(Congannghean.vn)-Năm 2018, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí (so với năm 2017, TNGT giảm 7 vụ, 16 người chết, 4 người bị thương). Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về ATGT và vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo TTATGT cũng không kém phần quan trọng.
Cán bộ Phòng Tham mưu Công an tỉnh tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống pháo nổ và ma túy trong học đường cho hơn 500 giáo viên, học sinh tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: Đình Hưng |
Tuyên truyền - “chìa khóa vàng” đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, năm 2018 (tính từ ngày 16/12/2017 - 15/10/2018), trên địa bàn Nghệ An xảy ra 223 vụ TNGT, làm chết 149 người, bị thương 166 người. So với năm 2017, TNGT giảm 7 vụ, giảm 16 người chết, 4 người bị thương. Để đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), giảm ùn tắc giao thông, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, bên cạnh các giải pháp đang triển khai thì công tác tuyên truyền, PBGDPL về ATGT được xem như “chìa khóa vàng” trong đảm bảo TTATGT. Tình hình TTATGT chỉ được đảm bảo một cách bền vững khi nhận thức và hiểu biết pháp luật về giao thông của các tầng lớp nhân dân được nâng lên.
Năm 2018, với chủ đề “ATGT cho trẻ em” và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác vào tháng cao điểm đảm bảo ATGT cho học sinh đến trường; đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai công tác giáo dục pháp luật ATGT trong ngành Giáo dục.
Đặc biệt, để nâng cao ý thức cho các em học sinh, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công cuộc thi “Rung chuông vàng” để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh; Ban ATGT tỉnh hỗ trợ 6.000 quyển sách, tài liệu dạy học ATGT cho học sinh tiểu học, THCS; Tổ chức hội thi “Tìm hiểu pháp luật ATGT trong các trường học”, phối hợp với các trường học triển khai chương trình trao hơn 75.000 mũ bảo hiểm học sinh bước vào lớp 1 trên địa bàn toàn tỉnh.
Cán bộ CSGT hướng dẫn các em học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Đối với các tầng lớp nhân dân, Ban ATGT chỉ đạo đổi mới về nội dung và hình thức công tác tuyên truyền. Trong năm, Ban ATGT tỉnh đã in ấn và lắp đặt 100 băng rôn, phát hành 1.500 tờ rơi, 1.000 cẩm nang ATGT nông thôn, 9.000 tờ rơi tuyên truyền quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, hơn 2.000 quyển sách hỏi đáp, tuyên truyền quy định về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt…
Kết quả nổi bật nhất là triển khai cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về TTATGT qua internet” trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An; các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ở các khối xóm, khu dân cư… Các tổ chức chính trị như: Mặt trận tổ quốc, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong trường học |
Tuyên truyền phải đi vào chiều sâu
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT chưa thật sự đi vào chiều sâu.
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: "Công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, chủ yếu tập trung vào những đợt cao điểm. Nhiều đơn vị chưa chủ động, thường xuyên trong triển khai các hoạt động tuyên truyền đảm bảo TTATGT. Công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT có sự chuyển biến nhưng chưa thực sự đến được với mọi người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa và lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nội dung còn chung chung, chưa sát với thực tế, chưa tập trung đúng đối tượng; hình thức tuyên truyền chưa sinh động, đa dạng, thiếu sáng tạo, chưa phát huy vai trò của các đoàn thể, chính trị trong hoạt động tuyên truyền".
Đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cũng có nhận xét tương tự khi triển khai công tác đảm bảo TTATGT trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: “Thời gian qua, công tác tuyên truyền về ATGT còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chưa thực sự tác động đến ý thức tham gia giao thông của người dân. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền chưa thực sự thu hút người nghe, chưa sát với một bộ phận đối tượng cần tuyên truyền (nhất là giới trẻ là đối tượng có nguy cơ vi phạm TTATGT)... Vì vậy, thời gian tới, lực lượng CSGT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để nâng cao ý thức người tham gia giao thông nhằm góp phần kéo giảm TNGT ở mức thấp nhất”.
Để đạt được mục tiêu đề ra là TNGT giảm cả 3 tiêu chí; trong đó, giảm ít nhất 5% số người chết vì TNGT so với năm 2018 và thực hiện Năm ATGT 2019 với chủ đề “Đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy”, Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành, thị tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT trong cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL về TTATGT phải đi vào chiều sâu, đúng nội dung, đúng đối tượng; cần đổi mới về hình thức cũng như nội dung công tác tuyên truyền. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền sâu rộng từ xã, phường đến khu phố, xóm, bản; phát huy hiệu quả hệ thống thông tin xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương, hệ thống truyền thanh các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩm truyền thông như: Tuyên truyền trực quan, lưu động, sử dụng thông điệp, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi, sân khấu hóa về chủ đề ATGT... Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tại nơi cư trú, nhất là đối tượng có nguy cơ gây TNGT. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi người và gia đình chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT.