Pháp luật

Tại xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Có hay không chính quyền xã cho khai thác đất rồi thu tiền?

08:03, 18/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-1 m3 đất sau khi khai thác, các chủ máy xúc phải nộp cho UBND xã 2.000 đồng. Điều đáng nói là việc thu khoản tiền trên không hề có hóa đơn, chứng từ, kể cả giấy viết tay… Đó là những thông tin chúng tôi nhận được từ phản ánh của người dân ở xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành.

Theo phản ánh của người dân, thời gian vừa qua, tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã diễn ra tràn lan, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường sá, khiến nhiều người rất bất bình. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu những phản ánh trên đúng sự thật thì vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đang ở đâu, khi mà mỗi ngày có hàng trăm m3 đất đá bị đào bới, khai thác và mang ra khỏi địa bàn?

Nhiều vị trí khai thác đất trái phép ở xã Mỹ Thành diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để
Nhiều vị trí khai thác đất trái phép ở xã Mỹ Thành diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để

Ngày 9/11, phóng viên có mặt tại xã Mỹ Thành để tìm hiểu sự việc. Thời điểm này do trời mưa kéo dài, cộng với việc Công an huyện Yên Thành vừa bắt 1 vụ khai thác đất trái phép nên hầu như không có điểm khai thác đất nào hoạt động. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu một số điểm khai thác đất trước đó cho thấy, có hàng nghìn m3 đất đá đã được đào bới trong một thời gian dài, nhiều điểm dấu vết khai thác đất để lại còn mới. Thậm chí có những quả đồi nhỏ đã được san lấp, tạo mặt bằng, nay được người dân xây dựng nhà ở kiên cố.

Người dân trên địa bàn xã Mỹ Thành cho biết, sở dĩ hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn tồn tại trong thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để là do có sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương. Điều đó được “mặc cả” bằng việc các chủ máy xúc phải “chung chi” với UBND xã mỗi m3 đất 2.000 đồng.

Theo phản ánh, sau khi các chủ máy khai thác đất, UBND xã sẽ cử cán bộ địa chính đến thống kê khối lượng đất đã múc rồi nhân lên số tiền để nộp. Việc nộp tiền diễn ra trực tiếp giữa chủ máy xúc và cán bộ tài chính của xã nhưng không có hóa đơn, chứng từ nào.

Trao đổi về các nội dung phản ánh trên của công dân, ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: Thời gian vừa qua, hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp. Chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng này, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Thạch, vừa qua, UBND xã Mỹ Thành cũng đã xử phạt một số trường hợp vi phạm, song đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

Ông Thạch cho biết thêm, sở dĩ có việc khai thác đất là do trong Nghị quyết của Đảng ủy xã giai đoạn 2015 - 2020 có chủ trương cải tạo vườn nhà để phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương trên, các gia đình có nhu cầu cải tạo vườn nhà đều phải làm đơn trình UBND xã, khi được kiểm tra, phê duyệt thì mới cho cải tạo. Tuy nhiên, quá trình cải tạo, ngoài việc lấy đất phục vụ các công trình giao thông nông thôn, một số chủ máy đã lợi dụng để khai thác đất bán ra khỏi địa bàn.

Về thông tin phản ánh UBND xã Mỹ Thành thu của các chủ máy xúc 2.000 đồng/m3 đất đã khai thác, ông Thạch thừa nhận là xã có thu tiền nhưng không phải giá 2.000 đồng/m3. Việc này chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của các chủ máy, số tiền thu được mỗi năm khoảng 14 - 15 triệu đồng, sau đó dùng vào việc duy tu đường giao thông nông thôn cho các xóm.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành thừa nhận việc thu tiền khai thác đất nhưng trên tinh thần tự nguyện của các chủ máy xúc
Ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành thừa nhận việc thu tiền khai thác đất nhưng trên tinh thần tự nguyện của các chủ máy xúc

Tuy nhiên, một chủ máy xúc phản ánh với phóng viên, sau khi họ lấy đất ở đâu thì cán bộ xã sẽ đến đó đo đạc, ước lượng khối lượng đất đã khai thác. Dựa trên các số liệu đó, xã thống kê gửi cho các chủ máy xúc nhân với số tiền 2.000 đồng/m3 để nộp cho xã; thậm chí xã còn gửi cả giấy mời lên nộp khoản tiền này. Người này còn cho biết thêm, đợt vừa rồi, riêng gia đình ông đã nộp 6 triệu đồng cho cán bộ tài chính xã Mỹ Thành nhưng không có hóa đơn, chứng từ nào.

Ông Nguyễn Minh Châu trú tại xóm 15, xã Mỹ Thành phản ánh: Gia đình tôi cũng có máy xúc đất. Vừa rồi, xã gửi danh sách thống kê khối lượng đất đã khai thác cho gia đình để nộp tiền nhưng khi tôi hỏi nộp tiền có hóa đơn hay không thì họ bảo không có, vì thế tôi không nộp. Theo ông Châu, cũng vì lý do không nộp tiền nên mỗi khi máy xúc của gia đình ông làm việc ở đâu là bị gây khó khăn. Trong khi đó, gần chục máy khác hoạt động trên địa bàn thì không ai đụng chạm đến.

Còn về phía ông Nguyễn Văn Thạch lại phủ nhận những thông tin ông Châu phản ánh và cho rằng, việc thu tiền của các chủ máy xúc là tự nguyện và thu của ai thì có hóa đơn của Cục Thuế. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận danh sách các chủ máy xúc đã nộp tiền đất và phiếu thu lưu lại thì ông Thạch xin khất lần sau vì lúc này chưa chuẩn bị được.

Được biết, trên địa bàn xã Mỹ Thành hiện có gần 10 máy xúc của các hộ gia đình tự mua sắm, kinh doanh. Trong một thời gian dài, lợi dụng việc cải tạo vườn đồi, các máy xúc này đã khai thác trái phép một lượng đất khá lớn mang ra khỏi địa bàn.

P.V

Các tin khác