(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng người dân xuất nhập cảnh (XNC) trái phép, trốn ra nước ngoài diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán. Việc công dân xuất cảnh trái phép sang nước ngoài không chỉ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất và thực hiện các chế độ, chính sách tại địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động.
Sau dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, số lượng người dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An để làm hộ chiếu và giấy thông hành tăng gấp nhiều lần so với ngày thường |
Con số báo động
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Quản lý XNC Công an Nghệ An, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn trường hợp người dân xuất cảnh trái phép. Cụ thể, năm 2016 có 7.329 trường hợp, năm 2017 có 6.534 trường hợp và năm 2018 có hơn 8.000 trường hợp XNC trái phép; chủ yếu qua các đường tiểu ngạch như lối mòn, đường sông mà không qua cửa khẩu vì không có giấy tờ XNC. Nhiều trường hợp làm thủ tục XNC sang các nước đi du lịch, thăm người thân nhưng hết hạn không về mà ở lại làm thuê trái phép. Đây chỉ là những con số bề nổi mà các lực lượng chức năng phát hiện được, bởi trên thực tế, việc công dân trốn sang các nước khác để đi lao động bằng đường tiểu ngạch rất khó phát hiện.
Qua theo dõi cho thấy, người dân trong tỉnh xuất cảnh trái phép để qua nhiều nước trên thế giới như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia và các nước Đông Âu... Hoạt động xuất cảnh trái phép diễn ra ở hầu khắp các huyện, thành, thị trên toàn tỉnh nhưng tập trung chủ yếu là ở các địa phương Nghi Lộc, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai...
Các trường hợp vi phạm XNC bị phát hiện vì vi phạm quy định của các nước sở tại; một số trường hợp vi phạm vì không làm các thủ tục nhập cảnh theo quy định khi qua biên giới quốc gia, khi xuất cảnh một số trường hợp đi theo đường tiểu ngạch; một số trường hợp bị mất hộ chiếu ở ngước ngoài; một số công dân xuất cảnh đi theo hình thức du lịch sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp hoặc xuất cảnh trái phép qua nước thứ ba; một số trường hợp bị nước ngoài phát hiện trục xuất về cố tình thay đổi thông tin bản thân để tiếp tục xuất cảnh...
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi XNC trái phép khi bị phát hiện. Riêng đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 16/11/2018 đến nay) Phòng Quản lý XNC đã tiếp nhận và xử lý 32 công dân đang chuẩn bị xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc thì bị Công an các tỉnh phía Bắc phát hiện, ngăn chặn.
Điển hình, ngày 13/2/2019, chị Võ Thị Sâm (SN 1983) trú tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn (BĐBP Quảng Ninh) phát hiện và bắt giữ khi đang cùng 5 đối tượng vượt biên sang Trung Quốc để đi làm thuê. Theo lời khai của chị Sâm, chị đã được một số một số đối tượng hướng dẫn đi cùng 5 người khác vượt biên theo đường tiểu ngạch để đỡ chi phí. Tuy nhiên, khi nhóm đối tượng đang đi bộ dọc bờ sông tại khu vực mốc 1366(2) + 300 m thuộc khu 7, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì bị Tổ tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện, bắt giữ.
Hệ lụy khôn lường
Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và nhất là các huyện biên giới thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang các nước để làm thuê ngày càng tăng là do thiếu việc làm, nhất là trong thời gian nông nhàn, trong khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại các nước cao.
Mặt khác, do đời sống của người dân còn quá nghèo nên có mong muốn cải thiện, làm giàu nhanh chóng, vì vậy đã tìm đến con đường xuất cảnh trái phép. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin, bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa đảo đưa ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Vì tự ý xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động nên quyền lợi của công dân thường không được bảo vệ. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, như bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bóc lột sức lao động, mỗi ngày phải làm việc trung bình từ 12 - 14 tiếng đồng hồ; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải làm những công việc trong môi trường độc hại, dễ dẫn đến ốm đau, tai nạn, nhiều trường hợp còn bị ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động.
Khi có đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng, người lao động phải trốn chui, trốn lủi trong rừng hoặc các hầm chứa. Thậm chí, có không ít người sa vào con đường phạm pháp, nghiện hút, tù tội. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, bị ép làm gái bán dâm...
Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Trọng H. (SN 1975) trú tại xóm Phi Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, đi XKLĐ “chui” tại Angola. Tuy nhiên, do mắc bệnh sốt rét nên anh H. đã tử vong. Khi biết tin anh H. tử vong, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình cũng không có điều kiện để đưa thi thể anh về quê. Được cộng đồng người Việt ở Angola kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ nên thi thể anh H. mới được đưa về nước mai táng...
Đại tá Nguyễn Đình Trần, Trưởng phòng Quản lý XNC Công an tỉnh cho biết: Nhu cầu tìm việc làm, tạo thu nhập của nhân dân là rất chính đáng, nhất là với người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc xuất cảnh để lao động trái phép đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội và chính gia đình của người đi xuất khẩu lao động trái phép.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này, thời gian qua, Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về các quy định của Nhà nước về XNC. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo về những hậu quả và rủi ro có thể xảy ra với người lao động khi xuất cảnh trái phép; tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ các đối tượng XNC trái phép trốn về địa phương; vận động các gia đình có người thân đang lao động trái phép trở về địa phương và không lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép; hướng dẫn những người có nhu cầu XNC các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với BĐBP chỉ đạo các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới Việt - Trung làm tốt công tác quản lý công dân XNC, nhất là các đường tiểu ngạch. Tăng cường công tác nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người tham gia môi giới, dẫn dắt đưa người XNC trái phép để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh với hoạt động XNC trái phép qua biên giới đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp từ biên giới đến nội địa. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nhân dân biết việc XNC trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật cũng như những rủi ro, hậu quả mà người dân gặp phải.
Xuất cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về XNC. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn và phương tiện khác nhau: Lén lút không có hộ chiếu hoặc giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, có hộ chiếu hay giấy phép nhưng đã quá hạn hoặc không có thị thực xuất cảnh, nhập cảnh; sử dụng hộ chiếu giả, giấy phép giả hoặc thị thực giả…
Người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 17, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. Theo Điều 349, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. |