(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, Công an các địa phương đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi gây tai nạn giao thông (TNGT), không phối hợp cấp cứu người bị nạn, bỏ mặc hậu quả xảy ra và chạy trốn khỏi hiện trường. Hành vi gây TNGT rồi bỏ trốn không chỉ thể hiện thái độ vô trách nhiệm, mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khó khăn trong điều tra, xác minh
Chiều 12/9/2017, Đội CSGT Công an TP Vinh nhận được tin báo về việc xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng tại địa điểm đối diện cây xăng xã Hưng Chính, TP Vinh. Rất nhanh chóng, Tổ công tác do Đại úy Lê Đăng Khoa, Phó Đội trưởng Đội CSGT có mặt tại hiện trường. Lúc này, ngoài việc thu thập một số mảnh vỡ xe máy còn sót lại tại địa điểm xảy ra tai nạn, người bị hại đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Đại úy Lê Đăng Khoa, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh kiểm tra phương tiện gây tai nạn bỏ trốn |
Nhanh chóng xác minh, Tổ công tác xác định, vào thời điểm trên, nạn nhân là ông Trương Văn Kỳ (SN 1964) trú tại xóm 8, xã Hưng Chính, TP Vinh khi đang di chuyển trên tuyến Quốc lộ 46 thì bất ngờ có 1 xe ôtô đâm từ phía sau rồi nhanh chóng vù ga bỏ trốn. Cú va chạm mạnh khiến ông Kỳ bị chấn thương sọ não. Trong khi đó, những người có mặt tại hiện trường cũng không nhớ rõ chi tiết nào về phương tiện gây tai nạn.
Quá trình điều tra, xác minh xe gây tai nạn bước đầu tưởng như đi vào ngõ cụt. Không có thêm thông tin từ nạn nhân và bị hại, Tổ công tác quyết định thu thập hình ảnh liên quan. Sau một thời gian trích xuất hàng nghìn hình ảnh từ camera kết hợp với các thông tin thu thập được, Tổ công tác phát hiện chi tiết quan trọng: Chiếc xe gây tai nạn có đặc điểm vành la zăng màu đen, hiệu Kia, màu sơn bạc. Tuy nhiên, hầu hết các dòng xe Kia như trên đều sản xuất đều có vành la zăng màu trắng, việc sơn màu đen là do chủ nhân “độ” lại. Đây được xem là mấu chốt quan trọng để Tổ công tác nhanh chóng điều tra. Tuy nhiên, với hàng nghìn phương tiện lưu thông mỗi ngày, làm sao để tìm ra phương tiện cần tìm lại không đơn giản chút nào.
Xác định cú va chạm với xe của ông Kỳ rất mạnh nên chắc chắn xe ôtô sẽ bị hư hỏng nặng, phải đưa đi sửa chữa. Vậy là ròng rã hàng tháng trời, Tổ công tác vừa tiến hành thu thập, xác minh, vừa kết hợp với công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT, tập trung quan sát, phát hiện đặc điểm xe nghi vấn; đồng thời, phối hợp với các đội nghiệp vụ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sửa chữa xe ôtô để sớm phát hiện điểm nghi vấn.
Chiếc xe có vành la zăng màu đen gây tai nạn bị tạm giữ |
Kiên trì điều tra, sau gần 2 tháng, phương tiện gây tai nạn vào chiều 12/9 đã bị phát hiện. Đó là xe ôtô BKS 37A-321.75, chủ phương tiện cũng nhanh chóng được xác định là Cao Đăng Dần trú tại huyện Yên Thành. Bước đầu, tại cơ quan điều tra, Dần quanh co chối tội, không chịu thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, trước những chứng cứ và lập luận sắc bén của Tổ công tác, Dần đã phải cúi đầu nhận tội.
Theo đó, sau khi gây tai nạn với ông Kỳ, Dần nhanh chóng đưa xe đi sửa chữa để che giấu tội lỗi. Tuy nhiên, mọi hành vi của Dần đã bị phát hiện nhanh chóng. Sớm tìm ra người gây tai nạn, đòi lại công bằng, gia đình ông Kỳ đã viết thư gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Công an TP Vinh và Tổ công tác đã nhanh chóng xác minh, điều tra vụ việc.
