(Congannghean.vn)-Công trình cầu Hải Thượng Lãn Ông bắc qua sông Ngàn Phố đoạn xã Sơn Diệm qua xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang đi vào giai đoạn nước rút được coi là “công trình thế kỷ”, bởi thỏa lòng mong ước của bao thế hệ người dân trong vùng. Song, do công tác giải phóng hành lang an toàn giao thông bị xem nhẹ nên tính mạng của một số hộ dân như “ngàn cân treo sợi tóc”!
Cầu Hải Thượng Lãn Ông bắc qua sông Ngàn Phố gây nguy hiểm đến 2 hộ dân |
Công trình thế kỷ
Công trình cầu Hải Thượng Lãn Ông thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường từ QL8A vào trung tâm xã Sơn Quang đi xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư. Riêng vốn đầu tư cho công trình có giá trị xây lắp hơn 72 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Công trình được khởi công vào tháng 3/2016, đến nay đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc và đang vào giai đoạn nước rút.
Đây được coi là chiếc cầu đường bộ có quy mô lớn nhất tại huyện Hương Sơn hiện nay được thiết kế vĩnh cửu; tải trọng HL93; kết cấu gồm 8 nhịp đơn dầm T 33 m, khổ cầu rộng 9 m, mặt cắt ngang cầu gồm 4 dầm chữ T bằng BTCT DWL dài 33 m; bệ móng mố trụ được đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi; trụ cầu cao nhất hơn 13 m kể từ đỉnh bệ nằm ở giữa và chiều dài toàn cầu 324,95 m nên có khả năng vượt lũ trong mọi điều kiện.
Cũng bởi tầm quy mô cùng với lợi ích thiết thực của dự án nên chính quyền địa phương và nhân dân đã đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có 2 hộ dân ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang đã định cư từ lâu và đều làm nhà ở kiên cố trước năm 2007, là hộ ông Trần Văn Ngọ (SN 1966) và hộ ông Dương Văn Hồng (SN 1978) hoàn toàn nằm trong phạm vi ảnh hưởng về an toàn giao thông cần được di dời ngay bởi tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường.
Xem thường tính mạng người dân
Tổng dự án đầu tư xây dựng đường vào trung tâm xã Sơn Quang đi Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phần chi phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng gần 3 tỉ đồng, trong đó gồm cả hạng mục cầu Hải Thượng Lãn Ông. Cũng bởi nguồn vốn hạn hẹp nên UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo chính quyền địa phương các xã có dự án đi qua vận động người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án được thực thi.
Tuy nhiên, đối với trường hợp 2 hộ ông Trần Văn Ngọ và ông Dương Văn Hồng thì chủ đầu tư cần phải có giải pháp di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, bởi nhà ở của họ chỉ nằm cách chân đường chưa đầy 2 m. Trong lúc đó, tuyến giao thông này là đường cấp 4, theo quy định, phạm vi ATGT phải trên 15 m tính từ mép chân đường.
Trả lời về nội dung này, ông Trần Quốc Pháp, Trưởng ban Dự án huyện Hương Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện cho biết: Hiện nay, công trình đang thi công chỉ cách mép nhà ở của ông Trần Văn Ngọ và ông Dương Văn Hồng mỗi bên một chiếc mương thoát nước nhỏ nên không thể tránh khỏi rung lắc, tiếng ồn, bụi bặm và hiện tượng nước tràn vào nhà khi có mưa do mương bị san lấp.
Ông Pháp cũng thừa nhận, sau khi đường dẫn làm xong, mặc dù mặt đường chỉ thu hẹp ngang với chiều rộng mặt cầu, nhưng nhà ở của 2 hộ dân này vẫn nằm trong hành lang ảnh hưởng ATGT. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, trong lúc công trình cần thi công kịp thời trước mùa mưa nên chưa thể thống nhất đánh giá mức độ tác hại để hỗ trợ, bồi thường cho dân.
Được biết, 2 bên đường dẫn sẽ được bố trí hàng chắn bằng sắt để không cho trâu bò qua lại nhưng nguy hiểm vẫn rình rập trên đầu 2 hộ gia đình trên. Bởi chỉ cần một hòn đá văng từ trên đường xuống cũng có thể gây ra tai nạn chết người. Nếu không may xảy ra tai nạn giao thông, các phương tiện sẽ bị lật xuống nhà dân thì tai họa sẽ còn khôn lường! Không chỉ vậy, tiếng ồn, bụi bặm và độ rung lắc mạnh do các phương tiện giao thông qua lại hàng ngày cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, để đảm bảo phạm vi hành lang ATGT, chủ đầu tư cần sớm đưa ra phương án giải tỏa, hỗ trợ bồi thường di dời tại chỗ đối với 2 hộ dân trên, tránh những hiểm họa về sau.