An toàn giao thông

Cây xanh ở lối rẽ tại các ngã ba, ngã tư xung yếu TP Vinh

'Cha chung không ai khóc'?

09:37, 26/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP Vinh chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, năm 2015, UBND tỉnh có quyết định cho phép TP Vinh mở các đường rẽ phía trước đèn tín hiệu tại các ngã ba, ngã tư xung yếu trên địa bàn thành phố. Công trình được xem là “điểm nhấn” trong việc chỉnh trang đô thị và khắc phục những bất cập về TTATGT. Đến nay, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, tuy nhiên trách nhiệm bàn giao của các bên liên quan chưa được làm rõ, trong khi hệ thống cây xanh của công trình đang bị “thả nổi”, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như hiệu quả dự án.

Cây xanh tại nút lối rẽ Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh bị khô, cháy do không được chăm sóc
Cây xanh tại nút lối rẽ Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh bị khô, cháy do không được chăm sóc

Công trình tiền tỉ hoàn thành, chậm bàn giao

Ngày 22/9/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường ký Quyết định 4249/QĐ.UBND.GT về việc “Cho phép lập dự án đầu tư mở đường rẽ phía trước đèn tín hiệu giao thông tại các ngã ba, ngã tư xung yếu trên địa bàn TP Vinh”. Tiếp đó, ngày 30/10/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền ký Quyết định 5038/QĐ.UBND.GT về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình “Mở đường rẽ phía trước đèn tín hiệu giao thông tại các ngã ba, ngã tư xung yếu trên địa bàn TP Vinh” (tạm gọi là mở lối rẽ).

Theo phê duyệt, công trình thuộc nhóm C cấp III, được thực hiện với hình thức cải tạo và xây dựng mới do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đồng thời giải quyết tình trạng kẹt xe, tắc đường vào mùa mưa, các giờ cao điểm trong ngày trên địa bàn thành phố. Công trình có tổng mức đầu tư 14,1 tỉ đồng (trong đó vốn thi công trên 8,6 tỉ đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh, bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn huy động từ thu phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi có kết quả đấu thầu, hợp đồng thi công giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Vinh (bên A) và nhà thầu là Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (bên B) được ký kết thi công trong thời gian 3 tháng (từ 27/1 - 27/4/2016) với 9 nút mở lối rẽ tại các nút giao thông gồm: Nút giao đường Nguyễn Du - Nguyễn Văn Trỗi; đường Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh; đường Lê Nin - Nguyễn Sỹ Sách; đường Lý Thái Tổ - Xô viết Nghệ Tĩnh (sau đổi tên thành đường Nghệ An - Xiêng Khoảng- Lê Nin); đường Phan Bội Châu - Lê Lợi; đường Nguyễn Văn Cừ - Lê Hồng Phong; đường Lê Hồng Phong - Lê Lợi; đường Lê Hồng Phong - Trường Thi - Phong Đình Cảng - Nguyễn Phong Sắc và đường Nguyễn Sỹ Sách - Hà Huy Tập - Nguyễn Văn Cừ. Phương án kết cấu các lối rẽ được phê duyệt bao gồm: Nền đường nhánh rẽ; áo đường nhánh rẽ; vỉa hè, bó vỉa, bồn hoa cây xanh; mương thoát nước; hố ga thu nước và hệ thống ATGT trên móng bê tông.

Đến nay, sau 2 năm kể từ ngày phê duyệt, thời gian thi công kết thúc, các hạng mục thuộc kết cấu lối rẽ đã được nhà thầu thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng. 9 lối rẽ tại các phường nội thành vốn được xem là “điểm nóng” về tình trạng tắc đường, kẹt xe vào giờ cao điểm cơ bản đã “hạ nhiệt”, góp phần quan trọng đảm bảo sự an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các lối rẽ ở các nút giao thông, ngoài các hạng mục được phê duyệt thi công thì bồn hoa cây xanh đang bị “bỏ ngỏ”, không có tổ chức, cơ quan nào đứng ra đảm nhận duy tu, chăm sóc. Nguyên nhân trên dẫn đến toàn bộ các bồn hoa thuộc công trình phát triển một cách tự nhiên, không được chăm sóc, bảo vệ, làm ảnh hưởng đến không gian chung của đô thị thành phố cũng như sự thiếu đồng bộ giữa các bồn hoa của lối rẽ với bồn hoa cây xanh trên các làn đường vốn có từ trước.

Tại lối lẽ đường Lê Lợi - Lê Hồng Phong, toàn bộ cây xanh được trồng trên bồn hoa phát triển không đồng đều, xen lẫn là nhiều loại cây tạp, cây thân lớn, cỏ dại mọc um tùm; hay như tại các lối rẽ Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh và đường Lê Lợi - Phan Bội Châu, nhiều cụm cỏ cây bị khô héo và chết, bồn cây trông như những hố loang lổ; tại lối rẽ thuộc đường Nguyễn Văn Cừ - Lê Hồng Phong, trên bồn cây hình thành “bãi rác lưu động” và các biển quảng cáo tự phát được lắp đặt đã xâm hại không gian tuyến đường, che khuất tầm nhìn, làm ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông. Đáng chú ý, một số đường nơi có lối rẽ, vật liệu được tập kết ngổn ngang, khuôn viên thi công lối rẽ phía trong bị người dân tận dụng làm nơi kinh doanh, bày bán hàng hóa…, tạo nên cảnh nhếch nhác.

