Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:32 [GMT+7]
Nghệ An thực hiện Nghị quyết 56 về giải tỏa vi phạm hành lang ATGT

'Có chắc rễ mới bền cây' (Bài cuối)

>>Bài 1: Đưa Nghị quyết 56 vào cuộc sống

>>Bài 2: Mỗi địa phương là một bài học kinh nghiệm

(Congannghean.vn)-Ngày 16/12/2016, trước yêu cầu bức thiết về tăng cường biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên toàn địa bàn, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 56, quy định chi tiết, cụ thể về biện pháp, đối tượng áp dụng và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân thực hiện. Nhìn lại 2,5 năm triển khai Nghị quyết 56, Nghệ An đã có những chuyển biến căn bản và khá toàn diện ở nhiều huyện, thành, thị.

Bài cuối: Phát huy vai trò người đứng đầu

Thực hiện Nghị quyết 56, nhiều biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đã được Nghệ An tích cực triển khai. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang ATGT ở một số địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến, cần sự chung tay, ủng hộ và đồng lòng giải quyết của các cấp, ngành, nhất là từ người dân. Trong đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền rất quan trọng.

Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra vị trí lắp đặt camera chống tái lấn chiếm tại huyện Đô Lương
Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra vị trí lắp đặt camera chống tái lấn chiếm tại huyện Đô Lương

Sau giải tỏa là chống tái lấn chiếm

Vỉa hè là địa điểm kinh doanh thuận lợi với các tiểu thương, nhất là tại các tuyến đường lớn. Điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân, vì thế, việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, trả lại vỉa hè cho người đi bộ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Điều này đòi hỏi cả một quá trình, sự kiên trì và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Qua hoạt động của các đoàn liên ngành trong thời gian qua, có thể thấy, nhờ công tác tuyên truyền, vận động kết hợp kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, các công trình kiên cố vi phạm xây mới hầu như đã không còn. Người dân đã ý thức rõ, việc lấn chiếm hành lang ATGT là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng các biển quảng cáo lộn xộn, thiếu quy chuẩn, lấn chiếm hành lang ATGT vẫn còn xảy ra phổ biến tại các huyện, thành, thị.

Nhằm chấn chỉnh việc xây dựng, lắp đặt các phương tiện tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn toàn tỉnh, ngày 22/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 59/2017/QĐ-UBND, trong đó, quy định cụ thể nguyên tắc, yêu cầu và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời.

Quá trình triển khai, thấy rõ những điều cần bổ sung, hoàn thiện, ngày 27/11/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47/2018/QĐ-UBND nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định 59. Trong đó, nêu cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 7 tại Quyết định 59: “Đối với bảng quảng cáo, hộp đèn, biển hiệu lắp đặt tại các công trình thấp tầng phải được treo, gắn, ốp vào mặt trước hoặc mặt sau công trình, song song với trục đường chính và phải đảm bảo mỹ quan đô thị; việc lắp đặt phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BXD. Các bảng quảng cáo, hộp đèn, biển hiệu khi lắp tại công trình thấp tầng ở ngoài khu vực đô thị thì áp dụng theo quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại các phường, xã ở nhiều huyện, thành, thị, các hộ kinh doanh, nhất là với tiểu thương, việc xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời vẫn còn rất lộn xộn. Nhiều hộ dân còn cố tình sử dụng các biển quảng cáo di động để dễ trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Về vấn đề này, theo ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An, thì việc xử lý sai phạm liên quan xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, tuyên truyền ngoài trời chủ yếu mới dừng lại ở nhắc nhở, tịch thu. Trong khi đó, việc áp dụng các hình phạt về vi phạm hành chính để tạo sức răn đe vẫn chưa được nhiều địa phương thực hiện. “Có xử lý nghiêm thì mới sớm chấn chỉnh tình trạng lắp đặt biển quảng cáo lấn chiếm hành lang ATGT được”, ông Đức khẳng định.

Hiện nay, nhiều địa phương đang “đau đầu” trong việc chống tái lấn chiếm sau giải tỏa. Trên thực tế, ngoài biển quảng cáo ngoài trời, việc các hộ dân lấn chiếm vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng, bày bán hàng quán vẫn tồn tại. Khi “bóng cờ tiếng trống” của đoàn quân giải tỏa vừa đi qua, hành lang lại bị tái lấn chiếm.

Những việc phải làm ngay

Xác định rõ vai trò của người đứng đầu chính quyền trong thực hiện Nghị quyết 56, ngày 31/1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND “Quy định tạm thời xử lý trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, rất ít huyện, thành, thị xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT theo Quyết định 07.

Mới đây, theo báo cáo của Ban ATGT huyện Tân Kỳ với Đoàn liên ngành số 2, trong năm 2018, huyện đã xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với 6 cán bộ công chức cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Con số ít ỏi đó so với thực trạng vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, vẫn còn sự nể nang, thiếu kiên quyết trong xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là ở cấp phường, xã. Trong thời gian tới, nếu việc thực hiện Quyết định 07 còn thiếu quyết liệt sẽ rất khó để tạo sự đột phá và duy trì nề nếp ở các địa phương.

