Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/sinh-vien-cu-nhan-do-xo-di-chay-xe-om-loi-khong-cua-rieng-ai-756300/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/sinh-vien-cu-nhan-do-xo-di-chay-xe-om-loi-khong-cua-rieng-ai-756300/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sinh viên, cử nhân đổ xô đi chạy xe ôm: Lỗi không của riêng ai - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 08/09/2017, 16:20 [GMT+7]

Sinh viên, cử nhân đổ xô đi chạy xe ôm: Lỗi không của riêng ai

Một vài năm gần đây rất nhiều bạn sinh viên, thậm chí cả những cử nhân đua nhau đăng ký tham gia xe ôm cho hãng Uber và Grab. Bên cạnh những rủi ro của nghề, nhiều người đã phải trả giá khi "trao sự nghiệp" của mình cho nghề xe ôm.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này báo hiệu một nền giáo dục không ổn. Thực tế này buộc phải nhìn lại từ công tác đào tạo, tuyển dụng đến cả kỹ năng thích ứng của người lao động.
 
Để trở thành một anh xe ôm chuyên nghiệp, không bị gò bó thời gian, mức lương tương đối thực sự không mấy khó khăn.Thủ tục hồ sơ đăng ký rất đơn giản, có xe máy hoặc ôtô, sức khỏe và thêm độ nhiệt tình… ai cũng có thể trở thành nhân viên chính thức hãng taxi - xe ôm của Grab và Uber. Đây là hình thức làm thêm được rất nhiều bạn sinh viên ở mọi ngành nghề có thể làm được.Nhiều bạn sinh viên lựa chọn đi làm xe ôm đơn giản vì thu nhập tốt, lại không bị gò bó thời gian, không ảnh hưởng đến lịch học tại trường cũng như tại nhà.
 
Bạn Ngô Văn Thắng (sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Quốc gia) chia sẻ: "Bọn em ở quê lên thành phố học nên thiếu thốn đủ bề, cũng muốn đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Trước em có đi làm gia sư, phục vụ quán cà phê, tiếp thị… nhưng thời gian thì cố định, rất gò bó nên gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lịch học. Thời gian qua rộ lên phong trào chạy xe ôm qua ứng dụng GrabBike có thể kiếm vài triệu mỗi tháng, thời gian thì rất chủ động. Chính vì thế em quyết định đi chạy xe ôm".
 
Qua tìm hiểu, đây là dịch vụ gọi xe ôm trên ứng dụng điện thoại smarphone vừa được GrabTaxi triển khai. Giá cước xe ôm gọi qua ứng dụng GrabBike này là 9.000 đồng cho 2km đầu tiên, từ km thứ 4 là 3.000 đồng/km.
 
Tương tự những ứng dụng đặt taxi khác đang vận hành ở Việt Nam như Uber, Easy, hành khách sẽ được biết thông tin tài xế ôm (tên, ảnh nhận diện, biển số xe, số điện thoại) trước khi lên xe.Nói về dịch vụ này, anh Lê Công M (một nhân viên tư vấn của hãng Grab Taxi Việt Nam) cho hay: "Muốn trở thành tài xế xe ôm GrabBike, các ứng viên cần có xe máy, smartphone Android tích hợp 3G và GPS (tính năng định vị).
 
Ngoài ra, ứng viên còn phải chuẩn bị các loại giấy tờ tùy thân như CMND, bản sao hộ khẩu có công chứng, bản sao bằng lái xe, giấy đăng ký xe máy. Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ thêm mũ bảo hiểm, áo mưa, áo đồng phục và dịch vụ 3G tháng đầu tiên "hành nghề".
 
