(Congannghean.vn)-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thanh niên là người làm chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”. Điều này càng khẳng định vai trò to lớn của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho lực lượng thanh, thiếu niên được xem là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong bộ phận thanh, thiếu niên.
Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật cho thanh, thiếu niên” đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh, thiếu niên, hạn chế các hành vi vi phạm |
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Kế hoạch “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 370 ngày 23/1/2017, ban hành Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”. Qua một thời gian triển khai đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tại đơn vị, địa phương.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã lựa chọn các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và TX Cửa Lò mỗi đơn vị 2 xã, phường để thực hiện một số nhiệm vụ PBGDPL như: Tổ chức khảo sát, điều tra đánh giá thực trạng thi hành và chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên; thành lập tổ nòng cốt, tổ chức các hội nghị tuyên truyền PBGDPL, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật với nhiều hình thức phù hợp, biên soạn tài liệu và phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Tại các đơn vị được chọn làm điểm đã thực hiện các nhiệm vụ Đề án một cách nghiêm túc, có nhiều cách làm hay và sáng tạo.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp như thông qua tổ chức tập huấn, tọa đàm còn mở rộng thông qua hoạt động sân khấu hóa, tổ chức thi trắc nghiệm, thi trực tuyến, thi viết: “Thanh niên với ATGT”, “Ánh sáng soi đường”... Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu tổ chức thành công Hội thi “Thanh niên với ATGT” trên địa bàn tỉnh Nghệ An bằng hình thức sân khấu hóa qua 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên tại 15 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, 21/21 đơn vị cấp huyện cùng toàn thể nhân dân. Thành công của Hội thi đã tạo nên phong trào tìm hiểu pháp luật sôi nổi với những khí thế mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ngày pháp luật hàng tháng, Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm được chú trọng tổ chức, triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành, nhất là các dự án luật có liên quan đến tầng lớp thanh, thiếu niên… Sở cũng đã tiến hành biên soạn và phát hành gần 14.000 tờ gấp về tìm hiểu một số quy định pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình; 25.000 tờ gấp tuyên truyền một số quy định pháp luật đối với người chưa thành niên theo Bộ luật Dân sự năm 2015 cấp phát miễn phí trên địa bàn tỉnh; in và cấp phát miễn phí 28.000 cuốn Tập san Pháp luật và Đời sống của Hội đồng PBGDPL tỉnh tới cơ sở; trong đó có nhiều tin, bài phản ánh nội dung có liên quan đến các quy định pháp luật về thanh, thiếu niên.
Công tác phối hợp trong việc thực hiện Đề án giữa các sở, ban, ngành và các địa phương ngày càng chặt chẽ và bài bản. Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho thanh niên tại Trại Tạm giam Nghi Kim; Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho thanh niên là công nhân tại doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh mở chuyên trang tuyên truyền pháp luật, xây dựng phóng sự chuyên đề và tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, trong đó dành thời lượng thông tin cho việc tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
Ngoài ra, một số mô hình mới được triển khai và tiếp tục duy trì hoạt động như: Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, mô hình Đội tuyên truyền lưu động phòng chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa; diễn đàn “Thanh niên Nghệ An nói không với tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời”; mô hình “Đội thanh niên tình nguyện”, “Tổ tự quản”, tổ chức các chương trình cho học sinh tham gia ký cam kết không vi phạm pháp luật tại các trường học, Cổng trường ATGT... đã phát huy hiệu quả trong công tác PBGDPL.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được tháo gỡ. Theo đó, công tác chỉ đạo của lãnh đạo một số ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết. Một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, PBGDPL; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Đề án chưa thường xuyên, gắn kết. Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói chung, thực hiện Đề án nói riêng chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh, thiếu niên ở đô thị; thanh niên là công chức, viên chức mà chưa có nhiều hoạt động PBGDPL cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tự do, cư trú không ổn định.
Tại một số địa phương, hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn mang nặng tính phong trào, hiệu quả chưa cao; nội dung và hình thức PBGDPL chậm đổi mới, khô khan, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết, lứa tuổi và đặc điểm tâm sinh lý. Ngoài ra, nguồn lực về kinh phí còn hạn hẹp, chưa tương xứng với các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Việc huy động nguồn lực trong xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nói trên là do nhận thức của lãnh đạo một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án chưa được sâu sắc, toàn diện nên chưa chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện và tổ chức thực hiện; chưa chú trọng lồng ghép việc thực hiện Đề án với các chương trình, nội dung liên quan đến thanh niên tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đối tượng thanh, thiếu niên có vốn sống và hiểu biết xã hội còn hạn chế, khả năng tiếp cận thông tin nhanh nhưng thiếu tính chọn lọc, dễ bị lôi kéo, lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Ý thức và trách nhiệm chủ động, tự giác nghiên cứu, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng nếp sống thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên chưa cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho công tác PBGDPL chưa nhiều, vì vậy chưa đồng đều về năng lực pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL. Kinh phí thực hiện Đề án tại nhiều địa phương còn khó khăn, vì vậy việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020” tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, cần gắn kết thực hiện nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án PBGDPL có liên quan; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, khuyến khích thanh, thiếu niên chủ động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức.
Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng đó là đổi mới nội dung và hình thức PGBDPL, chú trọng và nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên phù hợp với từng nhóm đối tượng, gắn với các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên tại các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, xây dựng, nâng cao năng lực và kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên.