Ngày 2/11, Đội quản lý thị trường 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra tình trạng kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội phát hiện và tịch thu hàng triệu nhãn mác giả các thương hiệu lớn.
Tại hai cơ sở kinh doanh nhãn mác phụ kiện ngành may, lực lượng chức năng phát hiện số lượng rất lớn nhãn mác giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Trên biển hiệu cũng như tài liệu thể hiện hai cơ sở kinh doanh này đặt tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm nhưng thực tế lại có đăng ký kinh doanh và địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Do vậy, lực lượng quản lý thị trường không thể xử lý được hành vi vi phạm.
Tại cơ sở sản xuất quần áo, phụ liệu ngành may khác do bà Nguyễn Thị Nga, địa chỉ tại xóm 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội làm chủ hộ kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất, buôn bán tem nhãn, vật phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới. Đội quản lý thị trường số 14 tạm giữ hàng triệu tem nhãn, vật phẩm và hàng nghìn sản phẩm may mặc giả mạo như La Coste, Tommy, Nike, Adidas, Zara, D&G, Gucci, Burberry, Chanel... Điều đó đồng nghĩa với việc đã ngăn chặn hàng triệu sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tại cơ sở này lực lượng chức năng còn thu giữ 1.125 chiếc áo thành phẩm nhãn Burberry, 280 chiếc váy trẻ em nhãn GAP, 5 chiếc máy may, bàn là, máy vắt sổ.
Toàn bộ hàng triệu nhãn mác và số hàng áo, váy, thiết bị may mặc đều được cơ quan kiểm tra thu giữ. Vấn đề cần trao đổi là những người sản xuất mua bán các loại hàng hóa trên phạm tội gì?
Các nghi phạm đã phạm tội sản xuất buôn bán hàng nhái
Các nghi can đã sản xuất và buôn bán hàng nhái. Đây không phải hàng giả vì hàng hóa của họ không giống hàng thật. Đã là hàng giả làm ra phải giống hàng thật và nhìn bằng mắt thường khó phân biệt. Thêm nữa, các hàng hóa có nhãn hiệu giống như các hãng nổi tiếng nhưng khi bán hàng những nghi can này không bán theo giá của hàng thật. Hành vi sử dụng nhãn hiệu giả trong lô hàng của các nghi can chỉ nhằm mục đích chiều theo thị hiếu của người tiêu dùng để tăng lợi nhuận chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Điều này chứng minh khi giá sản phẩm mà các nghi can bán đúng với giá trị thực tế của sản phẩm là chỉ từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng. Người tiêu dùng có thể mua hàng với giá này tại bất kỳ cửa hàng hay chợ. Người mua hoàn toàn nhận thức được đây là hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng và chấp nhận mua với giá rẻ chỉ bằng 1/50 lần giá thật của nhãn hiệu này. Họ hoàn toàn biết rõ với giá này không thể mua một cái áo chính hiệu được. Việc sản xuất buôn bán này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nhãn hàng nổi tiếng.
