PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Chủ nhiệm Uỷ ban QP&AN của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. |
Tham dự phiên họp còn có đại diện các bộ, ngành chức năng, đại diện các Uỷ ban của Quốc hội; các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...
Trình bày báo cáo tóm tắt về đề nghị xây dựng Luật và Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, xây dựng Luật này nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; cụ thể hoá và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTT, ATXH ở cơ sở do lực lượng CAND làm nòng cốt thực hiện; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động quản lý sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, Luật bao gồm 4 nhóm chính sách là: điều chỉnh, xác định cụ thể nhiệm vụ, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhất là những nhiệm vụ có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà hoạt động của lực lượng này có tác động; sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng, tiêu chuẩn chức danh quản lý hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xác định cụ thể việc bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối, kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, đảng, chính quyền.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban QP&AN cho biết, Uỷ ban QP&AN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời cho rằng, tình hình ANTT ở cơ sở diễn biến phức tạp, tình hình an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tệ nạn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản… Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT xảy ra đều bắt nguồn từ cơ sở; nếu không bám cơ sở, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Uỷ ban QP&AN cho rằng, việc xây dựng Luật này phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; đảm bảo pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, vừa đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Việc sắp xếp thống nhất lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, lực lượng bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ có những thuận lợi nhất định, góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ trong công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở; hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT; khắc phục được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay, bảo đảm linh hoạt, nhanh chóng.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí cần thiết phải sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm củng cố, duy trì lực lượng này ở cơ sở; tăng cường công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn; thống nhất các lực lượng ở cơ sở trở thành 1 lực lượng có đầu mối chỉ huy, tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách… Nhiều đại biểu cho rằng, nên xây dựng Luật này càng sớm càng tốt, giải quyết sớm những chồng chéo, vướng mắc trong công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở.
|
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trân trọng cảm ơn những trách nhiệm, sự đồng hành của các đại biểu dành cho lực lượng Công an và các dự án Luật liên quan đến công tác của Công an nhân dân.
“Bộ Công an thừa uỷ quyền Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, đã được đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cho ý kiến cụ thể, chi tiết; giao Đảng đoàn Quốc hội tiếp thu ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư và các đại biểu để trình Quốc hội. Bộ Công an cũng báo cáo tham mưu họp liên tịch giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều cho rằng, hồ sơ đảm bảo tiêu chuẩn để trình Quốc hội; đề nghị Chính phủ cập nhật số liệu mới; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2023” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ. |
Đồng chí Thứ trưởng cũng nêu rõ, hồ sơ dự án Luật trải qua nhiều lần, nhiều cấp tham gia ý kiến, Ban soạn thảo đều có tiếp thu, giải trình đầy đủ. “Nội dung Luật chưa dừng ở đây mà còn thay đổi theo thực tế; quan điểm của chúng tôi là tiếp thu, giải trình tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cấp, các ngành trên tinh thần cầu thị, vì cái chung. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng có từ khi có Đảng, đóng góp nhiều cho công tác đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không có lực lượng này, chính quyền cơ sở sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rất khó để hoàn thành nhiệm vụ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết và nhấn mạnh, việc thống nhất lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đồng chí Thứ trưởng chia sẻ, bản thân trưởng thành từ Cảnh sát khu vực nên rất hiểu sự cần thiết của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trong công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, lực lượng này không có trụ sở, UBND cấp xã bố trí nơi làm việc tại các thiết chế sẵn có tại địa phương như: nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở Công an xã; trụ sở UBND xã…; đồng thời đề nghị các đại biểu tăng cường góp ý, phản biện, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để khi trình Luật ra Quốc hội đảm bảo chất lượng cao nhất.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban QP&AN Lê Tấn Tới nhấn mạnh, các đại biểu đã thống nhất về quan điểm, tính cấp thiết, phạm vi điều chỉnh, chủ trương, đường lối, các chính sách lớn, hồ sơ dự án Luật khá đầy đủ; thống nhất để Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa dự án Luật này bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. “Các ý kiến khác về đánh giá thêm tác động, độ tuổi tuyển chọn, số lượng cơ chế quản lý… đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện thêm theo góp ý; xây dựng Nghị định kèm theo Luật theo đúng chỉ đạo của Quốc hội” – Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an