Pháp luật

Vai trò của lực lượng CSGT Việt Nam trong hội nhập quốc tế về giao thông vận tải

14:47, 21/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Hợp tác quốc tế về trật tự an toàn giao thông tạo điều kiện cho các quốc gia cùng nhau bàn bạc, thống nhất giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, những hệ quả, mặt trái của hoạt động giao thông vận tải gây ra như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường...

Hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế khách quan trên thế giới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra những thời cơ, điều kiện thuận lợi cho các quốc gia ổn định và phát triển.

Hợp tác quốc tế về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) không những tạo điều kiện cho các quốc gia cùng nhau bàn bạc, thống nhất giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, những hệ quả, mặt trái của hoạt động giao thông vận tải gây ra như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường..., mà còn là cơ hội để các quốc gia thảo luận, trao đổi, chuyển giao những kinh nghiệm, công nghệ, trình độ quản lý TTATGT, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách. Đây cũng là cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam học hỏi, tiếp thu, kế thừa những kiến thức, kỹ năng quản lý TTATGT cho mình.

Lực lượng CSGT Công an Việt Nam luôn trau dồi kiến thức, nghiệp vụ để phục vụ tốt quá trình hội nhập.
Lực lượng CSGT Công an Việt Nam luôn trau dồi kiến thức, nghiệp vụ để phục vụ tốt quá trình hội nhập.

Vì vậy, những năm qua, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trên lĩnh vực đường bộ, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận ba bên Việt Nam, Lào và Campuchia về vận tải đường bộ; Hiệp định Việt Nam, Lào và Thái Lan về vận chuyển khách du lịch; Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gọi tắt là Hiệp định GMS- CBTA; Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia (AFAFIST); Hiệp định liên Chính phủ về mạng đường bộ châu Á chạy qua Việt Nam theo một số tuyến AH (Asian Highway); Gia nhập Công ước quốc tế về giao thông đường bộ 1968.

Đối với lĩnh vực đường sắt, nước ta là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đàm phán ký kết Hiệp định mạng đường sắt xuyên Á nằm trên lãnh thổ Việt Nam sẽ kết nối Việt Nam với Campuchia tại Lộc Ninh, Bình Phước, nối với đường sắt thống nhất và kết thúc tại cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Ngoài ra, trên lãnh thổ Việt Nam, tuyến đường sắt còn kết nối với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào thông qua một số tuyến nhánh.

Trong khuôn khổ hợp tác xây dựng tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký Thỏa thuận về địa điểm nối ray đường sắt.

Trên lĩnh vực đường thủy, Việt Nam đã ký Hiệp định với Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy và Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia (AFAFIST).

Vấn đề hội nhập quốc tế về giao thông sẽ tác động trực tiếp đến tình hình TTATGT ở Việt Nam, làm cho nhu cầu tham gia giao thông của người dân tiếp tục tăng cao, gây áp lực không nhỏ đến tình hình TTATGT; tốc độ đô thị hoá nhanh chóng đi liền với sự gia tăng dân số và phát triển thương mại, dịch vụ sẽ làm cho tình hình TTATGT đô thị diễn biến ngày càng phức tạp; sự mở rộng quan hệ và hội nhập quốc tế về lĩnh vực giao thông sẽ làm tăng thêm cường độ, mật độ hoạt động vận tải...

Trong những năm qua, Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo vấn đề hợp tác quốc tế về quản lý TTATGT của lực lượng Công an nhân dân. Đối với lực lượng CSGT, Bộ Công an đã chỉ đạo tham gia nhiều dự án quan trọng về TTATGT; cử nhiều đoàn cán bộ Cảnh sát giao thông tham quan, nghiên cứu, học tập, dự hội nghị, hội thảo... ở nước ngoài để trao đổi các kinh nghiệm về công tác quản lý bảo đảm TTATGT, đồng thời cũng tiếp nhiều đoàn nước ngoài đến Việt Nam để trao đổi, tìm hiểu về công tác này.

Thời gian tới, việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT sẽ ở một cường độ mạnh mẽ hơn, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với lực lượng CSGT.

Trên thực tế, những tác động nêu trên đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết cho công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT. Đó là phải tăng cường quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách; coi trọng công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo TTATGT trên đường cao tốc; siết chặt quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sau sát hạch cấp giấy phép lái xe; nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về TTATGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ pháp luật, ngoại ngữ của người thực thi công vụ trong quản lý nhà nước về TTATGT.

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi và những kết quả đã đạt được, quá trình hội nhập quốc tế về lĩnh vực giao thông vận tải, trước hết là với các nước trong khu vực và lân cận, thực hiện các phụ lục và Nghị định thư về đường bộ của Hiệp định GMS giữa Chính phủ các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải của Việt Nam phải được cải tiến, thích ứng với các quy ước quốc tế. Hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng CSGT cũng phải chuyên nghiệp và nâng cao trình độ hơn và sẽ có một số thay đổi để phù hợp với các quy định quốc tế.

Việc thực hiện các cam kết tại các hiệp định là cho phép các phương tiện nước ngoài vào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là phải đảm bảo TTATGT và giám sát hoạt động của phương tiện nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, mặt khác vẫn phải tạo thuận lợi và đối xử bình đẳng với người, phương tiện và hàng hóa khi di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Do vậy, lực lượng CSGT phải trang bị cho mình kiến thức về các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng và trong khu vực về giao thông vận tải trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa  để hiểu rõ các cam kết, cơ chế của từng điều ước. Từ đó, xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, cần phát hiện những vấn đề bất cập trong việc thực hiện các cam kết để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp trong nước cũng như các điều ước quốc tế. Tổ chức các diễn đàn CSGT các nước trong khu vực và trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm, giải quyết những phát sinh về bảo đảm TTATGT trong quá trình hội nhập.

Đồng thời, lực lượng CSGT phải nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để xử lý các vấn đề phát sinh khi thực hiện các điều ước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ tiên tiến, các thiết bị kỹ thuật hiện đại trong giám sát, xử lý vi phạm, cũng như phối hợp điều hành giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác