Tại phiên họp sáng 19-11, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp rất sâu sắc đối với dự án luật; khẳng định Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến ĐBQH, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Báo cáo làm rõ hơn một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế và phù hợp với khả năng quản lý, thi hành với các cơ quan quản lý, thi hành án hình sự, điều kiện kinh tế xã hội và khả năng đáp ứng của Nhà nước, dự thảo luật bổ sung Điều 27 quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân được bảo đảm, trong đó có một nhóm quyền quy định mang tính nguyên tắc. Đồng thời trong từng điều luật cụ thể, dự thảo luật đã chỉnh lý, quy định có liên quan để phù hợp với các quy định tại Điều 27.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu giải trình tại phiên họp sáng 19-11 |
Về mô hình tổ chức mô hình cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, dự thảo luật quy định theo hướng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm theo dõi chung, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm trực tiếp thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, giám sát việc thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đó; báo cáo kết quả với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.
Mô hình này được quy định xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, các hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với 33 tội danh liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành khác nhau, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế…
Thứ hai, hệ thống hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là rất đa dạng, rất nhiều hình phạt, biện pháp tư pháp khác nhau.
Các ĐBQH thảo luận tại phiên họp |
“Với nhiều chủ thể quản lý và các hình phạt đa dạng nói trên, việc quy định mô hình tổ chức thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong dự án Luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn thi hành” – Bộ trưởng khẳng định.
Về thời gian thông qua dự án luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Luật Thi hành án hình sự lần này được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện nhằm cụ thể hoá các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 20110; đặc biệt phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành như Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
“Nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện. Cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; việc tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; thực hiện án treo…” – Bộ trưởng nói.
Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, người đứng đầu Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Nghị quyết số 34 ngày 8-6-2017 của Quốc hội.
Toàn cảnh hội trường |
“Tôi cũng xin báo cáo rõ thêm, có việc sửa đổi, bổ sung phạm vi của luật mà chúng tôi vẫn đề nghị thông qua 2 nhiệm kỳ vì luật này rất quan trọng, Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự có giá trị trên thực tiễn thì khâu cuối là thi hành án hình sự cũng là khâu rất quan trọng, có giá trị. Cái thứ hai quan trọng hơn là thể hiện tiến bộ hơn quyền công dân trong Hiến pháp đã quy định” – Bộ trưởng lý giải.
“Mà các quyền của công dân càng được thi hành, áp dụng sớm, càng được thực hiện tốt thì càng thuận lợi, đúng quy định. Tôi cũng biết rằng, việc thông qua 2 kỳ họp thì Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định vất vả nhưng chúng tôi thấy vất vả đó có thể khắc phục được và sớm được thi hành. Còn nếu qua 3 kỳ thì mất khoảng 2 năm, cuối 2020, sang 2021 luật mới có hiệu lực thì kéo thời gian ra rất dài” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thêm.
Về một số ý kiến khác, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin ghi nhận, sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.
“Rất mong các vị ĐBQH, các cơ quan tổ chức và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự án Luật. Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình ra Quốc hội” – Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.