Diễn đàn pháp luật
Không được uống rượu, bia tại công viên, sân vận động
Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ về địa điểm công cộng không được uống rượu, bia. Theo đó, ngoài các địa điểm quy định các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 10 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng khác không được uống rượu, bia bao gồm: 1. Công viên; 2. Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; 3. Rạp chiếu phim, nhà hát; 4. Sân vận động, nhà thi đấu thể thao.
Về quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, dự thảo quy định, các trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày bao gồm: Quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm tổ chức chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình;
Quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định sau đây: Kích thước biển quảng cáo thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo; bảo đảm khoảng cách tối thiểu là 500m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời trong phạm vi trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện hoạt động quảng cáo đến khi hết hợp đồng quảng cáo trên.
Quảng cáo rượu, bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định sau đây: Cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm một trong các nội dung: "không được lái xe khi đã uống rượu, bia", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia", "không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi", "rượu, bia có hại cho thai nhi", "phụ nữ mang thai không uống rượu, bia", "uống rượu, bia có thể gây xơ gan", "uống rượu, bia có thể gây ung thư";
Chi hỗ trợ các hoạt động tư vấn cai nghiện rượu, bia
Dự thảo đề xuất về chi thù lao người thực hiện tư vấn cai nghiện rượu, bia như sau: Chi cho nhân viên tư vấn cai nghiện rượu, bia theo hợp đồng lao động. Mức tiền công và các khoản phụ cấp của người lao động được trả theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động và các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công. Mức tiền công cho nhân viên tư vấn tối đa là 6.000.000 đồng/tháng (bao gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn).
Chi cho cán bộ y tế tham gia công tác tư vấn cai nghiện rượu, bia ngoài giờ thực hiện theo quy định của Bộ Nội Vụ, Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Chi cho các khoản điện, nước, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu để duy trì hoạt động. Mức chi theo thực tế nhưng không quá 5.000.000 đồng/tháng/cơ sở.
Chi sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia: Chi thù lao người thực hiện sàng lọc như sau: Chi cho nhân viên theo hợp đồng lao động. Mức tiền công và các khoản phụ cấp của người lao động được trả theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động và các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công. Mức tiền công cho nhân viên tư vấn tối đa là 6.000.000 đồng/tháng.
Chi thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng theo quy trình chuyên môn của Bộ Y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Chinhphu.vn