Rõ ràng, với tiện ích của nó thì chạy xe ôm thời công nghệ được nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên ưa thích. Khi đi học, hay về nhà, các bạn đều có thể bắt được khách, vừa tiết kiệm tiền xăng vừa tăng thu nhập. Nếu nghiêm túc, làm việc chăm chỉ, các bạn có thể kiếm được vài triệu/tháng.
 Đội quân xe ôm “soái ca” của hãng Grap.
Đội quân xe ôm “soái ca” của hãng Grap.
Bạn Nguyễn Thị Thu (cựu sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) chia sẻ: "Em học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, ra trường hơn một năm nhưng vẫn chưa xin được việc. Đành lòng mua xe máy tham gia chạy xe ôm cho hãng GrabBike kiếm thêm thu nhập, duy trì cuộc sống ở thành phố".
 
Theo như các bạn đã từng làm xe ôm thời công nghệ thì để hành được nghề này phải là người hiểu, thuộc đường thành phố. Có như vậy mới biết quãng đường đón khách, trả khách ngắn nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất.
 
Thu cho hay, nghề này cũng giống như mình cho người ta đi nhờ xe rồi chia tiền xăng, vì trên đường đến trường, đi về nhà, hay đi chơi cũng dễ dàng bắt được khách. Mỗi ngày bắt được độ 7-8 khách là có thu nhập xấp xỉ 100.000 đồng.
 
Chạy xe ôm cũng được chia làm những cấp bậc khác nhau, có những chế độ ưu đãi khác nhau. Nếu 1 ngày tài xế nào chở được 7 khách trở lên sẽ được liệt vào dạng chuyên nghiệp, dưới con số này là những người chở khách theo hình thức… tiện đường đi kèm với giá rẻ.
 
Theo thống kê công bố công khai của hãng GrabBike thì trung bình người lái xe ôm có thể thu nhập từ 4 đến 7 triệu/tháng, tài xế chuyên nghiệp thu nhập trên 10 triệu, chạy giỏi hơn còn có những khoản phụ thu như thưởng nóng, tri ân…
 
Tuy nhiên, thực tế công việc rất nhiều người gặp phải rủi ro, làm ăn ngày một khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hoàn (cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: "Bây giờ không chỉ các hãng taxi truyền thống chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, các dịch vụ taxi kiểu mới như Uber, Grab, GrabBike ra đời thời gian gần đây cũng đang trong cuộc chiến giữ chân tài xế và khách hàng".
 
Sau khi ra trường, anh Hoàn không xin được việc, anh quyết định không theo nghề đã học mà chuyển sang chạy xe taxi. Ban đầu mới ra đời Uber hay Grab có hỗ trợ thêm để có thu nhập ổn định. Tuy nhiên khi có lượng tài xế lớn rồi thì hãng bắt đầu đưa ra thêm nhiều tiêu chí khắt khe và thu nhập cũng giảm dần.
 
"Gần đây, lượng tài xế tăng mạnh so với thời kỳ tôi bắt đầu vào làm nên số chuyến chạy giảm, tài xế cũng không được trợ giá như trước đây, dẫn đến thu nhập của tôi giảm một nửa. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có lẽ tôi phải chuyển sang làm cho hãng khác" - anh Hoàn tâm sự.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này ngoài đường phố.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này ngoài đường phố.
Suốt quá trình tìm hiểu các bạn sinh viên, cử nhân làm nghề lái xe ôm GrabBike, hay tài xế taxi cho Grab, Uber đều có mong muốn sẽ thay đổi công việc. Đơn giản vì các bạn luôn ý thức được mình là người được ăn học, được đào tạo bài bản và chung nhất họ mong muốn được cống hiến hết mình bằng những gì mình đã được học.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, nghề lái xe ôm GrabBike chỉ phù hợp với các bạn trẻ đang học đại học và mới tốt nghiệp ra trường.Không nên gia tăng đội ngũ cử nhân chạy xe ôm, nó sẽ tạo ra một hiện tượng xã hội mới, báo hiệu một nền giáo dục không ổn.Thực tế này buộc phải nhìn từ công tác đào tạo, tuyển dụng đến kỹ năng thích ứng của người lao động.
 
