PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đồng chí cho biết: Theo quy định pháp luật hiện hành: “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công; “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước; Chính phủ có nhiệm vụ khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. |
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao.
Sau khi nghiên cứu, rà soát, đánh giá pháp luật, thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với hình thức văn bản là Nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn, khả thi khi thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.
Biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô trong 1 tháng hoặc 1 quý (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Trang Thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá).
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình. |
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, người trúng đấu giá được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá qua đời nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này. Người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thì mức giá khởi điểm Chính phủ đề xuất vẫn theo 2 mức theo vùng. Cụ thể, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giá khởi điểm là 40 triệu đồng, các địa phương còn lại mức khởi điểm là 20 triệu đồng.
Về sử dụng nguồn thu sau khi đấu giá, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến và đề xuất: Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước cũng đã triển khai đấu giá biển số xe hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích. Do dự thảo Nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra. |
Về phạm vi thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy, vì cho rằng: Đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn sở hữu “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; đối với mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô tô, xe gắn máy trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Về hình thức, phương thức đấu giá biển số xe ô tô, có ý kiến đề nghị cân nhắc hình thức đấu giá trực tuyến; có ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức đấu giá khác như đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến; đồng thời cho rằng, số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là rất nhiều (hàng nghìn biển số), số lượng người tham gia đấu giá cũng rất đông, cư trú trên phạm vi toàn quốc nên các hình thức đấu giá khác sẽ không bảo đảm tính khả thi và gây tốn kém cho người tham gia đấu giá.
Sau khi xem xét các ý kiến, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhất trí đề xuất 1 mức giá khởi điểm chung cho tất cả các địa phương là 40 triệu đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá; còn người đấu giá không trúng thì được trả lại tiền đặt trước theo quy định của pháp luật. Đây cũng là quy định khác với quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016, nên cần phải trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an