Năm 2008, đất nước Hàn Quốc và cả thế giới đã bị rúng động bởi vụ bạo hành tình dục nghiêm trọng xảy ra với một cô bé 8 tuổi trong một nhà tắm công cộng tại quận Danwon, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Vài tháng sau, cả gia đình cô bé cũng như dư luận quan tâm đến vụ án lại tiếp nhận thêm một cú sốc nữa khi tên tội phạm man rợ chỉ bị kết án 12 năm tù giam.
Và giờ đây, khi chỉ còn hơn một năm nữa là kẻ thủ ác sẽ được phóng thích, mối nguy hiểm mà tên tội phạm nghiêm trọng sau khi được thả tự do đang làm dấy lên dấu hỏi lớn về tính thích đáng của hình phạt pháp lý dành cho những tội phạm nghiêm trọng tại Hàn Quốc.
Nayoung: Câu chuyện chưa bao giờ kết thúc
Năm 2017, gần 9 năm sau khi xảy ra vụ bạo hành, cái tên Cho Doo-Soon lại một lần nữa trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên trang thông tin Naver, sau khi nhật báo Joongang Ilbo đăng tải đoạn phỏng vấn với cha đẻ của cô bé Nayoung, trong đó ông đặc biệt bày tỏ lo ngại rằng sau khi được ra tù, tên Cho liệu có được phép quay trở lại khu vực xung quanh nơi Nayoung sinh sống hay không.
Ông nói: “Bộ Tư pháp đã hứa sẽ cách ly hắn khỏi khu vực này, nhưng ai biết được họ có giữ lời hứa hay không. Chúng ta phải chờ xem liệu đó có phải chỉ là lời đãi môi không…”.
Chẳng hạn tại Mỹ, rất nhiều bang đã áp dụng các luật liên quan đến vấn đề chỗ ở của những kẻ tội phạm ấu dâm. Có một quy định chung là cấm các tên tội phạm sau khi ra tù sống trong bán kính khoảng 300m xung quanh các trường học hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, với những vụ án như của Nayoung ở Hàn Quốc, không có luật nào như vậy, cho nên “tất cả những gì chúng tôi có thể làm chỉ là tin tưởng vào chính phủ”, cha của Nayoung than thở.
Yeo Woon-jae, một cán bộ làm việc tại bộ phận giám sát những vụ án có tính chất nghiêm trọng thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, cho biết có thể ra lệnh cấm các tội phạm nghiêm trọng không được đến gần những không gian dành cho trẻ em như trường phổ thông hay mẫu giáo, song trường hợp của tên Cho thì phải đợi đến khi hắn được ra tù mới xem xét và quyết định được.
Tấn công tình dục trẻ em - những con số “rùng mình”
Theo số liệu được Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tiết lộ, trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, thực tế chỉ có khoảng một nửa số tội phạm cưỡng hiếp trẻ em từ 13 tuổi trở xuống được ghi nhận là đã bị kết án tù, trong khi số còn lại chỉ bị án treo hoặc phạt tiền. Và trong số các trường hợp bị tống giam, chỉ khoảng dưới 10% chịu án trên 10 năm tù, và 61% bị tuyên mức từ 1 đến 5 năm.
Năm 2010, Bộ này tiết lộ trong giai đoạn từ 2005 đến 2008 - năm xảy ra vụ án Nayoung, tỷ lệ tấn công tình dục trẻ em ở Hàn Quốc cao hơn nhiều so với một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức. Trong giai đoạn 4 năm này, tỉ lệ phạm tội ở Hàn Quốc đã tăng lên gần 70%, Mỹ tăng 2,9%, trong khi Nhật Bản, Anh và Đức ghi nhận tỉ lệ này giảm lần lượt là 29.2%, 14,8% và 9,6%.