Trước đó, Đội CSGT Công an TP Vinh cũng vừa điều tra vụ gây tai nạn rồi bỏ trốn tại tuyến đường Phạm Đình Toái, TP Vinh. Vụ việc xảy ra vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 8/2, khiến 3 người bị thương nặng. Thời điểm khuya vắng, ít người qua lại, cộng với bị hại hầu như không nhớ nhiều về đặc điểm phương tiện gây án. Tuy nhiên, với quyết tâm nhanh chóng điều tra, từ chi tiết phương tiện gây tai nạn có đặc điểm giống xe cứu thương, sau 8 giờ đồng hồ, Đội CSGT đã xác định được đối tượng gây ra vụ tai nạn nói trên.
Trong thời gian qua, nhiều lái xe đã phải nhận mức án nghiêm minh khi bỏ trốn sau khi gây tai nạn. Như trường hợp của Nguyễn Quang Hiếu (28 tuổi) trú tại huyện Thanh Chương, phải nhận mức án 15 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiến giao thông đường bộ”.
Sự việc diễn ra vào đêm 26/6/2017 tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Hiếu điều khiển xe ôtô gây tai nạn với xe môtô do người bố điều khiển chở theo 3 con nhỏ. Hậu quả, cháu bé 7 tuổi bị tử vong, 3 người còn lại bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn nghiêm trọng, giữa đêm khuya, Hiếu không đưa nạn nhân đi cấp cứu mà bỏ trốn. Theo như Hiếu khai nhận, do lúc đó vì quá sợ nên mới bỏ trốn.
Trên thực tế, việc điều tra những vụ gây tai nạn rồi bỏ trốn gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì thời điểm xảy ra tai nạn thường là đêm khuya, tại nơi vắng vẻ, ít người qua lại nên việc thu thập thông tin của nạn nhân và nhân chứng hầu như không có. Mặt khác, đối tượng sau khi gây tai nạn, thường cố tìm cách xóa dấu vết nên việc xác minh như “mò kim đáy bể”. “Có khi chỉ là một số trong BKS, có lúc lại là một đặc điểm rất nhỏ trong phương tiện, tất cả đều được xem là nút thắt quan trọng để điều tra người gây tai nạn rồi bỏ trốn”, Đại úy Lê Đăng Khoa cho biết.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Hiện nay, các quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi xảy ra tai nạn rất cụ thể. Theo quy định tại Điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau: 1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất; c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5, Nghị định 46/2016 quy định, người điều khiển, người được chở trên ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng. Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm… Tùy theo mức độ thiệt hại, hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn còn bị truy cứu mức phạt nghiêm khắc hơn.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2017, Công an Nghệ An đã khởi tố 5 tài xế về hành vi gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn. Những tài xế này chỉ vì một phút suy nghĩ lệch lạc mà không dám chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây ra. Hậu quả không những khiến nạn nhân có thể mất mạng mà còn đẩy gia đình, vợ con mình vào hoàn cảnh khó khăn. Nhất là đối với những người phải ngồi tù. Thực tế cho thấy, những tài xế biết chịu trách nhiệm, hỗ trợ người bị thương cấp cứu sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Trên thực tế, trong nhiều vụ TNGT, các gia đình nạn nhân đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tài xế gây tai nạn. Lúc xét xử, tòa án cũng xét các tình tiết giảm nhẹ đối với người đưa nạn nhân đi cấp cứu và bồi thường thiệt hại. Do đó, hầu hết họ đều chỉ phải nhận mức án tù treo, có nghĩa là được ở với vợ con, gia đình, xã hội. Còn với hành vi bỏ trốn là tình tiết tăng nặng trước tòa. Điển hình như trường hợp tài xế Nguyễn Quang Hiếu. Nếu có trách nhiệm hơn với người bị hại sau khi gây tai nạn chết người thì rất có thể Hiếu đã không phải ngồi tù với mức án 15 tháng.
Ngoài việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho các lái xe là yêu cầu cần thiết trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, ngoài việc sơ cứu người bị thương, các nhân chứng nhớ đặc điểm phương tiện gây tai nạn cũng là yếu tố quan trọng để việc điều tra, xác minh được thuận lợi hơn.