An toàn giao thông

Tăng mức xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia

Liệu đã đủ sức răn đe?

08:34, 27/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước thực trạng liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xem xét sửa đổi Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, đề xuất mức phạt đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép tối đa 40 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 năm. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe và cần tăng mức xử phạt nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng “xe điên” gây TNGT.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn

Cho đến bây giờ, dư luận vẫn chưa quên vụ tai nạn xảy ra vào đêm 22/4, khi tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) điều khiển xe ôtô 7 chỗ đâm chết chị Lê Thu Hà, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Hay gần đây nhất, vào khoảng 0 giờ 10 phút ngày 1/5, 2 chị Đ.T.H.Y. (43 tuổi) trú khu tập thể Kim Liên và T.T.Q. (43 tuổi) trú tại Láng Hạ, cùng quận Đống Đa, Hà Nội đang đi xe máy trong hầm Kim Liên, quận Hai Bà Trưng thì bất ngờ bị xe ôtô hiệu Mercedes màu trắng đi phía sau lao tới đâm mạnh khiến 2 phụ nữ ngã ra đường bất tỉnh và tử vong sau đó. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên là do lái xe đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 9.000 vụ TNGT đường bộ, trong đó các vụ TNGT do nguyên nhân rượu, bia chiếm hơn 40%. Riêng trong 5 tháng đầu năm, đã có 50.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị xử phạt. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức độ tiêu thụ rượu, bia. Hậu quả nhãn tiền của việc sử dụng rượu, bia quá đà đó là ngày càng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến cho rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT do lái xe sử dụng rượu, bia gây ra, vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất tăng mức xử phạt lên 40 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 năm đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, mức xử phạt này là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi trên thực tế, hệ lụy của bia, rượu không chỉ “dành cho” chính những người sử dụng nó, mà còn là nỗi đau dai dẳng của gia đình nạn nhân trong các vụ TNGT và toàn xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, việc tăng mức xử phạt hành chính đối với lái xe sử dụng rượu, bia mới chỉ là phần ngọn, tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả đó là làm thế nào để thay đổi nhận thức, ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Đặc biệt, quá trình thực hiện việc sửa đổi, cần lấy thêm ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, thậm chí là cả người dân, từ đó có thêm cơ sở để hoàn thiện và thực thi pháp luật một cách chính xác, hiệu quả.

Trước thực trạng gia tăng các vụ TNGT do sử dụng rượu, bia, thời gian qua, lực lượng CSGT trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Theo đó, năm 2018, đã tiến hành lập biên bản gần 4.800 trường hợp và riêng trong 4 tháng đầu năm 2019 đã lập biên bản và xử lý gần 1.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Rõ ràng, công tác kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết nhằm góp phần hạn chế các vụ TNGT đường bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cơ quan chức năng đã gặp phải không ít khó khăn; trong đó, lực lượng, quân số mỏng được xem là hạn chế lớn nhất. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 5 đội tuyến tỉnh và mỗi huyện có 1 đội thực hiện công tác này. Vì thế, việc kiểm tra mới chỉ được thực hiện theo từng đợt và từng chuyên đề nên chưa thể xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Cán bộ Đội CSGT Công an huyện Con Cuông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện
Cán bộ Đội CSGT Công an huyện Con Cuông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện

Có thể nói, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là thực trạng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và trên thực tế, đã có rất nhiều nước “mạnh tay” đối với hành vi này. Điển hình như tại Nhật Bản, chỉ cần có nồng độ cồn tương đương uống 1 cốc bia, sẽ bị phạt tiền tương đương 4.500 USD và phạt tù tới 3 năm; nếu lái xe trong tình trạng say rượu, bị phạt tiền gấp hai lần và chịu 5 năm tù. Tại Australia, ngoài các chế tài xử phạt, để ngăn chặn từ xa, lực lượng CSGT sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra ngẫu nhiên, cứ khoảng 10 - 12 xe sẽ yêu cầu dừng một xe để kiểm tra nồng độ rượu, bia đối với lái xe. Còn tại nhiều quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc… cũng có những hình phạt nghiêm khắc đối với lái xe uống rượu, bia.

Dẫn chứng như thế để thấy rằng, việc áp dụng tăng mức xử phạt đối với hành vi này ở nước ta là vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT do lái xe sử dụng bia, rượu gây ra, thiết nghĩ bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của bản thân và mọi người. Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông là giải pháp vô cùng quan trọng để chúng cùng chung tay góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu TNGT.

Ngọc Anh

Các tin khác