Đây là thời hạn mà Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, Cục Hàng hải VN, Cục Hàng không Việt Nam phải hoàn thiện các Đề án phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và tăng hiệu quả quản lý khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng biển Hải Phòng.
Các dự án kết nối vùng mang lại ý nghĩa lớn và hiệu quả cao trong phát triển KTXH tại các địa phương khu vực Dự án và kinh tế đất nước |
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập 04 Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Khu vực Đông Nam Bộ; Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; Kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Tại các văn bản giao nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khi triển khai xây dựng Đề án cần làm rõ các vấn đề như phân tích, đánh giá toàn diện hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực; kết nối hạ tầng giao thông với các cảng biển, các khu công nghiệp, các cửa khẩu, các trung tâm chính trị, kinh tế của Vùng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu trong quá trình xây dựng Đề án, Tổng cục ĐBVN phải xác định được nhu cầu vận tải, đánh giá tiềm năng, lợi thế của khu vực, xu thế phát triển ảnh hưởng đến phát triển kết cấu hạ tầng khu vực, kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong khu vực, đặc biệt kết nối các cảng biển, các khu công nghiệp, các cửa khẩu, các trung tâm chính tri, kinh tế của Vùng.
“ Nội dung Đề án phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án, hình thức đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực. Hoàn thiện Đề án và trình Bộ GTVT trong tháng 4/2019”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam lập Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng, bao gồm các khu bến của Cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện.
Văn bản yêu cầu nội dung Đề án phải phân tích, đánh giá được toàn diện vai trò, thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết nối hạ tầng giao thông đối với cảng, khu vực xung quanh cảng. Đồng thời, Đề án phải dự báo được nhu cầu hàng hóa (chủng loại, số lượng) thông qua, phân bổ và điều tiết lượng hàng hóa đối với cảng biển Hải Phòng, bao gồm các khu bến của cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện.
“Phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối cảng để phát huy hiệu quả khai thác cảng quốc tế đồng thời xây dựng mô hình quản lý cảng biển tại khu bến cảng Lạch Huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Tại Văn bản số 13032/BGTVT-KHĐT ngày 15/11/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) lập Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN phân tích, đánh giá toàn diện, thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực; hạ tầng giao thông kết nối đối với cảng, với hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực, đặc biệt kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục HKVN cần xác định nhu cầu vận tải, các cơ hội và thách thức đối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Phân bổ, cân đối cung cầu hành khách tới các cảng hàng không đã được đầu tư trong phạm vi ảnh hưởng của Cảng HKQT Long Thành; xây dựng giải pháp thu hút hành khách trung chuyển về cảng hàng không quốc tế, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
“Cục HKVN phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối với cảng để khai thác hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (có xét đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất). Đồng thời, xây dựng mô hình quản lý cảng HKQT Long Thành đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.
Được biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu 6 Đề án nói trên phải hoàn thiện và trình Bộ GTVT trong tháng 4/2019. Khi các Đề án hoàn thành sẽ tạo sự kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tất cả các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không và đường sắt, từ đó phát huy tốt đa năng lực thế mạnh vận tải của từng lĩnh vực.
Không chỉ vậy, khi hạ tầng giao thông được kết nối tốt sẽ nâng cao công suất khai thác của hệ thống cảng biển Lạch Huyện, Cái Mép - Thi Vải... phát triển mạnh vận tải đa phương thức; chia sẻ áp lực vận tải đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông cũng như hệ thống đường bộ quốc gia. Việc kết nối giao thông khu vực, các trung tâm kinh tế và các thành phố lớn sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, khu vực và cả nước.