(Congannghean.vn)-Theo Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS), đến tháng 6/2018, trên địa bàn Nghệ An có 1.070 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương trong diện quản lý. Với số lượng lớn đó, công tác quản lý tại cộng đồng đang gặp khá nhiều khó khăn.
Trong tổng số 1.070 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương có hơn 21% chưa có việc làm; hơn 10% tái vi phạm pháp luật, có năm chiếm đến 19%; đa số những người chấp hành xong án phạt tù có trình độ văn hóa thấp, thuộc diện khó khăn, bản thân không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định… nên khi về tái hòa nhập cộng đồng thường gặp nhiều khó khăn. Vì thế, họ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội để có cuộc sống ổn định, hạn chế tái phạm tội.
Các ban, ngành, đoàn thể xã Hưng Long đến tận từng gia đình động viên, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng |
Trong năm qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch tiến hành thống kê, nắm nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Trong đó, tập trung vào nhóm tội danh có nguy cơ tái phạm cao như trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích… Đồng thời, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ANTT, vận động nhân dân tích cực tham gia cảm hóa, giáo dục những người vi phạm pháp luật hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng được địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, giúp đỡ số đối tượng tù tha về, không xảy ra tình trạng kì thị, xa lánh để giúp họ không tái phạm.
Công tác tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý đối tượng tù tha về được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật nên hầu hết số đối tượng được quản lý giáo dục ngay từ khi về địa phương. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Công an các xã, phường với vai trò nòng cốt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc phân công giám sát người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Định kỳ hàng quý, Công an xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xác minh mọi hoạt động của các loại đối tượng. Trong quá trình quản lý giáo dục, số người có ý thức sửa chữa tốt, Công an xã đã hướng dẫn làm đơn xét miễn giảm trước thời hạn nghĩa vụ thi hành án dân sự và xóa án tích.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh - Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, dù công tác quản lý đối tượng chấp hành án tại địa phương đã được quan tâm, song thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này. Một số chính quyền cấp huyện, thành, thị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc quản lý, giúp đỡ, giám sát người chấp hành án tại địa phương; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, giáo dục còn hạn chế về nội dung, tài liệu.
Thực tế khảo sát cho thấy, hiệu quả quản lý người chấp hành xong án phạt tù sẽ khó chuyển biến nếu không tích cực tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, cần sớm kiện toàn lực lượng nòng cốt ở cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa Cảnh sát khu vực với đoàn thể quần chúng trong công tác này. Các cơ quan, ban, ngành cần quan tâm mở lớp đào tạo nghề cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú tại địa phương. Đồng thời, giúp vốn cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú tại địa phương trong việc học nghề; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; có biện pháp giáo dục, hướng dẫn cho người có án phạt tù sau khi hết hạn phải về địa phương trình báo và làm các loại giấy tờ đúng theo quy định. Qua đó, giúp địa phương dễ dàng trong công tác quản lý đối tượng được tha tù. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù.