Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 21/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Kiến trúc.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiến trúc |
Tại phiên họp các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và cho ý kiến về nhiều nội dung từ khái niệm, hành nghề kiến trúc, Quy chế quản lý kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, thẩm quyền phê duyệt Quy chế…
Cần có sự thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cho rằng, việc quản lý nhà nước đối với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa là quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, đại biểu Thủy cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không khả thi, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Bởi, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn rất sâu; nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị không nên giao cho từng địa phương mà nên giao thống nhất cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cũng cho rằng không nên giao UBND tỉnh quy định vì sẽ không thể hiện được bản sắc của dân tộc. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định giao Bộ Xây dựng ban hành quy định về tổng thể bản sắc văn hóa dân tộc với công trình kiến trúc trên cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ ban hành quy chế quản lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý trên địa bàn cả nước.
Cùng quan điểm đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng quy định bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, chuyên về văn hóa dân tộc, phù hợp với các vùng miền, vì vậy đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng và quy định văn hóa bản sắc dân tộc để đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, nên đưa thêm chính sách để bảo vệ nhà truyền thống của người dân tộc thiểu số và phải có biện pháp chỉ ra, khắc phục được những nhược điểm của những kiến trúc khu vực nông thôn, kiến trúc truyền thống của một số dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy - Hậu Giang phát biểu tại phiên họp |
Bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa phương
Giải trình làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ nội dung này. Bộ trưởng nhấn mạnh, do tính đa dạng phong phú của kiến trúc và tính đặc thù của bản sắc văn hóa nên việc quy định nội dung này một cách cụ thể trong quy chế và áp dụng chung cho các địa phương là không thể nên trong Luật chỉ quy định mang tính khung.
Về việc giao cho địa phương quy định cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, không ai hiểu địa phương bằng chính lãnh đạo địa phương các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và nhân dân địa phương đó. Với quan điểm như vậy nên Ban soạn thảo chủ trương giao Ủy ban nhân dân tỉnh lập và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc trong đó có quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
Về băn khoăn của các đại biểu về việc trong cùng một địa phương có nhiều dân tộc khác nhau, quy định sao cho để cân bằng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, quy chế quản lý kiến trúc và quyết định phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc là văn bản quy phạm pháp luật, phải được lập theo đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ lập đến phê duyệt thẩm định và lấy ý kiến nhân dân. Khi thực hiện chặt chẽ trình tự này thì sẽ giải quyết được các vấn đề tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương có thể tham khảo về định hướng phát triển kiến trúc quốc gia trong đó quy định về bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, trong quá trình hoàn chỉnh quy chế quản lý kiến trúc của địa phương thì các địa phương có thể xin ý kiến của các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sử dụng Quy chế quản lý kiến trúc như công cụ chủ yếu và hữu hiệu trong quản lý
Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết thêm, Quy chế quản lý kiến trúc không phải là nội dung mới hoàn toàn mà đã được quy định trong quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên thực tế triển khai thực hiện cho thấy các địa phương nặng về quy hoạch để phục vụ cho phê duyệt dự án đầu tư mà ít chú ý đến nội dung quản lý kiến trúc. Vì vậy trong Luật này tách riêng và làm sâu thêm nội dung thể hiện rõ yêu cầu trong quản lý kiến trúc.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm |
Qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế thấy rằng hầu hết các nước đều sử dụng Quy chế quản lý kiến trúc như là công cụ chủ yếu và hữu hiệu trong quản lý kiến trúc. Tương tự như Việt Nam, luật của các nước cũng là luật khung, quy định một cách ngắn gọn, còn các nội dung cụ thể được đưa vào Quy chế quản lý kiến trúc.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về tính phù hợp của quy chế quản lý kiến trúc, Bộ trưởng Bô Xây dựng cho biết văn bản này được UBND tỉnh phê duyệt bằng một quyết định hành chính và đây là văn bản quy phạm pháp luật được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về rà soát bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật của quy chế quản lý kiến trúc với các công cụ quản lý khác, Bộ trưởng cũng cho biết Ban soạn thảo đã có đánh giá, rà soát và cho thấy quy định như dự thảo phù hợp với quy định pháp luật và không chồng chéo với các công cụ quản lý hiện có như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế đô thị.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thẩm quyền phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc nên là UBND cấp tỉnh mà không nên ở Bộ hay các cơ quan trung ương.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi chép tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.