An toàn giao thông
Gỡ khó vỉa hè đô thị
(Congannghean.vn)-TP Vinh đang tiến nhanh trên con đường đô thị hóa, diện mạo phố phường ngày càng khởi sắc hơn với các công trình, dự án khang trang, hiện đại. Công tác chỉnh trang đô thị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH), trong đó có an toàn giao thông (ATGT) là nhiệm vụ được lãnh đạo các ban, ngành thành phố rất quan tâm. Làm thế nào để quản lý, khai thác hiệu quả vỉa hè đang là trăn trở của các cấp, ngành, lãnh đạo thành phố. Trong góc nhìn về đô thị văn minh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An.
Trong thời gian qua, TP Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp để khai thác tối đa hiệu quả vỉa hè trên các tuyến phố |
Phóng viên: Hiện nay, tình trạng tắc nghẽn cục bộ trên một số tuyến đường đang tăng lên hằng ngày, mặc dù chưa phải là trong dịp nghỉ lễ, Tết. Theo ông, việc cải tạo để sử dụng vỉa hè như thế nào sẽ là hợp lý?
Ông Võ Minh Đức: Vỉa hè dành cho người đi bộ; không được chiếm dụng vỉa hè để làm nơi kinh doanh, họp chợ, buôn bán. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP Vinh có rất nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng, trong khi quỹ đất còn lại dành cho bãi đỗ xe rất hạn chế. Vì vậy, theo tôi, chỉ cần dành tối đa khoảng 2 m bề rộng cho người đi bộ, phần bề rộng còn lại nên thiết kế vị trí đỗ xe tạm thời có cao độ bằng với cao độ mặt đường; lối đi bộ cao hơn từ 10 - 15 cm so với cao độ vị trí đỗ xe máy hoặc xe ôtô (sẽ tiết kiệm được chi phí vật liệu và nhân công) tùy vào bề rộng thực tế. Để hạn chế cắm biển báo gây rườm rà, tại các vị trí đỗ xe nên ký hiệu loại phương tiện được dừng, đỗ bằng hình vẽ kẻ sơn đường.
Để hướng tới 1 thành phố thông minh, hiện đại, khi cải tạo vỉa hè chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp đi kèm, tránh tình trạng năm nào cũng đào xới, ảnh hưởng trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường… Hiện nay, có nhiều đoạn mương thoát nước mặc dù đã được xây dựng kiên cố, sâu, rộng nhưng vẫn chỉ là nơi chứa nước khi mùa mưa đến, gây ô nhiễm. Vì chỉ cần 1 điểm tắc nghẽn trong mương do rác thải, đất cát, vật liệu xây dựng... thì toàn bộ hệ thống mương dài hàng km cũng mất hiệu lực. Lúc này mặt đường trở thành mương thoát nước gây ùn tắc làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Vì thế, theo tôi, khi nghiên cứu phương án cải tạo vỉa hè cần xây rãnh thoát nước nắp thoáng để công nhân đô thị kiểm tra hàng ngày, thông tắc rãnh kịp thời thay vì xây dựng mương kiên cố nhưng không kiểm tra, khơi thông được. Đồng thời, kết hợp phương án xây mương hộp kỹ thuật để hạ đường dây đi ngầm, hạn chế trồng cột điện 2 bên đường và quy hoạch di dời cây xanh ra các tuyến đường mới (hiện tại có nhiều chỗ khoảng cách giữa các cây xấp xỉ chỉ 1 m, làm che khuất tầm nhìn và dễ gãy đổ, nguy hiểm cho người tham gia giao thông), đảm bảo đủ khoảng trống cho vị trí đỗ xe tạm thời (tối thiểu 4 m) để tăng thêm các vị trí đỗ xe, tạo mặt đường thông thoáng, hạn chế ùn tắc giao thông.
Phóng viên: Theo ông, cần có cơ chế gì để đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong việc sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe?
Ông Võ Minh Đức: Cần quy định mức thu phí đỗ xe cụ thể cho từng tuyến đường, vì vỉa hè là “một miếng bánh chung”, người sử dụng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ. Điều này cũng góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước để tái đầu tư hạ tầng giao thông và tổ chức lại giao thông, đồng thời sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện ra đường khi thấy nhu cầu không thực sự cần thiết. Đối với khu vực trước cổng các cơ quan Nhà nước thì bàn giao cho cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông.
Ở một số vị trí kinh doanh, dễ xảy ra ùn tắc, cản trở giao thông cao, cần áp dụng thu phí đỗ xe cao hơn và thu phí theo thời gian. Vì nếu đỗ xe thu phí, người tiêu dùng sẽ lựa chọn phương tiện khác, từ đó góp phần hạn chế ùn tắc, đồng thời lại không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Người dân có nhiều sự lựa chọn phương tiện trong đi lại để tự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu riêng của bản thân, vừa đáp ứng được yêu cầu chung của xã hội.
Phóng viên: Khi cải tạo vỉa hè, chúng ta cần kết hợp thêm giải pháp gì đi kèm để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thưa ông?
Ông Võ Minh Đức: Thu hẹp bề rộng vỉa hè đối với những tuyến đường có đủ điều kiện làm lối dành riêng cho người đi bộ là việc rất cần thiết, nhưng cơ bản nhất vẫn là chống được tình trạng tái lấn chiếm. Theo đó, phần dành cho người đi bộ chính là ranh giới đỏ ngoài cùng không được bày bán hàng hóa; hàng hóa chỉ được bày bán trong gian nhà, ki-ốt. Lâu nay, do mặt trước nhà thoáng rộng không được quản lý cụ thể nên vỉa hè bị chiếm dụng, hình thành dần thói quen “sống nhờ vỉa hè”. Việc quy định cơ chế, cách thức quản lý thống nhất bắt buộc chủ thể tự chuyển đổi, tự sắp xếp lại để đảm bảo hài hòa về lợi ích chung và riêng. Đây cũng là một nội dung “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần hình thành nét văn minh, trật tự đô thị. Vì vậy, chúng ta cần quy hoạch cụ thể và nhân rộng trên tất cả các tuyến đường có đủ điều kiện cho phép.
Mặt khác, để giảm ùn tắc trên tuyến chính cũng cần phải cấm đỗ xe trên một số tuyến đường phụ không đủ bề rộng của 2 làn xe lưu thông để đảm bảo thông suốt tất cả các tuyến đường trong khu vực. Đây là biện pháp cần thiết để giảm tải áp lực phương tiện giao thông gia tăng đột biến. Về nhiệm vụ, nội dung này phải giao trách nhiệm cụ thể cho khối, phường, xã tự quản, kể cả ở các cổng trường vào thời gian cao điểm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!
Mai Hậu (thực hiện)