Các bà mẹ trẻ biểu tình phản đối án phạt dành cho Cho Doo-soon |
Theo báo cáo của Bộ này, mặc dù tỉ lệ phạm tội tấn công tình dục trẻ em ở Hàn Quốc không phải là cao nhất trong số các nước nói trên, song đây là nước chứng kiến tỉ lệ này gia tăng đều và mạnh nhất. Số liệu mới cập nhật vào năm 2016 cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ phạm tội ấu dâm trong giai đoạn 2010-2015 (mặc dù các vụ hiếp dâm đã giảm).
Có cần nhân đạo với những kẻ sát nhân?
Sau khi Cho Doo-soon được giảm án tù từ 15 năm xuống còn 12 năm với lý do hắn phạm tội khi… đang say rượu, sức ép từ công chúng đã buộc chính phủ phải sửa đổi luật hình sự, theo đó tất cả những tội phạm thực hiện hành vi tấn công tình dục với điều kiện tâm lý bị ảnh hưởng của bia rượu hay ma túy đều không được giảm án.
Trên thực tế, dư luận lâu nay vẫn luôn chia rẽ về việc liệu “tình trạng tâm lý bất ổn” có thể được coi là một lý do chính đáng để những tên tội phạm được hưởng khoan hồng hay không. Vấn đề này đã nóng trở lại vào cuối năm 2018 sau một vụ giết người nghiêm trọng mà trong đó tên tội phạm được cho là mắc chứng trầm cảm: Nghi phạm 30 tuổi đã dùng dao đâm hàng chục nhát vào mặt và cổ của nạn nhân - một nhân viên làm việc bán thời gian tại một quán cà phê internet ở phía tây thủ đô Seoul hôm 14-10.
Tên này đã bị bắt giữ sau đó vài ngày, song hắn nói với cảnh sát rằng mình đã bị trầm cảm 10 năm nay và luôn phải dùng thuốc điều trị. Nếu điều này được thẩm phán công nhận “tâm lý bất ổn” thì hắn sẽ được giảm án. Tuy nhiên, sau khi được Viện Pháp Y tâm thần kiểm tra chặt chẽ, lời khai này của hắn đã bị bác bỏ, và toà đã kết luận hắn không hề có bất ổn về tinh thần trong quá trình gây ra tội ác này.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng luật pháp hiện hành có thể bị một số kẻ lợi dụng bằng những đơn thuốc dành cho bệnh nhân rối loạn tâm thần. Vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo các tòa án cần giám định nghiêm ngặt các bằng chứng về khoa học và y tế để đưa ra quyết định chính xác có nên giảm án cho những tội phạm nhận mình có bất ổn về tâm lý hay không.
Người dân Hàn Quốc bày tỏ yêu cầu về án tử hình |
Hiện tỷ lệ ủng hộ duy trì mức án tử hình tại Hàn Quốc đang ngày gia tăng, với ghi nhận mới nhất vào tháng 3-2018 là 79,7% - tăng 13,7% so với năm 2003, đặc biệt sau hàng loạt vụ án giết người và ấu dâm nghiêm trọng nhưng mức án phạt được áp dụng lại bị coi là quá nhẹ, chẳng hạn như là vụ án Nayoung, trong đó nạn nhân thì bị tổn hại đến 80% bộ phận sinh sản và phải sống với cơ quan sinh dục nhân tạo đến hết đời, còn tên tội phạm thì chỉ bị phạt có 12 năm tù giam và chỉ còn hơn một năm nữa là sẽ được phóng thích.
Một phán quyết khác cũng bị người nhà nạn nhân và dư luận bất bình vì cho rằng hình phạt 30 năm tù và thêm 20 năm đeo máy theo dõi là quá khoan dung với tên tội phạm 49 tuổi đã sát hại người vợ cũ của mình một cách dã man, song lại khai rằng “có một tiếng nói bảo tôi giết vợ cũ của mình” và cuối cùng đã thoát khỏi án tử hình. Gia đình nạn nhân đã đưa vụ việc lên cộng đồng mạng và trang thỉnh nguyện trực tuyến của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống).