Một số chuyên gia tư vấn và giảng dạy cho rằng, sự gia tăng đội ngũ xe ôm là cử nhân là do Bộ GD - ĐT và hệ thống các trường đại học không thật sự nghiêm túc quy hoạch cung cầu dự báo nguồn nhân lực trong ngắn hạn và dài hạn.
 
Mở trường, mở ngành tăng chỉ tiêu giáo dục đào tạo tràn lan đã tạo ra nguồn cung dư thừa ở một số ngành nghề.
 
Giảng viên cũng có phần lỗi, bởi khi còn trên ghế nhà trường họ không làm tròn vai trò giáo dục định hướng việc làm cho sinh viên.
 
Việc sinh viên làm thêm bằng cách lái xe ôm không phải là cách tốt, đó chỉ là cách kiếm tiền xổi, thấy lợi trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài, ra trường trong tay sẽ có gì.
 
Thay vì đi chạy xe ôm, sinh viên hoàn toàn có thể tự mày mò, tìm kiếm công việc để hỗ trợ cho những chuyên ngành mình đang theo học.
 
Được sớm va đập, áp dụng những kiến thức từ nhà trường vào trong thực tiễn. Có như vậy khi ra trường các bạn trẻ mới tự tin, đứng vững và vận dụng hết những gì tiếp thu từ nhà trường.
 
Trong một cuộc tọa đàm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia vào chương trình đào tạo của trường đại học.
 
Tiến sĩ Đinh Quang Nương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho rằng, phải để sinh viên thực tập ngay từ năm đầu tiên.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp chính là nơi sử dụng lao động nên cũng cần được tham gia vào trường, xây dựng nội dung đào tạo để sinh viên ra trường mới thích hợp với nhu cầu của doanh nghiệp đặt ra.
 
"Thay vì lao vào chạy xe ôm, các bạn trẻ cần năng động hơn nữa, tự tìm cơ hội của mình hơn nữa. Hãy vận dụng những kiến thức được học, hãy tìm những việc làm phù hợp với chuyên ngành của mình theo học. Có như vậy khi đi làm thực tế mới có hiệu quả và ít bị đào thải" - ông Nương cho biết.
 
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần phần mềm Hà Nội đã chia sẻ lại một câu chuyện đáng buồn. Mới đây ông gặp một ứng viên vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của một trường đại học. Chỉ qua một vài câu hỏi, ông nhận thấy tư duy của ứng viên này thực sự chỉ phù hợp với nghề… lái xe ôm. 
 
"Công việc mà chúng tôi tuyển dụng, tất yếu là khó và vất vả hơn nhiều so với nghề xe ôm. Trong khi đó, các bạn lầm tưởng về nghề nghiệp đồng thời khi bước chân vào nghề, không làm được việc lại thiếu kiên nhẫn, không chịu được sức ép nên muốn chuyển sang nghề ít áp lực hơn".
 
*Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu giáo dục nhận định: Việc các bạn sinh viên, cử nhân tham gia lái xe hai hãng Uber, Grab không phải là hiện tượng ồ ạt và chỉ ở phạm vi hẹp. Họ chỉ coi đó là công việc tạm thời trong khi chờ việc làm mới.
 
Những người hành nghề lái xe Uber, Grab tự nhận biết bên cạnh lợi nhuận trước mắt các bạn sẽ gặp rất nhiều rủi ro, như tiềm ẩn rủi ro về giao thông, sự cố hay tai nạn… người lái xe sẽ lãnh đủ.
 
Mặt khác doanh nghiệp các hãng này chưa có sự ràng buộc chặt chẽ về pháp lý đối với cơ quan quản lý nhà nước về vận tải, do đó quyền lợi hợp pháp của người lao động sẽ bị bỏ ngỏ.
 
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất tấm bằng ĐH đi để chuyển sang học nghề hoặc chỉ để xin được một việc làm phổ thông đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian.
.

Nguồn: Phong Anh/CAND

.