém chi phí, thủ tục. Khi đến thời hạn đổi thẻ, thì chúng ta sẽ đổi thẻ mới có tên là thẻ Căn cước cho phù hợp với quốc tế” – Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an