Hệ thống bồn cây tại nút lối rẽ Lê Hồng Phong - Nguyễn Văn Cừ bị tận dụng làm biển quảng cáo
Hệ thống bồn cây tại nút lối rẽ Lê Hồng Phong - Nguyễn Văn Cừ bị tận dụng làm biển quảng cáo

Khó bàn giao 3 bên

Trước thực trạng các bồn hoa cây xanh của công trình phát triển “tự phát”, thiếu sự giám sát, chăm sóc của cơ quan chuyên môn, làm việc với đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Đức Hào, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh cho biết: Thực tế cây xanh, bồn hoa nằm trong công trình được đầu tư xây dựng phát triển không đồng đều, làm mất mỹ quan đô thị, chúng tôi đã nhận ra và cũng có nhiều cuộc trao đổi với phía đơn vị vi công. Dù công trình đã thi công xong nhưng chưa được bàn giao nên vừa khai thác vừa làm. Lý do là trong quá trình thi công, các hạng mục khác phải gián đoạn dẫn đến cây xanh bị chết, buộc phía nhà thầu phải trồng lại lần 2 mới nghiệm thu.

Về nguyên nhân khách quan dẫn đến cây xanh chết là do bố trí hố ga thu nước các lối rẽ dài ngày thi công để đọng nước dẫn đến thừa nước; thêm vào đó là nền đất để trồng cây cạn do dưới mặt đất gốc là bê tông, nên khi chăm sóc, tưới nước sẽ bốc hơi dẫn đến nền nhiệt cao.

Cũng theo ông Hào, hiện tại đơn vị chăm sóc cây xanh của công trình này thuộc đơn vị thi công là Công ty cổ phần Quản lý và phát triển Hạ tầng Đô thị Vinh. Mặc dù công trình đã hoàn thành từ đầu năm 2017 nhưng do ngân sách hạn hẹp nên chưa được quyết toán; ngay cả hạng mục giải phóng mặt bằng cũng chưa được chi trả.

“Nguyên tắc là cây xanh trên thành phố thì Công ty CP Công viên cây xanh quản lý. Tuy nhiên, do thủ tục bên A làm chậm nên chưa tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng nên trách nhiệm hiện tại do bên B. Cũng do chưa bàn giao nên hiện tại nguồn vốn chăm sóc đang sử dụng từ vốn phê duyệt ban đầu. Với công trình này hiện còn thiếu vốn, mới chỉ có 3/8 tỉ đồng thi công. Do đó, việc chăm sóc cây xanh ở đây chưa bố trí nguồn thị chính hàng năm của thành phố”, ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vinh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và phát triển Hạ tầng Đô thị Vinh, đơn vị thi công công trình lại cho rằng: "Công trình này đã bàn giao cho chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã nghiệm thu, còn bàn giao quản lý vận hành khai thác theo đúng mục đích cũng đã tiến hành. Đối với các hạ tầng liên quan như mặt đường, bó vỉa, biển báo, tổ chức phân làn, phân luồng thì Công ty chúng tôi đã đưa vào sử dụng và được đánh giá hiệu quả; còn riêng với cây xanh thì bàn giao đơn vị chăm sóc là Công ty CP Công viên cây xanh thành phố. Cái này chủ đầu tư phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao Công ty CP Công viên cây xanh không tiếp nhận.

Đối với nhà thầu sau khi thi công đợt 1 đã nghiệm thu và yêu cầu thi công hoàn chỉnh lại, chúng tôi đã trồng, chăm bón lại trước Tết âm lịch, sau đó chuyển giao đơn vị tiếp nhận phải có trách nhiệm chăm sóc. Không thể để cây xanh trồng lên hàng năm trời mà không ai chăm sóc, dẫn đến tình trạng “bãi cỏ không phải bãi cỏ, cây xanh không phải cây xanh”. Theo ông Lộc, việc làm rõ trách nhiệm đối với cây xanh tại các lối rẽ thì Ban Quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư và Công ty CP Công viên cây xanh thành phố phải có trách nhiệm trả lời.

Lý giải trước trách nhiệm của đơn vị có chức năng quản lý cây xanh, ông Phan Xuân Bảo, Giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh TP Vinh cho rằng: Đơn vị thi công chưa nghiệm thu bàn giao cho thành phố để bàn giao cho Công ty chăm sóc, quản lý. “Quá trình thi công, đơn vị chúng tôi có gọi điện nói với họ về phương án thi công như nguồn gốc đất, cát cần thiết cho cây xanh phát triển; kỹ thuật thi công, chất lượng cây giống và chăm sóc bảo hành. Toàn bộ cây bạch tuyết và chuỗi ngọc được trồng ở các lối rẽ muốn phát triển phải có phân bón, thi công đảm bảo, kỹ thuật chăm sóc... Dù bàn giao hay chưa thì đơn vị chúng tôi cũng bị mang tiếng, bởi ai cũng biết quản lý, chăm sóc cây xanh là đơn vị chúng tôi. Đúng là nhìn vào cây xanh ở đó thấy nhếch nhác, phản cảm”, ông Bảo giải thích.

Xuân Thống

Các tin khác