Dịch vụ “xe ôm” công nghệ ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy vậy, sau một thời gian hoạt động, loại hình dịch vụ này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT và tai nạn giao thông…
Trên nhiều tuyến đường Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh lái “xe ôm” công nghệ mặc đồng phục lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ để kịp giờ đón khách, thậm chí có lái xe vừa chở khách, vừa chở hàng, vừa giao dịch với khách qua điện thoại khiến không ít người tham gia giao thông nhiều phen hú vía.
“Xe ôm” công nghệ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: LAM THANH |
Vừa ngồi trên xe vừa run
Đến thời điểm hiện tại, mâu thuẫn giữa “xe ôm” công nghệ và “xe ôm” truyền thống vẫn tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự. Cách đây không lâu, tại quận Bình Tân, TP.HCM, 40 lái xe GrabBike đã tụ tập để đi trả thù cho đồng nghiệp. Hậu quả, một số người đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, hiện có nhiều GrabBike “chui”, tuy mặc đồng phục GrabBike nhưng thực tế là “xe ôm” tự do, không thông qua ứng dụng, thường xuyên chèo kéo, “chặt chém” hành khách.
Nhận xét về loại hình dịch vụ vận chuyển này, chị Nguyễn Thu Hồng - nhân viên ngân hàng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - khách hàng sử dụng dịch vụ khá thường xuyên chia sẻ, thời gian đầu, lái xe GrabBike đi lại khá nghiêm chỉnh, đón khách đúng giờ, thái độ thân thiện, chu đáo, lại chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ khiến khách hàng rất hài lòng. Tuy vậy, gần đây, chất lượng dịch vụ có dấu hiệu đi xuống.
“Mặc dù khách gọi xe đến khá nhanh, song một số lái xe đi rất ẩu, không những vượt đèn đỏ, lao lên vỉa hè, đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian và quãng đường, mà họ còn sẵn sàng chở người quá quy định. Đáng lo ngại nhất là họ vừa lái xe vừa liên tục trả lời điện thoại nên điều khiển xe mất tập trung, khiến khách ngồi sau giật mình thon thót” - chị Hồng thở dài.
Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền, xử lý hình sự
Liên quan đến hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của một số lái “xe ôm”, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu lái xe lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều, vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, chở quá số người quy định… họ sẽ bị xử lý hành chính với số tiền phạt tương ứng. Trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây tai nạn, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…
Ngoài ra, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đã chỉ rõ, người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy khi đang tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Tuy vậy, do đặc thù là “xe ôm” công nghệ nên các lái xe này vẫn thường xuyên sử dụng điện thoại khi đang chở khách, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Do vậy, để đảm bảo an toàn, hành khách sử dụng dịch vụ “xe ôm” công nghệ để di chuyển cần thận trọng, có thái độ kiên quyết phản đối với những lái xe vi phạm luật, nhanh chóng phản hồi đến hãng về chất lượng dịch vụ, đồng thời yêu cầu bên cung cấp dịch vụ chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường trong trường hợp xảy ra tai nạn, lưu lại thông tin về hành trình, tên, tuổi lái xe để có bằng chứng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại.
.