Pháp luật

Vũng lầy ý thức

10:17, 12/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết tính đến tháng 4-2019, cả nước xảy ra hơn 5.400 vụ TNGT, làm chết 2.570 người, bị thương hơn 4.178 người.  
 
Cái ác đến từ sự hồn nhiên bao giờ cũng để lại những hậu quả tang thương hơn cả, như người ta muốn cho con chim sẻ ăn thịt nấu chín vì thịt nấu chín ngon hơn hạt lúa, như người ta nhốt một đứa trẻ trong phòng cả ngày nhằm giúp đứa trẻ an toàn trước vấn nạn ấu dâm...
 
Rời một cuộc rượu chân nam đá chân chiêu, liêu xiêu rời khỏi quán, liêu xiêu lên xe máy (hoặc ôtô), liêu xiêu điều khiển phương tiện hòa cùng dòng người tham gia lưu thông cũng chính là cái ác hồn nhiên vậy.
 
Khi không ý thức được việc đang trực tiếp tham gia tạo nên một cái ác, con người ngày càng dễ sa đà vào chính khoảng tối ấy hơn.
 
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới khi điều tra khảo sát tại các bệnh viện (hơn 20.000 đối tượng), có đến 36% bị tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn vượt quá quy định vào ngày thường, còn trong dịp lễ, tết lên tới 60%.
 
Theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, thống kê năm 2018 cho thấy lượng bia sử dụng đã lên đến hơn 4,6 tỉ lít, tăng trên 600 triệu lít so với năm 2017. Trung bình mỗi người trưởng thành sử dụng tới 45 - 46 lít bia/năm (năm 2015 là 42 lít).
 
Những con số rất đáng buồn, rất đáng báo động.
 
1. Ngày bé ở quê, tôi đã thấy những người nghiện rượu, họ đắm mình trong các cơn say, và không có ai nghiện rượu lại có một cuộc sống tốt đẹp, cả cho bản thân lẫn gia đình. Tờ mờ sáng đã uống, mịt mù tối cũng uống. Dĩ nhiên hủy hoại một dân tộc không gì nhanh hơn các chất gây nghiện từ bia rượu cho đến ma túy, hủy hoại những tố chất tốt đẹp có tính truyền đời của một dân tộc cũng vậy. 
 
Đáng tiếc là có vẻ như nhiều cơ quan ban ngành không để ý đến điều này, mà có để ý cũng khó vì nhiều cơ quan ban ngành ở nước mình cũng uống bia rượu không thua kém bất cứ cá nhân nào. Nhưng đó là một vấn đề khác vậy.
 
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn có hậu quả thảm khốc liên quan đến bia rượu. Những đứa trẻ mồ côi, những gia đình tan nát, những phận người bị đánh cắp, những sự sống bị tước đoạt... 
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.
Tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta, đều có một người thân hoặc một bạn bè là nạn nhân của một vụ TNGT có căn nguyên từ bia rượu, may mắn thì tự ngã xe, không may mắn thì gây tai nạn khiến người khác tàn phế hoặc tử vong.
 
Làm sao lại sử dụng cụm từ "may mắn" khi tự mình gây tai nạn cho mình, ấy là bởi say rượu điều khiển phương tiện giao thông không gây tổn thất cho ai khác ngoài bản thân mình chắc chắn là một sự may mắn (thậm chí, là rất may mắn) không cần phải bàn cãi.
 
Cậu bạn thuở bé của tôi đã trở thành người tàn phế, gãy hai chân, khuôn mặt biến dạng, thận bị tổn hại do va đập, một bên hộp sọ không còn... Căn nguyên cũng từ rượu.
 
Nhà khốn khó, cậu bạn theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Không biết là do khí hậu hay do sự buồn tẻ đời sống, mà từ một cậu nhóc hiền khô, cậu bạn phút chốc trở thành môt gã đàn ông già sọm, hôm nào không có rượu là không chịu được. 
 
Cậu bạn đã rất nhiều lần bị tai nạn do điều khiển xe máy khi say, có khi va chạm với người cùng tham gia lưu thông, có khi tự té ngã. Mà cho dù là va chạm hay tự té ngã, thì của nả trong nhà cũng lần lượt biến mất sau cơn say ấy. Thậm chí, cô vợ sắp cưới cũng chán nản hồi hôn.
 
2. Tôi đã viết rất nhiều lần rằng đời sống sẽ rất tẻ nhạt nếu như cả ngày chỉ chúi mắt vào bia rượu. Và giả như không muốn thoát khỏi sự tẻ nhạt mà mình đang mang trên người thì có thể không biến sự tẻ nhạt tự thân ấy thành mối họa cho mình hay cho người khác.
 
Người uống rượu say gây tai nạn, hậu quả không chỉ riêng họ chịu mà đó chính là khởi đầu cho một biến cố dài đằng đẵng mà người thân của họ (hoặc người thân của người bị tai nạn do họ gây ra) phải gánh chịu.
 
Tôi đã thấy những trụ cột gia đình phút chốc biến thành kẻ ngớ ngẩn vì TNGT do uống say, tôi cũng đã thấy những gia đình phải cắt cử người chăm sóc cho người thân bị chấn thương do tai nạn giao thông mà trở nên liệt giường liệt chiếu. Trong nhà có người như vậy, sinh khí cũng tự dưng mà mất đi.
 
Pháp luật không cấm uống bia rượu khi đủ tuổi, pháp luật cũng không quy định mỗi cuộc vui phải uống bao nhiêu chai bao nhiêu ly, điều này phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Có điều, pháp luật quy định rất rõ đã uống bia rượu thì không điều khiển phương tiện giao thông như ôtô hay xe máy. Tuân theo pháp luật chính là vừa giữ cho mình vừa giữ cho người khác vậy.
 
Thật buồn khi chứng kiến quốc gia mất quá nhiều thứ vì các chất uống có cồn, những người Việt mất quá nhiều thứ cho bia rượu. Không chỉ là tiền bạc mà còn thời gian, sức khỏe và con cái về sau.
 
Nhưng biết làm sao được khi mà còn quá nhiều thứ đăng đăng đê đê diễn ra trong đời sống vẫn chưa được thu dọn sạch sẽ, bia rượu cũng chính là một trong những vấn đề của đời sống ấy thôi.
 
Còn thương giống nòi, còn lo lắng cho giống nòi, thì mới có thể bàn đến các giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu tràn lan như hiện nay. Kinh khủng hơn, có người còn nhầm tưởng phải có bia rượu mới là sự tôn trọng hoặc là văn hóa.
 
Nhưng chờ đến đó thì khó lắm, nên tự cá nhân mỗi người phải thương lấy chính mình vậy. Còn giả như thương lấy chính mình quá khó thì có thể nghĩ đến người thân trước khi ngồi vào cuộc rượu.
 
Ít nhất thì cũng nên tập thói quen không điều khiển phương tiện tham gia lưu thông khi đã uống bia rượu vậy. 

Nguồn: CAND

Các tin khác