Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201805/nhan-dien-tinh-trang-vo-tin-dung-den-796960/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201805/nhan-dien-tinh-trang-vo-tin-dung-den-796960/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhận diện tình trạng vỡ 'tín dụng đen' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 30/05/2018, 09:02 [GMT+7]

Nhận diện tình trạng vỡ 'tín dụng đen'

(Congannghean.vn)-Huy động vốn trái pháp luật, đánh vào tâm lý hám lãi suất cao, thậm chí dựa bóng tình thân với những người giàu, có uy tín lừa góp vốn làm ăn chung, nhiều người đã huy động hàng chục tỉ đồng tiền từ người dân rồi bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, đẩy nhiều gia đình vào chỗ khốn cùng.

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ vỡ nợ với số tiền hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng đã gây xôn xao dư luận. Điều khiến nhiều người băn khoăn là phần lớn các vụ vỡ nợ xảy ra ở những làng quê nghèo, người dân quanh năm chân chất, vất vả với ruộng đồng. Thậm chí, nhiều gia đình hoàn cảnh rất “chị Dậu”, tưởng chừng không có đồng nào dắt lưng nhưng trước làn sóng góp vốn, lãi suất ngất ngưởng đã tìm mọi cách huy động vốn đưa cho người khác để hưởng lãi suất chênh lệch.

Liên tiếp các vụ vỡ nợ thời gian vừa qua đã đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khốn cùng (Trong ảnh: Người dân thất thần khi DNTN vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành huy động hàng chục tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ)
Liên tiếp các vụ vỡ nợ thời gian vừa qua đã đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khốn cùng (Trong ảnh: Người dân thất thần khi DNTN vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành huy động hàng chục tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ)

Phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn trái phép

Trung tuần tháng 4/2018, hàng trăm người dân tại 2 huyện Nghi Lộc, Yên Thành và vùng phụ cận, hoang mang trước thông tin Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành tuyên bố vỡ nợ, dỡ bảng hiệu và ngừng các hoạt động kinh doanh. Trước đó, thông qua hình thức phát hành sổ tiết kiệm (chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép), doanh nghiệp này đã huy động vốn của hàng trăm người dân trên địa bàn, với số tiền ban đầu lên đến khoảng 70 tỉ đồng.

Trung tá Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn của người dân tố cáo DNTN vàng bạc Phúc Nhiên chiếm đoạt tiền của họ. Theo nội dung đơn tố cáo, có 84 hộ dân đã gửi tiền cho DNTN vàng bạc Phúc Nhiên, với số tiền hơn 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo người dân thì đơn cá nhân tố cáo lên Công an huyện Yên Thành lên tới 200 người, với số tiền khoảng 70 tỉ đồng.

DNTN vàng bạc Phúc Nhiên tại huyện Yên Thành phát hành sổ tiết kiệm, huy động khoảng 70 tỉ đồng rồi ngừng kinh doanh, tuyên bố vỡ nợ
DNTN vàng bạc Phúc Nhiên tại huyện Yên Thành phát hành sổ tiết kiệm, huy động khoảng 70 tỉ đồng rồi ngừng kinh doanh, tuyên bố vỡ nợ

Cũng trên địa bàn huyện Yên Thành, mới đây nhất, vào cuối tháng 5/2018, thông tin ông Phạm Công Đồng (SN 1978) trú tại xã Khánh Thành, là chủ phường, hụi tại địa bàn đã âm thầm ôm hơn 4 tỉ đồng bỏ trốn khỏi địa phương khiến khoảng 100 người tham gia như ngồi trên đống lửa. Thông tin từ chính quyền xã Khánh Thành, trong vòng 4 tháng qua, trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ vỡ phường, hụi. Trong khi đó, vụ vỡ nợ của DNTN vàng bạc Phúc Nhiên ở xã Bảo Thành là vụ vỡ nợ thứ 5 xảy ra trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây.

Liên quan đến vấn đề huy động vốn trái phép, ngày 11/3/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thảo (SN 1967) trú tại huyện Con Cuông án chung thân vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền chiếm đoạt khoảng 24 tỉ đồng. Cũng núp bóng doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, từ năm 2009, Thảo bắt đầu huy động vốn trái phép từ người dân với lãi suất rất cao. Sau khi nhận tiền, Thảo đã phát cho người dân “phiếu gửi tiền”, trong đó có con dấu của doanh nghiệp. Có đến gần 490 nạn nhân tố cáo đã bị Thảo lừa đảo với tổng số tài sản gần 40 tỉ đồng, tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ làm rõ được số tiền khoảng 24 tỉ đồng.