Các bài đăng tải thể hiện sự lo ngại rằng sau khi được ra tù, tên tội phạm có thể quay trở lại và trả thù gia đình nạn nhân: “Dựa vào những gì mà hắn ta đã làm với chúng tôi, tôi không tin là nên giảm hình phạt cho hắn chỉ vì hắn có vấn đề về tinh thần và thể chất. Hắn là một con người đáng sợ. Hắn còn công khai đe doạ sẽ quay trở lại… Chúng tôi thỉnh cầu áp dụng một biện pháp trừng phạt thích đáng với hắn”.
Tuy nhiên, vẫn có những luồng dư luận yêu cầu xóa bỏ hẳn án phạt tử hình, vì coi đây là “hành vi xâm phạm quyền được sống của con người”, hay “hành vi giết người trên danh nghĩa quyền lực quốc gia”.
Tháng 2-2019, Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc đã đệ trình lên Quốc hội một thỉnh cầu bãi bỏ Điều 41 của Luật Hình sự, phản đối phán quyết tử hình mà các công tố viên tuyên với một tên tội phạm 31 tuổi tên Yoon – tên tội phạm man rợ đã sát hại chính cha mẹ mình hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên do được chứng nhận là mắc bệnh thần kinh từ nhỏ nên hắn chỉ phải chịu mức án tù chung thân và không có ân xá. Theo cảnh sát, tên này khai hắn giết cha mẹ mình vì “có một tiếng nói thôi thúc hắn ta làm như vậy để cứu rỗi tâm hồn mình”.
Dư luận Hàn Quốc còn nhiều quan điểm trái ngược về việc bãi bỏ án tử hình |
Park Soo-jin, một luật sư làm việc tại Văn phòng Luật Duksu, người đang thụ lý vụ này cùng với ủy ban kêu gọi bãi bỏ án tử hình thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, cho biết: “Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để hạn chế các tội ác nghiêm trọng là tìm ra biện pháp trừng phạt thay thế thích đáng. Xét trên góc độ pháp lý, án tử hình vi phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, những số liệu thống kê và các nghiên cứu đều không chứng minh được tính hiệu quả của án tử hình trong việc ngăn chặn những tội ác nghiêm trọng”.
Theo Park, tỷ lệ dư luận ủng hộ án tử hình gia tăng là bởi công chúng cảm thấy những tội phạm nghiêm trọng không bị áp đặt sự trừng phạt tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác mà chúng gây ra. “Đó là lý do vì sao chúng tôi nỗ lực kêu gọi hủy bỏ án tử hình với điều kiện phải có một hình phạt thích đáng khác để thay thế, chẳng hạn như tù chung thân và không được ân xá”, ông nói.
Trên thực tế, kết quả các cuộc khảo sát quan điểm của người dân về mức án tử hình không nhất quán, thường phụ thuộc vào thời điểm tiến hành khảo sát. Chẳng hạn, nếu tiến hành thăm dò vào thời điểm xảy ra nhiều vụ giết người nghiêm trọng thì tỷ lệ người dân phản đối bãi bỏ lệnh tử hình lại cao hơn. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất vẫn là án phạt thích đáng có thể thay thế cho án tử hình, và cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ bãi bỏ án tử hình, với điều kiện có một hình phạt thích đáng như là tù chung thân không ân xá để thay thế, đã tăng vọt lên 70%.
Kim Do-woo, giảng viên Khoa Khoa học Cảnh sát thuộc Đại học Kyungnam, người thực hiện cuộc thăm dò nói trên, cho biết: “Ý kiến của công chúng là một sự phản ánh xã hội, và nhận thức về pháp lý của đất nước đã được cải thiện trong những năm gần đây. Kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy phần lớn người dân không muốn những tên tội phạm bị xử tử nếu có một biện pháp trừng phạt khác để thay thế”.
Tuy nhiên, theo một quan chức giấu tên, “ngoài dư luận công chúng, còn có một cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Ủy ban Lập pháp và Tư pháp của Quốc hội, nơi mà phần lớn các nhà lập pháp đều từng làm công tố viên. Vì vậy, những đề xuất sửa đổi luật, bao gồm huỷ bỏ án tử hình, vẫn chưa được Ủy ban này xem xét”.
.