Thời gian qua, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của ngành Công an diễn ra công khai ở nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ lẻ, các chợ, trên mạng xã hội, ở phạm vi toàn quốc. Một số đối tượng chống đối, phần tử xấu đã sử dụng trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí giả danh lực lượng Công an trà trộn vào các đám đông, ý đồ tấn công người biểu tình để vu khống lực lượng Công an đánh dân, gây mâu thuẫn, kích động biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh, trật tự, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Hành vi mua bán, sử dụng quân trang trái phép sẽ bị xử lí nghiêm. Đồ họa: B.N |
Để tăng cường quản lý quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của CAND trong thời gian tới, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, việc chấp hành Điều lệnh CAND và các quy định có liên quan, không để xảy ra sơ hở, thiếu sót gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND, không để các đối tượng chống đối, phần tử xấu lợi dụng trang phục, công cụ hỗ trợ ngành Công an thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an yêu cầu:
1. Thủ trưởng Công an các đơn vị, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng việc sản xuất, cấp phát, quản lý, sử dụng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của CAND trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách; có biện pháp quản lý chặt chẽ phù hiệu, cấp hiệu sau khi cán bộ, chiến sỹ được thăng cấp bậc hàm. Nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho, tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của CAND dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng; xử lý nghiêm theo quy định của ngành mọi trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm liên đới đối với Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ có vi phạm.
2. Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo rà soát, phối hợp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ với Công an các địa phương trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép quân phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an; Cục An ninh mạng thường xuyên rà soát, trao đổi thông tin với Công an các đơn vị, địa phương và phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đấu tranh xử lý các trang web, trang mạng xã hội rao bán quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng CAND theo đúng quy định của pháp luật; lấy kết quả đấu tranh, xử lý là một trong các tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ.
Khoản 3 điều 7 Nghị định 29/2016/NĐ-CP |
|
3. Thủ trưởng Công an các đơn vị có cơ sở kinh doanh quân trang, quân dụng dùng cho lực lượng vũ trang quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20/10/2017 của Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; khẩn trương, rà soát, báo cáo các cơ sở kinh doanh do đơn vị quản lý để Tổng cục Cảnh sát theo dõi, hướng dẫn, quản lý chung.
4. Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật siết chặt công tác sản xuất, cấp phát các loại quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ. Tổng cục Cảnh sát khẩn trương khảo sát, hướng dẫn Công an các địa phương đấu tranh, xử lý triệt để việc mua bán trái phép quân trang, quân dụng và các loại công cụ hỗ trợ. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp nghiên cứu đề xuất Bộ tham mưu Chính phủ tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ ngành Công an được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bám sát quá trình xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, kịp thời đề xuất tăng mức chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của ngành Công an.
5. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ CAND và học viên các trường CAND đối với việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của ngành về sử dụng, bảo quản quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ. Thường xuyên tuyên truyền trên báo chí CAND về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phản động, chống đối, phần tử xấu lợi dụng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng uy tín của lực lượng CAND.