(Congannghean.vn)-Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân, nhưng hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm luật vẫn diễn ra khá phổ biến. Những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn tạo ra những hình ảnh không đẹp đối với bộ mặt giao thông trên địa bàn tỉnh.
Người dân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều trên đường Đinh Công Tráng, TP Vinh |
Vòng quanh TP Vinh một buổi sáng, theo quan sát của phóng viên, mặc dù lực lượng CSGT thành phố, Cảnh sát Trật tự - Cơ động tăng cường công tác tuần tra 24/24 giờ tại các chốt giao thông nhưng những hình ảnh người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lấn tuyến, tìm mọi cách chèn lách để vượt lên trước phương tiện khác... vẫn diễn ra ở hầu hết tuyến đường, giao lộ.
Không chỉ trên địa bàn thành phố mà tại địa bàn nông thôn, tình trạng người dân không chấp hành Luật Giao thông đường bộ cũng diễn ra khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các lỗi vi phạm như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Một số người dân mặc dù vẫn mang theo mũ bảo hiểm, nhưng chỉ treo trên xe chứ không sử dụng khi tham gia giao thông. Khi được hỏi, nhiều người dân cho rằng, vì chỉ di chuyển trên những quãng đường ngắn nên việc đội mũ bảo hiểm chỉ thêm vướng víu, nặng đầu. Thậm chí, khi đi làm rẫy, để tiết kiệm nhiên liệu, đỡ mất công trông coi xe, họ thường xuyên chở trên xe 3 - 4 người.
Thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho thấy, số người tham gia giao thông vi phạm ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2016, lực lượng CSGT xử phạt khoảng 99.000 trường hợp vi phạm, với số tiền trên 70 tỉ đồng, thì đến năm 2017, con số vi phạm bị xử phạt là hơn 110.000 trường hợp, với số tiền xử phạt gần 100 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có gần 600.000 lượt vi phạm (tăng 1.000 vụ so thời điểm 2017).
Trung tá Lê Thanh Nghị, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, tình trạng vi phạm trật tự ATGT như đi vào đường cấm, đường một chiều, vượt đèn đỏ, chở ba, không đội mũ bảo hiểm... trên địa bàn tỉnh xảy ra khá phổ biến, nhất là trong lứa tuổi thanh niên, học sinh. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông hiện nay trên địa bàn. Lực lượng CSGT Công an tỉnh ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, xử phạt vi phạm về trật tự ATGT còn thường xuyên tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật giao thông trong các trường học, khu dân cư nhưng tình trạng vi phạm trật tự ATGT vẫn không có chiều hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông, làm chết 85 người, bị thương 95 người.
Nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật giao thông, thời gian qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức, chấp hành tốt pháp luật của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với 584 đợt cho gần 21.000 lượt người ở các khu dân cư; 85 đợt cho 4.652 lượt đối tượng là chủ doanh nghiệp, nhân viên quản lý và lái xe thuộc 98 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải; đồng thời tuyên truyền cá biệt 112 đợt cho 70.000 thanh, thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật về ATGT ở cơ sở.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt các cuộc thi “Rung chuông vàng” để tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh. Phòng còn phối hợp với các cơ quan truyền thông duy trì thường xuyên chuyên mực ATGT trên sóng truyền hình tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT qua hệ thống loa phát thanh tại 10 cum giao lộ trọng điểm trên địa bàn TP Vinh… Tuy nhiên, để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng thì người dân cần tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để xây dựng văn hoá giao thông văn minh, hiện đại.