Bùi Anh Tuấn (TP Vinh, Nghệ An)
Họ đã xâm hại quyền sở hữu công nghiệp
Các nghi can này vi phạm Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, sản xuất, lưu thông hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan. Ngoài ra các nghi can này còn xâm hại quyền sở hữu công nghiệp do hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam. Họ đã chủ động mua bán, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường Việt Nam không thông qua ý kiến của chủ sở hữu công nghiệp. Điều này làm xâm hại đến quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hàng hóa nổi tiếng đang được pháp luật bảo hộ. Hành vi này có thể bị truy tố theo điều 171 Bộ luật Hình sự hiện hành với tội danh Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Phạm Văn Ba (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)
Các nghi can này lừa đảo
Việc sản xuất 1.125 chiếc áo thành phẩm gắn nhãn Burberry, 280 chiếc váy trẻ em nhãn gắn GAP mà không phải hàng của hãng Burberry và GAP là hành vi cố tình lừa người tiêu dùng, cho người ta tưởng đây là hàng ngoại để bán với giá cao. Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần bị nghiêm trị trước pháp luật. Không chỉ lừa đảo khách hàng mua sản phẩm của họ, việc sản xuất hàng loạt các nhãn mác của các hãng nổi tiếng đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp này. Đây là hành vi phạm tội có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Các nghi can này phải bị truy tố theo điều 139 Bộ luật Hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cấn Thị Thêu (Quốc Oai, Hà Nội)
Các nghi can này phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả
Các nghi can này đã sản xuất hàng loạt các nhãn hiệu giống hệt như các nhãn hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng, đồng thời sản xuất hàng nghìn sản phẩm hoàn chỉnh, đính những nhãn hiệu giả vào sản phẩm để tung ra thị trường. Hàng giả là một vật nào đó được cố ý làm cho giống một vật nguyên bản. Hàng giả được thiết kế và gắn nhãn hiệu sử dụng thiết kế, nhãn hiệu và biểu tượng đã được đăng ký của người khác nhằm mục đích lừa người mua tin rằng sản phẩm đó là một sản phẩm nguyên bản. Các hàng hóa do các nghi can sản xuất buôn bán rõ ràng là hàng giả.
Các nghi can đã phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp và với thủ đoạn tinh vi. Các nghi can này có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 156 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt tù từ 3 năm tới 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nguyễn Bạch Ngọc (Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)
*Bình luận của luật sư:
Theo đúng nội dung vụ án đã phản ảnh, các hành vi của các nghi can sản xuất kinh doanh các phụ liệu may mặc mới bị bắt giữ tại Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội có dấu hiệu đã vi phạm các điều luật thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Bộ luật Hình sự.
Các hành vi có dấu hiệu phạm tội gồm: sản xuất các nhãn mác giả theo mẫu các nhãn mác của các hãng nổi tiếng như La Coste, Tommy, Nike, Adidas, Zara, D&G, Gucci, Burberry, Chanel..., sản xuất các hàng hóa may mặc gắn các nhãn mác giả này vào và đi tiêu thụ cả nhãn mác giả và hàng hóa thành phẩm. Số lượng nhãn mác giả lên đến hàng triệu cái, số lượng hàng thành phẩm cũng hàng nghìn cái.
Với các hành vi trên, các nghi can có thể phạm tội theo điều 156 Bộ luật Hình sự: Tội sản xuất buôn bán hàng giả hoặc theo điều 171 BLHS: tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Để làm rõ, chúng ta cần phân tích pháp lý.
Theo nội dung điều 171 BLHS: Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì phạm tội Xâm hại quyền sở hữu công nghiệp. Theo tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật: Một hành vi sử dụng trái phép đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, xuất xứ hàng hóa... mà chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm (sản phẩm trong trường hợp này vẫn đảm bảo được giá trị đúng với bản chất, tên gọi, công dụng của nó, đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố) thì đó là hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong vụ án này, các sản phẩm do các nghi can sản xuất không có chất lượng sản phẩm tương tự như các sản phẩm sở hữu công nghiệp. Vì vậy, các nghi can không phạm tội xâm hại quyền sở hữu công nghiệp.
Hàng hóa do các nghi can sản xuất và buôn bán đã vi phạm điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-BTC ngày 1-4-2011 của Bộ Tài chính, hàng giả bao gồm: b) Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa; c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan; d) Các loại đề can, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng.
Như vậy, hàng hóa của các nghi can được xác định là hàng giả và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh các hàng hóa này đều là phạm tội Sản xuất buôn bán hàng giả. Xét quy mô sản xuất kinh doanh, xét các tình tiết tăng nặng, các nghi can có thể bị truy tố theo khoản 2, điều 156 Bộ luật Hình sự: Tội sản xuất buôn bán hàng giả với mức phạt từ 3 đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
.