Bản chất của phường, hụi là “tín dụng đen”

Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng 3 năm (2012 - 2015), toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ phường, hụi tại 14/21 huyện, thành, thị, với số tiền thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỉ đồng. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng tình trạng vỡ nợ liên quan đến “tín dụng đen” vẫn liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây, số tiền và số nạn nhân các vụ vỡ nợ sau luôn cao hơn những vụ trước khiến sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong năm 2016, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng 4 vụ vỡ nợ, vỡ phường, hụi tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Con Cuông, số tiền đã lên đến 163 tỉ đồng. 4 tháng đầu năm 2018, Nghệ An tiếp tục xảy ra 5 vụ vỡ nợ tại các huyện Yên Thành (3 vụ), Thanh Chương, TX Cửa Lò và TP Vinh, với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Thượng tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương nhận định, hoạt động phường, hụi thực chất là một hình thức khác của “tín dụng đen” và nó tồn tại, phát triển nhờ cách tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Vì thế, đã thu hút được nhiều người tham gia, mục đích chính là để kiếm lời, hưởng lãi suất chênh lệch. Bản chất của việc thu gom phường, hụi đều mang tính chất tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương không nắm được, chỉ khi vụ việc vỡ lở, các nạn nhân mới trình báo lên cơ quan chức năng.

Trong khi đó, nói về vấn đề phát hành “sổ tiết kiệm” của các doanh nghiệp để huy động vốn, ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là một hành vi kinh doanh trái phép.

Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Trong khi đó, các doanh nghiệp này nhận tiền gửi dưới hình thức phát hành sổ tiết kiệm là đã thực hiện hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo ông Hà, hình thức “tín dụng đen” vẫn còn tồn tại có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất người huy động. Ngoài ra, do một số người vay cần vốn nhưng không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng nên họ tìm đến “tín dụng đen”.

Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự tại Nghệ An cho rằng, việc huy động vốn dưới hình thức phát hành sổ tiết kiệm là vi phạm pháp luật về tài chính ngân hàng, vi phạm luật tổ chức tín dụng. Hành vi huy động vốn, phát hành sổ tiết kiệm, thực hiện việc chi trả lãi suất cao hơn lãi suất cơ bản của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hoạt động có thể bị xử lý hình sự về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sổ huy động vốn các doanh nghiệp phát hành trái phép để huy động vốn
Sổ huy động vốn các doanh nghiệp phát hành trái phép để huy động vốn

Trước đây, các vụ vỡ nợ, vỡ phường, hụi chủ yếu xảy ra tại các khu vực thành thị. Tuy nhiên, gần đây hoạt động này lại có xu hướng lan về các làng quê nghèo, đến lúc xảy ra việc vỡ nợ đã để lại hậu quả nặng nề. Phần lớn số tiền của các nạn nhân là đi vay mượn, thu gom từ anh em bạn bè, chủ yếu để hưởng lãi suất chênh lệch. Đã có hàng trăm gia đình tan nát, vợ chồng ly tán, con cái ly hương và hàng chục người phải bán nhà đi ở trọ để lấy tiền trả nợ vì liên quan đến phường, hụi.

Liên quan đến vụ vỡ nợ của DNTN vàng bạc Phúc Nhiên, ông Nguyễn Trọng Nam, Phó Trưởng Công an xã Bảo Thành cho rằng, hơn 1 năm nay, người dân liên tục bao vây, tập trung đông người tại căn nhà kiêm địa chỉ giao dịch của doanh nghiệp Phúc Nhiên để đòi tiền. Lực lượng chức năng phải có mặt để đảm bảo ANTT, tránh xảy ra xô xát.

Tương tự, vụ vỡ nợ của bà Trần Thị Soa tại xã Diễn Thành, trong suốt thời gian dài, Công an huyện Diễn Châu đã phải cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên vì từng tốp người liên tục kéo đến, đập phá nhà cửa để lấy đi mọi vật dụng còn sót lại trong căn nhà ngay sau khi 2 vợ chồng bỏ trốn khỏi địa phương.

Hàng chục chủ nợ chen lấn, tranh cướp tài sản dẫn đến lời qua tiếng lại, thậm chí xảy ra xô xát, gây phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn. Đây cũng là thực trạng chung của các vụ vỡ nợ, vỡ phường, hụi trong thời gian đầu, khiến cơ quan Công an phải hết sức vất vả để bảo vệ tài sản cho công dân và đảm bảo ANTT trên địa bàn. Theo nhận định, những hệ lụy này chưa phải là thiệt hại cuối cùng của người dân liên quan đến “tín dụng đen” trong thời gian vừa qua. Do vậy, trước khi có các chế tài, quy định xử lý từ các cơ quan chức năng, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào cạm bẫy “tín dụng đen” để tránh xa những hệ lụy khôn lường.

.

Thiên Thảo

.