Hiện, hầu hết UBND huyện, thành, thị đã bàn giao mặt bằng cho các xã, phường, thị trấn tiến hành quản lý hành lang ATGT chống lấn chiếm và tái lấn chiếm, thực hiện đánh dấu mốc giải tỏa. Vì vậy, trong những đợt kiểm tra, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, không tích cực, vô trách nhiệm, thì cần phải có hình thức xử phạt nghiêm theo quy định. Như thế, vai trò nêu gương của người đứng đầu mới thể hiện rõ rệt trong công tác giải tỏa hành lang ATGT.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý các trường hợp vi phạm giải tỏa hành lang ATGT cũng được Sở Giao thông Vận tải, các địa phương tính toán và bước đầu áp dụng. Tại TP Vinh, camera công cộng sẽ được sử dụng để xử lý các trường hợp tái lấn chiếm. Những “mắt thần” này chính là phương tiện hữu hiệu giúp các cơ quan chức năng xác định rõ trường hợp và tính chất vi phạm tại cơ sở.

Ngoài TP Vinh, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đã đồng ý cho thực hiện thí điểm việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn huyện Đô Lương. Trước mắt, sau khi nghiên cứu và phân tích địa hình, huyện Đô Lương thực hiện lắp đặt tại 3 vị trí thuộc thị trấn và xã Đà Sơn. Camera sẽ truyền dữ liệu về phòng Hạ tầng đô thị, sau đó, các trường hợp vi phạm sẽ được thông báo trên loa truyền thanh tại cơ sở. Nếu không hợp tác, những hình ảnh trên camera sẽ là bằng chứng để xử phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Lê Anh Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Đô Lương, việc thực hiện thí điểm lắp đặt camera nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý những tình huống, sự cố giao thông xảy ra trên địa bàn; đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nói chung và trong giải tỏa vi phạm hành lang ATGT nói riêng...

Triển khai Nghị quyết 56, ngay từ đầu đã được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng xác định là không đơn giản, thậm chí là rất khó. Trong Nghị quyết đã ghi rõ: Biện pháp đầu tiên và rất quan trọng, đó là “huy động các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham gia giải tỏa, quản lý và bảo vệ hành lang ATGT”. Trước đây, ở các địa phương đã hình thành Đội Phản ứng nhanh với lực lượng nòng cốt là Cảnh sát trật tự, cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị, hoạt động 24/24 giờ. Đội Phản ứng nhanh đã thể hiện rõ vai trò trong hỗ trợ tích cực các phường, xã giải tỏa và xử lý trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, chỉ mỗi lực lượng này khó có thể bao quát được toàn bộ các phường, xã trên địa bàn.

Do đó, việc hình thành các “tuyến đường tự quản”, “đoạn phố văn minh kiểu mẫu” giao cho các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân là rất cần thiết. Đồng thời, gắn trách nhiệm bảo vệ vỉa hè, hành lang ATGT của ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Vì chỉ khi gắn trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể thì mới huy động được sức mạnh tập thể, tạo nề nếp và phong trào chung ở cơ sở.

Cần phải thấy rõ rằng, sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 56, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cao; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thực sự vào cuộc. Trong khi đó, sự phối hợp giữa địa phương với đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, đường sắt có nhiều chuyển biến tích cực. Và nhất là, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư đã được cải thiện rõ rệt. Trước thời điểm có Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND, bình quân mỗi tháng, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải nhận được báo cáo có trên 100 trường hợp vi phạm, nay chỉ bình quân 30 trường hợp/tháng. Những con số đó đã chứng minh: Nghị quyết 56 đã thực sự đi vào cuộc sống.

Tất nhiên, muốn triển khai Nghị quyết 56 nói riêng và các chính sách, văn bản, nghị quyết khác nói chung thành công, nhân tố quan trọng nhất, chính là người dân. Nhân dân là trung tâm của các nghị quyết, là đối tượng nghị quyết hướng đến và cũng chính là lực lượng tham gia thực hiện. Chỉ khi ý thức của người dân nâng cao, chung tay, ủng hộ với các lực lượng chức năng, công tác giải tỏa hành lang ATGT mới thật sự bền vững.

“Gốc rễ” của nhiệm vụ giải tỏa vi phạm hành lang ATGT chính là sự đồng thuận của người dân, là Nghị quyết 56 và sự tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng. Vì thế, trên cơ sở Nghị quyết 56 và Kế hoạch 136, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực và tập trung hơn nữa, đa dạng và đi vào thực chất. Có như vậy, mục tiêu đặt ra đối với công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT giai đoạn 2017 - 2020 mới hoàn thành và đạt kết quả cao.

.

Tuệ Trang

.