Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp |
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 119 Điều quy định về về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về dự án Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản đồng tình cáo với nhiều nội dung trong Báo cáo bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và thống nhất cho rằng, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đã góp ý và đóng góp thêm nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo luật. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã có những chỉnh sửa về nội dung và bố cục hợp lý hơn; các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được giải trình một cách rõ ràng, có căn cứ và thuyết phục.
Đối với nội dung về triết lý giáo dục, một số ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Bên cạnh đó, qua tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, các đại biểu đề nghị giữ như dự thảo Luật, theo đó triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục (các điều 2,3,4); đồng thời tinh thần triết lý giáo dục cũng xuyên suốt trong các quy định của Luật này.
Cũng quan tâm tới nội dung này, cho rằng chưa cần thiết phải quy định rõ triết lý giáo dục trong dự thảo Luật lần này song đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, đề nghị cần định hình rõ triết lý giáo dục để từ đó đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục sẽ có hướng đi cụ thể.
Không cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, lại khẳng định triết lý giáo dục đã rõ cả về lý luận và thực tiễn, hiệu quả. Theo đại biểu, thực tế lịch sử đã chứng minh, giáo dục nước nhà đã sinh ra các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân...được thế giới kính trọng, có tên tuổi, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Do đó, từng giai đoạn cần chắt lọc tinh hoa, bổ sung phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, không nên đề ra triết lý giáo dục, tránh gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp |
Cho rằng chất lượng của sinh viên sư phạm và giáo viên sẽ quyết định chất lượng giáo dục, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần quy định chế độ, chính sách đặc thù cho những người theo học và giảng dạy trong ngành sư phạm giống như ngành công can, bộ đội: coi trọng hạnh kiểm, đạo đức; được bố trí công tác sau khi ra trường; điều chỉnh mức lương phù hợp để giáo viên công tác trong ngành giáo dục có thể sống tốt bằng đồng lương của mình và yên tâm cống hiến, công tác.
Quan tâm đến quy định về các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh việc rèn luyện học tập thì có đỗ, có trượt, có các trường hợp lưu ban vài năm là chuyện bình thường. Do vậy không nên quy định cứng về độ tuổi như trong dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định lại theo hướng: Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp 01 đến hết lớp 05. Tuổi của học sinh vào học lớp 01 là không dưới 06 tuổi và được tính theo năm; Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp 06 đến hết lớp 09. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là không dưới 11 tuổi và được tính theo năm; Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là không dưới 15 tuổi và được tính theo năm.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị dự thảo luật gộp các nội dung về không truyền bá tôn giáo trong cơ sở giáo dục; việc cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục và các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục tại các Điều 20, 21, 22 để đảm bảo tính logic và thống nhất.
Để hoàn thiện toàn diện dự thảo luật trước khi thông qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về giải thích từ ngữ, thay thế các từ mượn đang được sử dụng trong dự thảo luật bằng các từ thuần việt để đảm bảo sáng nghĩa, dễ hiểu.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đa số ý kiến thảo luận đồng tình cao với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp; nhấn mạnh Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tiếp thu tất cả các góp ý, rà soát tất cả các nội dung của dự thảo Luật thêm một lần nữa và sẽ có báo cáo giải trình rõ tất các những vẫn đề các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp hôm nay trước khi quyết nghị thông qua tại kỳ họp này./.