(Congannghean.vn)-Sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, Cục CSGT Bộ Công an đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra lái xe uống rượu bia và sử dụng ma túy khi tham gia giao thông. Cụ thể, từ ngày 14/1 - 20/2, lực lượng CSGT mở 2 đợt tổng kiểm tra ôtô khách và xe tải các loại để phát hiện, xử lý lái xe có nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chở quá số người, vận chuyển hàng cấm... Kế hoạch đợt 1 được thực hiện từ ngày 21 - 30/1/2019, đợt 2 từ ngày 11 - 20/2/2019. Sau 2 đợt ra quân tổng kiểm tra kéo dài 20 ngày tại các tuyến cao tốc trên cả nước, lực lượng CSGT đã ngăn chặn, xử lý 182 lái xe dương tính với ma túy.
Tổ công tác Trạm CSGT Diễn Châu tiến hành kiểm tra ma túy 1 lái xe tải |
Tại Nghệ An, trong đợt ra quân (từ ngày 21/1- 20/2/2019) thực hiện Kế hoạch 36 của Công an tỉnh về tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng các chất ma túy và vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT đường bộ đã tổng kiểm tra, kiểm soát 1.949 phương tiện, tiến hành lập biên bản 1.289 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, lập biên bản 12 trường hợp sử dụng chất ma túy (gồm 5 xe khách, 3 xe tải, 4 xe taxi). Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 473 trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Trước thực tế trên, việc tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường là rất cần thiết, nhằm đảm bảo TTATGT, ngăn ngừa các vụ TNGT nghiêm trọng có thể xảy ra. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, xử lý trên địa bàn tỉnh, bước đầu cũng đã phát sinh những bất cập. Do quá trình kiểm tra, để phát hiện một lái xe dương tính với ma túy phải mất thời gian khoảng 30 phút, điều này khiến một số lái xe tỏ ra khá bức xúc. Một số đối tượng biết mình vi phạm nên đã tìm cách chống đối như không tiết đủ lượng nước bọt làm ướt thanh ngậm để đưa vào máy kiểm tra, gây khó khăn cho việc kiểm tra. Một số trường hợp khi phát hiện có chốt kiểm tra thì tìm cách né tránh, dừng xe từ xa, đổi lái...
Theo quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Nếu bị phát hiện, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy trong trường hợp có GPLX. Nếu trường hợp người điều khiển phương tiện không có GPLX, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng, phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự; phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự; phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng và các loại xe tương tự.
Lực lượng CSGT lập biên bản lái xe Nguyễn Trường Giang (SN 1987) trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh sử dụng chất ma túy |
Quy định là vậy, thế nhưng trên thực tế cho thấy, có nhiều lỗi vi phạm của người tham gia giao thông nếu căn cứ quy định trên thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục, đặc biệt đối với hành vi sử dụng ma túy dẫn đến TNGT nghiêm trọng. Các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, hiệu quả chưa cao vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này thì họ vẫn có thể đến nơi khác hành nghề.
Để phòng tránh những trường hợp lái xe dùng rượu bia, ma túy gây ra TNGT cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016, tăng hình thức phạt tiền lên gấp nhiều lần so với mức hiện hành và quy định tước giấy phép lái xe vĩnh viễn khi lái xe uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép, hay có dính ma túy mà vẫn điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, cần tăng nặng hình phạt đối với tội “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 260, Bộ luật Hình sự mới đủ sức răn đe, cái gốc của vấn đề mới được giải quyết.
Ngoài việc xử lý nghiêm khắc người trực tiếp gây ra TNGT nghiêm trọng, cần thiết phải xử phạt hình sự nghiêm đối với trách nhiệm của chủ doanh nghiệp hoặc chủ xe khi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe, cũng như sử dụng rượu bia, các chất kích thích, ma túy trước khi cầm lái. Có như vậy, số vụ TNGT đau lòng do lái xe sử dụng ma túy điều khiển phương tiện gây ra trong thời gian tới mới được ngăn chặn triệt để.