Sáng 6/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tiếp cận thông tin với 437/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,46% tổng số đại biểu. Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trỉnh, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật. Ảnh: Đình Nam
Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Luật quy định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục pháp luật.
Quy định rõ thông tin không được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện
Thể chế quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận của công dân, Luật tiếp cận thông tin quy định, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Tiếp thu các ý kiến đại biểu thảo luận trước đó về việc cần thiết phải quy định rõ các trường hợp tiếp cận có điều kiện và không được tiếp cận thông tin để đảm bảo quyền của người dân hài hòa với lợi ích nhà nước, lợi ích của xã hội, Điều 6 và Điều 7 của Luật quy định cụ thể thông tin công dân không được tiếp cận, thông tin tiếp cận có điều kiện. Theo đó, công dân không được tiếp cận đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.
Công dân được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý; Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan.
Người nước ngoài cư trú có quyền yêu cầu cung cấp thông tin
Trước đó trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết Hiến pháp xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Đối với việc người nước ngoài muốn được tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước Việt Nam thì phải tùy thuộc vào mục đích và điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước Việt Nam, nên không thể quy định cứng đây là quyền đương nhiên của người nước ngoài như của công dân Việt Nam. Hơn nữa, trong trường hợp người nước ngoài muốn tiếp cận thông tin của Việt Nam để phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh, du lịch... tại Việt Nam thì trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có quy định; đồng thời, trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều đăng tải những thông tin cơ bản về các vấn đề này rất thuận lợi để mọi người đều có thể tiếp cận. Do vậy, quy định vấn đề cho phép người nước ngoài được tiếp cận thông tin trong một số trường hợp nên để quy định tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật với tính chất là điều khoản áp dụng là phù hợp.
Đối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, trường hợp nếu họ có quốc tịch Việt Nam thì được thực hiện quyền tiếp cận thông tin như công dân trong nước; trường hợp họ không còn quốc tịch Việt Nam thì thực hiện tiếp cận thông tin theo quy định áp dụng đối với người nước ngoài.