Thứ Ba, 21/05/2019, 09:16 [GMT+7]

Nhìn lại sau 2 năm thực hiện Nghị định 46 về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông

(Congannghean.vn)-Sau 2 năm triển khai, thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP (NĐ 46) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân được nâng lên rõ rệt, số vụ vi phạm trật tự ATGT giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì các lực lượng chức năng kiến nghị cần nâng cao mức phạt với một số hành vi vi phạm mới đủ sức răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An kiểm tra lái xe khi tham gia giao thông
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An kiểm tra lái xe khi tham gia giao thông

Góp phần kéo giảm TNGT

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, NĐ 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nhằm thay thế, bổ sung cho NĐ 171/2013 và NĐ 107/2014. NĐ 46 được ban hành trên tinh thần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ với các mức phạt tăng mạnh nhằm tạo sự răn đe và nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Trong đó có 105 lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ được tăng nặng mức xử phạt. Đáng chú ý có việc tăng nặng hình phạt đối với việc lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia. Sau 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.

Theo quan sát của phóng viên, tại các ngã ba, ngã tư trên trục đường Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trần Phú... của TP Vinh, mỗi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu, đại bộ phận người tham gia giao thông đều chấp hành khá nghiêm túc. Người và phương tiện tham gia giao thông đi lại có trật tự, nề nếp, xe ôtô chở quá tải, quá khổ giảm hẳn so với trước. Vào giờ cao điểm, tại các chốt giao thông trọng yếu, khu vực gần trường học, khi mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, thường xuyên có cán bộ CSGT đứng phân luồng, hướng dẫn điều tiết giao thông, nhằm hạn chế ách tắc giao thông trên địa bàn TP Vinh.

Từ khi NĐ46 có hiệu lực đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 89.747 ca TTKS với 32.5567 lượt CBCS tham gia. Qua đó, đã phát hiện, lập biên bản 321.684 trường hợp vi phạm; xử phạt chuyển ngân sách Nhà nước thu hơn 240 tỉ đồng; tạm giữ 4.919 xe ôtô, 64.303 môtô, xe máy, 2.688 xe máy điện. Nhờ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATGT mà trong năm 2017 và 2018, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí. Theo đó, năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 307 vụ, làm chết 199 người, bị thương 227 người (so với năm 2016, giảm 7 vụ, giảm 5 người chết,  giảm 11 người bị thương). Năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 305 vụ, làm chết 192 người, bị thương 223 người (so với năm 2017, giảm 2 vụ, giảm 7 người chết, giảm 4 người bị thương).

Sau hơn 2 năm thực hiện, NĐ46 tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh đã giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đây là những tín hiệu đáng mừng từ hiệu quả của NĐ, góp phần ổn định tình hình trật tự ATGT, tạo được sự đồng tỉnh, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Cần tăng mức xử phạt các lỗi vi phạm

Có thể thấy, từ khi NĐ 46 có hiệu lực đến nay, tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt nghiêm khắc, mức xử phạt có tính răn đe cao nên ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ được người dân thực hiện khá nghiêm túc.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao, nhất là các vi phạm của người điều khiển phương tiện môtô, xe gắn máy; người điều khiển xe thô sơ chở hàng cồng kềnh; học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện dàn hàng ngang; xe kéo hàng ở nông thôn; lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; vượt đèn đỏ; xe dừng, đỗ sai quy định; chăn thả gia súc trên đường giao thông; xe chở quá khổ, quá tải... Tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù có giảm hơn so với các năm trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện NĐ 46, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về điều kiện con người cũng như cơ sở vật chất.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 46, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của NĐ 46 cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, Sở GTVT đề nghị bổ sung quy định xử phạt các hành vi vi phạm của các Trạm thu phí đường bộ, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng vượt quá tải trọng đối với từng loại xe theo hình thức tăng nặng đối với xe có tải trọng lớn và giảm nhẹ đối với xe có tải trọng nhỏ và đề nghị bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính... Đồng thời, tăng mức phạt đối với các hành vi người điều khiển phương tiện đổ, xả, để chất thải không đảm bảo vệ sinh môi trường, chất độc hại, chất phế thải lên đường sắt hoặc đổ chất độc hại, chất phế thải từ trên tàu xuống đường sắt...

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cũng cho rằng, qua 2 năm thực hiện, NĐ 46 cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong công tác xử phạt của lực lượng chức năng, nhiều hành vi vi phạm cần tăng nặng xử phạt để đủ sức răn đe. Cụ thể, Phòng CSGT đã kiến nghị lên Cục CSGT về việc tăng mức phạt tiền, thời hạn tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hoặc kiểm soát giao thông (hiện tại, mức xử phạt tiền người điều khiển ôtô vi phạm các quy định này theo NĐ 46 là từ 1,2 - 2 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng). Còn hành vi điều khiển môtô rú ga, nẹt pô trong đô thị, khu đông dân cư, hiện chỉ xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, trong khi đây là hành vi vi phạm mang tính cố ý gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong nhân dân, do đó cần tăng mức phạt và bổ sung hình thức tạm giữ phương tiện. Đồng thời, tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy từ 100.000 - 200.000 đồng lên 200.000 - 400.000 đồng; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi buông cả 2 tay khi điều khiển môtô...

Theo ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện cũng tăng cao thời gian qua, gây ra một số vụ TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất bằng tiền đối với cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng, thấp hơn so với mức phạt tiền của đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm đường bộ có phần phức tạp, nguy hiểm hơn. Vì vậy, cần có biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với lái xe sử dụng chất ma túy hoặc gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; không cho phép điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải đối với lái xe gây tai nạn nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn 2 lần trong 1 năm.

.

Cao Loan

.