Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201903/hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-tu-cac-phien-toa-xet-xu-luu-dong-843641/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201903/hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-tu-cac-phien-toa-xet-xu-luu-dong-843641/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 13/03/2019, 16:17 [GMT+7]

Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng đẩy mạnh và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc mở các phiên toà xét xử lưu động tại các địa bàn được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, là cầu nối góp phần đưa luật đến gần với người dân.

Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, xét xử bị cáo Xồng Bá Rê về tội mua bán trái phép chất ma túy
Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, xét xử bị cáo Xồng Bá Rê về tội mua bán trái phép chất ma túy

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2018, Tòa án nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử lưu động 139 vụ, chủ yếu với các tội danh như: Mua bán hàng cấm, đánh bạc, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán người... Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Mỗi bản án đưa ra sau khi phiên tòa kết thúc không chỉ thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với người phạm tội mà còn có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Từ đó, người dân sẽ có ý thức và tích cực, chủ động hơn trong việc tố giác tội phạm; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cơ quan Công an nhằm đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các tài liệu liên quan nhưng nhiều người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn hiểu rất mơ hồ về pháp luật. Vì thế, việc mở các phiên tòa xét xử lưu động đã giải quyết rất tốt vấn đề này.

Khi 1 vụ án đưa ra xét xử lưu động được tổ chức tại địa bàn xảy ra hành vi phạm tội sẽ thu hút đông đảo người dân tham dự. Qua đó, họ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đặc biệt, việc phân tích, đánh giá các hành vi của đối tượng phạm tội dựa trên tài liệu, chứng cứ không chỉ thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát, Tòa án mà còn là một cách tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả đối với người dân.

Những tác động tích cực từ các phiên tòa xét xử lưu động đã được chứng minh rất rõ trong thời gian qua, tuy nhiên, quá trình tổ chức những phiên tòa này vẫn còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt là đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa khi hệ thống giao thông, đường sá đi lại khó khăn, để vào được tận các bản có đồng bào Thái, Khơ Mú... sinh sống là điều hết sức vất vả. Cùng với đó, nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số không biết nói tiếng Kinh, không thể diễn đạt rõ ràng, mạch lạc như người bình thường nên trong một số phiên tòa xét xử lưu động, hội đồng xét xử phải gợi ý để họ nói hoặc sử dụng người phiên dịch...

Trong năm 2018, việc tổ chức các phiên tòa xứt xử lưu động cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh rất nhiều ý kiến ủng hộ nên tiếp tục duy trì các phiên tòa xét xử lưu động vì hiệu quả của nó mang lại thì cũng có không ít ý kiến phản đối.

Theo một số nhà khoa học, luật học và các chuyên gia, những phiên tòa như thế vẫn còn tồn tại một số bất cập như ngoài việc bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc thì bị cáo còn phải trực tiếp đối diện với thái độ của cộng đồng, dư luận. Địa điểm xét xử là tại địa phương nên có những trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều người do xấu hổ, tâm lý mặc cảm, tự ti nên không dám quay trở về nơi mình đã từng sinh sống. Bên cạnh đó, ngoài việc bị cáo phải chịu áp lực nặng nề thì gia đình, người thân cũng sẽ bị cộng đồng lên án, ghét bỏ, thành kiến..., gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.

Ông Vi Văn Chắt, Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, xác định rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nên thời gian tới, đặc biệt là trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019, đơn vị sẽ vẫn tiếp tục có kế hoạch tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng lựa chọn những vụ án thực sự điển hình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và hệ thống tòa án chuẩn bị một cách tốt nhất các điều kiện cần thiết để làm sao những phiên tòa như thế thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và là cầu nối đưa luật đến gần với người dân.

.

Ngọc Anh

.