An toàn giao thông
Xung quanh việc xử phạt 'xe không chính chủ'
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, dư luận xôn xao, thậm chí hoang mang, lo lắng trước thông tin quy định, từ ngày 1/1/2017, cá nhân sử dụng xe máy không chính chủ sẽ bị xử phạt khi tham gia giao thông. Vậy, hiểu như thế nào cho đúng về quy định này?
Từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ xử phạt "xe không chính chủ" nếu phát hiện được thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ TNGT hoặc làm thủ tục tại các cơ quan chức năng |
Theo sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đối với CSGT các địa phương, phải vận động người dân trước ngày 31/12/2016 nên làm thủ tục sang tên môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ hoặc chứng từ không đầy đủ.
Với trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị không được để tồn, phải giải quyết trước ngày 1/1/2017 bởi sau ngày này, theo Điều 30 Nghị định 46, CSGT sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình). Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".
Cũng cần nói thêm rằng, việc xử phạt chủ phương tiện ôtô, xe máy không chuyển quyền sở hữu không phải là vấn đề mới mà đã được quy định trong các nghị định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ như Nghị định 15/2003, Nghị định 152/2005, Nghị định 146/2007, Nghị định 34/2010, Nghị định 71/2012 và mới đây nhất là Nghị định 46/2016.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, sau nhiều lý do bị dừng lại để điều chỉnh, sau nhiều năm, công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ được đơn giản hóa nhưng người dân vẫn cố tình không chấp hành nên phải có biện pháp xử phạt hành chính và mốc cuối với các chủ phương tiện vào cuối năm 2016. Căn cứ Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, nếu không thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, người đứng tên đăng ký xe phải tiếp tục chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng.
Đối với việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ, theo Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An thì lực lượng CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. CSGT chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông, hay qua công tác quản lý hồ sơ. Tuy nhiên, với lỗi thông thường sẽ không truy tận cùng việc chính chủ hay không mà chỉ thực hiện đối với phương tiện gây ra lỗi nghiêm trọng hoặc khi gây tai nạn giao thông.
Riêng đối với trường hợp xe thuê, cả nhà sử dụng chung một chiếc xe gắn máy, hoặc con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng thì người điều khiển phương tiện chỉ cần mang theo đăng ký phương tiện đi cùng sẽ không bị xử phạt về lỗi này, ngoại trừ trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái... thì phải sang tên theo đúng quy định.
Mục đích của việc thực hiện xử phạt “xe không chính chủ” là để tác động tới ý thức của chủ phương tiện về việc đảm bảo tài sản, phương tiện của mình, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có khi không sang tên.
CSGT chỉ xử phạt “xe không chính chủ” thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông hoặc qua công tác làm thủ tục tại cơ quan chức năng |
Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra nhưng phương tiện gây tai nạn không chính chủ khiến lực lượng CSGT và cơ quan hữu quan phải mất rất nhiều thời gian để điều tra, xác minh. Do đó, khuyến khích người dân sang tên, đổi chủ “chính chủ” sẽ khắc phục được tình trạng này. Đối với chủ xe không sang tên, đổi chủ khi mua, được cho, tặng xe, nếu giao xe cho người khác mà người này gây tai nạn thì chủ xe có trách nhiệm liên đới với người gây tai nạn bồi thường.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Đại Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tại Nghệ An cho rằng, với đại đa số người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn, thành thị thì xe máy là tài sản lớn. Tuy nhiên, quá trình giao dịch mua bán, người bán thường có động thái giao toàn bộ hồ sơ cho người mua, thủ tục sang tên, đổi chủ là do người mua thực hiện nhưng khi giao dịch thành công, rất ít người thực hiện thủ tục này. Do đó, nếu khi xảy ra sự việc buộc phải xác minh, cũng rất khó để xác định là người này đang đi xe “không chính chủ” hay đi xe mượn.
Mặc dù còn nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc thực hiện xử phạt chủ phương tiện ôtô, xe máy không chuyển quyền sở hữu theo Nghị định 46/CP của Chính phủ, song mục đích chính của việc làm này là để khuyến khích người dân sang tên, đổi chủ chính chủ khi thực hiện giao dịch mua, bán các phương tiện đã qua sử dụng. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện xe gắn máy khi tham gia giao thông, vừa tránh những phiền phức cho người dân lẫn cơ quan chức năng khi xảy ra các sự cố liên quan đến phương tiện này. Đặc biệt, đối với phương tiện nhiều khi là vật chứng của các vụ án, nếu không chính chủ, quá trình điều tra sẽ bị hạn chế thông tin bởi biển kiểm soát, đặc điểm phương tiện có thể là căn cứ để lực lượng Công an xác minh, xác định tội phạm.
Thiên Thảo