Thứ Tư, 17/06/2020, 14:57 [GMT+7]

Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý cư trú

Chiều ngày 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu đồng tình với việc cần thiết sửa đổi luật Cư trú hiện hành để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý cư trú.

Nhiều đại biểu cũng đánh giá việc thay đổi phương thức quản lý dân cư mới, bỏ cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại suốt 70 năm qua thay bằng mã số định danh cá nhân, là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng chung của thế giới.

Bà Triệu Thị Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản về thủ tục giấy tờ tạ điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính bảo đảm tốt hơn quyền thực hiện tự do cư trú của công dân mà còn khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý cư trú quản lý dân cư khi đang áp dụng các phương thức hiện nay.

Đồng tình với việc cần thiết sửa đổi luật Cư trú hiện hành, bà Trần Thị Vĩnh Nghi, Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã tích cực trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo thay thế phương thức quản lý dân cư, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, thay cho phương thức quản lý thông qua sổ hộ khẩu, sổ cư trú trong thời gian tới.

Trong khi đó nhiều đại biểu cũng bày tỏ nhất trí cao với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú thành phố trực thuộc trung ương như hiện nay, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.

Ông Đinh Công Sỹ, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đồng tình với lý giải tại tờ trình của Chính phủ bỏ điều kiện về tạm trú và thường trú ở Tp trực thuộc trung uông so với các tỉnh thành khác để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, nhất là những thành phố lớn hiện nay như Hà Nội, TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, quyền lợi chính đáng của công dân khi sinh sống và làm việc tại các TP trực thuộc trung ương nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú không được đảm bảo do một số quyền gắn liền với điều kiện thường trú như quyền học tập, khám chữa bệnh gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống của nhân dân do đó việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương là phù hợp.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu về việc tiến độ hoàn thành cấp mã số định danh cá nhân cho khoảng 80 triệu công dân, đi kèm lo ngại về thời điểm áp dụng luật. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có giải trình về vấn đề này trước Quốc hội: "Chúng tôi đã thu thập đưa vào trong máy, hệ thống thông tin dữ liệu công dân khoảng 80 triệu người. Trước đây mất 4 năm để nhập dữ liệu của 16 triệu công dân, song thời gian gần đây tiến độ được đẩy nhanh. Kết quả là thông tin của 80 triệu công dân đã được nhập vào hệ thống thông tin dữ liệu. Trong đó, lực lượng Công an xã chính quy đóng vai trò quan trọng, thực hiện rất tốt công việc này, kiểm tra độ chính xác của thông tin trước khi nhập vào máy.  Sau khi hoàn thành cơ bản việc cấp mã số định danh cho công dân từ 14 tuổi trở lên, Bộ Công an sẽ tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi".

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, trong 167 văn bản liên quan, một số văn bản liên quan quy định về sổ hộ khẩu giấy sẽ mặc nhiên thực hiện được theo mã số định danh cá nhân; còn một số văn bản khác, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh để tạo thuận lợi người dân trong giao dịch khi thay đổi phương thức quản lý dân cư.

Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh 

.

Nguồn: ANTV