Diễn đàn pháp luật

Thúc đẩy thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ

08:24, 09/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là động lực phát triển của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với các tỉnh, thành. Lồng ghép SHTT với phát triển sản vật địa phương đang là hướng đi trọng tâm của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Các cấp ngành, địa phương quan tâm Luật Sở hữu trí tuệ gắn phát triển sản vật địa phương. (Trong ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng tiêu biểu)
Các cấp ngành, địa phương quan tâm Luật Sở hữu trí tuệ gắn phát triển sản vật địa phương. (Trong ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng tiêu biểu)

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động SHTT trên cả nước, đồng thời tiến hành rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của điều kiện mới. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung với các quốc gia, nhất là trong điều kiện phát triển khoa học - công nghệ như hiện nay. SHTT chính là nền tảng của trí tuệ xã hội, quốc gia nào càng quan tâm thúc đẩy thực hiện quyền SHTT, càng có cơ hội thúc đẩy đất nước phát triển, đạt nhiều thành tựu mới trên mọi lĩnh vực.

Để đẩy mạnh hoạt động về SHTT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016, phê duyệt "Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020". Trong quyết định này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động "Xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của địa phương". Theo đó, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng", "Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý", "Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch".

Sau khi có Luật SHTT, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý về SHTT trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật bằng rất nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về SHTT cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT.

Kế tiếp kết quả của các giai đoạn trước, vào ngày 19/1/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 320 về "Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020". Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng được tập trung thực hiện trên toàn địa bàn. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 2171 về “Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020" và nhiều chương trình, hành động thúc đẩy thực hiện quyền SHTT và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, mục tiêu là phát huy tính chủ động trong xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh, góp phần phát triên kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Thực tiễn đã chứng minh, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản vật địa phương đã góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp (giá trị tăng từ 20% đến 50%). Các sản phẩm sau khi đăng ký thành công thương hiệu bước đầu phát huy hiệu quả, giá trị sản phẩm tăng lên khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, một số sản phẩm mang nhãn hiệu bước đầu tiếp cận thị trường nước ngoài. Các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã khẳng định hiệu quả của việc đầu tư đúng mức, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển các đặc sản địa phương, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, qua đó góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, Nghệ An có một chỉ dẫn địa lý là cam Vinh; 2 nhãn hiệu chứng nhận gồm nước mắm Vạn Phần và dê Tân Kỳ cùng 26 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Về cam Vinh, ngày 31/5/2007, Cục SHTT đã có Quyết định số 386/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho cam quả của tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5401/QĐ-UBND ngày 8/11/2010, Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho cam quả; từ đó, tạo tiền đề để cam Vinh có cơ hội được quảng bá rộng rãi đến người dân trong và ngoài nước. Với các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh và ngành khoa học - công nghệ, các huyện, thị xã và doanh nghiệp cũng chủ động tiếp cận và xúc tiến rộng rãi, nhất là tại các hội nghị thương mại trong và ngoài tỉnh.

Gắn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ với phát triển sản phẩm chủ lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Trong ảnh: Hội chợ cam Vinh thu hút đông đảo khách tham gia)
Gắn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ với phát triển sản phẩm chủ lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Trong ảnh: Hội chợ cam Vinh thu hút đông đảo khách tham gia)

Nghệ An có tiềm năng rất lớn về các cây con đặc sản, các sản phẩm mang địa danh, các làng nghề phát triển nhưng số lượng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận vẫn chưa nhiều. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2020 đăng ký thêm 5 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ cho 20 mô hình nhỏ xây dựng nhãn hiệu tập thể, quan tâm hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ về sáng chế, giải pháp hữu ích và khai thác, phát triển các tài sản trí tuệ. Hiện nay, nhìn chung, việc triển khai ứng dụng tài sản SHTT vẫn chưa được xây dựng và triển khai một cách khoa học, chuyên nghiệp, sâu rộng và thường xuyên.

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An đang chủ động định hướng chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị để phát triển cho các sản phẩm chủ lực vùng, miền; nhất là với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền SHTT; bảo vệ quyền của chủ thể quyền SHTT, góp phần tăng cường hiệu lực QLNN về sở hữu trí tuệ, duy trì môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Tuệ Trang

Các tin khác