An toàn giao thông

Tăng cường xử lý phương tiện chở hàng cồng kềnh

09:29, 01/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Liên tiếp 2 vụ tai nạn do những chiếc xe chở hàng cồng kềnh gây ra tại Thủ đô Hà Nội trong những ngày qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm nguy rình rập khi phương tiện thô sơ chở hàng vẫn hàng ngày hoạt động trên đường phố.

Ẩn họa từ phương tiện chở hàng cồng kềnh

Vào khoảng 14 giờ 40 phút ngày 23/9, trước cửa nhà số 66, đường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, khiến cháu T.M.H. (SN 2007) tử vong. Nguyên nhân được xác định là trong quá trình đạp xe chơi đùa với bạn, do không quan sát phía trước nên cháu H. đã đạp xe lao thẳng vào xe xích lô đang dừng bên vệ đường và bị những tấm tôn trên xe xích lô cứa vào cổ. Mặc dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do mất nhiều máu nên cháu H. đã tử vong.

 Phương tiện chở hàng cồng kềnh lưu thông trên Quốc lộ
Phương tiện chở hàng cồng kềnh lưu thông trên Quốc lộ

Tiếp đó, vào khoảng 13 giờ 45 phút ngày 25/9, anh Trần Hữu Dần (35 tuổi) trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội điều khiển xe máy kéo theo chiếc xe cải tiến chở tôn và cọc tre di chuyển từ Hà Đông về nhà. Khi đi đến Quốc lộ 6 đoạn qua cầu Mai Lĩnh thuộc địa bàn phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội thì chiếc dây chun buộc xe máy với xe cải tiến bị đứt, khiến chiếc xe cải tiến lao sang phía bên kia vệ đường và đâm vào bà Bùi Thị Sâm (54 tuổi) trú tại tỉnh Hòa Bình. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng bà Sâm đã tử vong. Theo kết quả giám định ban đầu của cơ quan Công an, bà Sâm tử vong do chân chống xe cải tiến đâm vào.

2 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong 3 ngày khiến 2 nạn nhân tử vong đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân về hoạt động của các phương tiện chở hàng lưu thông trên đường phố.

Tăng cường xử lý

Ngay sau khi các vụ tai nạn xảy ra, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe môtô, xe cơ giới 3 bánh chở hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới 3 bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ; đồng thời khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh và các loại phương tiện tương tự tại địa phương.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý phương tiện tự chế chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường - Ảnh minh họa
Lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý phương tiện tự chế chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường - Ảnh minh họa

Ban ATGT tỉnh, thành phố đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai thực hiện giai đoạn đầu về Ủy ban ATGT quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2016. Từ tháng 11/2016, đưa kết quả quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh và các loại xe tương tự tại địa phương vào nội dung báo cáo thường kỳ về công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Tại Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm Quy tắc giao thông đường bộ: Phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điểu khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Theo Điều 8, Nghị định 46 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điểu khiển xe thô sơ khác vi phạm Quy tắc giao thông đường bộ quy định: Phạt từ 60.000 - 80.000 đối với người điều khiển xe vi phạm việc xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không đảm bảo an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

Tại Nghệ An, ngày 28/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 43/2014/QĐ-UBND về việc cấm các xe tải có tổng trọng lượng trên 4 tấn đi vào lòng thành phố. Điều này đã nảy sinh tình trạng các loại xe trung chuyển hàng hóa từ các bến xe, cửa ngõ thành phố vào lòng thành phố như xe máy kéo, xe xích lô. Với chi phí rẻ, nhỏ gọn, dễ đi vào đường nhỏ nên chủ các cơ sở kinh doanh và người dân thường chọn các loại phương tiện này để chuyên chở hàng hóa trong thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh vẫn còn tồn tại tình trạng xe xích lô chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn của người điều khiển; xe máy kéo theo xe khác chở hàng hóa…

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh cho biết, trước tình trạng xe xích lô, xe máy kéo theo xe cải tiến chở hàng hóa cồng kềnh ngang nhiên hoạt động, Công an TP Vinh đã chỉ đạo quyết liệt để tập trung xử lý; đồng thời giao cho Công an các phường, xã đến từng khu phố, hộ gia đình để tuyên truyền. Năm 2014, đơn vị đã xử lý 614 trường hợp xe kéo, xe xích lô vi phạm Luật Giao thông đường bộ; năm 2015, xử lý 588 trường hợp; năm 2016 (tính đến thời điểm này), xử lý 134 trường hợp.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Duy Hà, việc xử lý các trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn do những người chạy xích lô, xe máy kéo thường có độ tuổi ngoài 50, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong quá trình phát hiện, xử lý, CBCS đã tăng cường tuyên truyền, giải thích những nguy hiểm của việc chở hàng hóa cồng kềnh đối với người đi đường. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo và do chế tài xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, nhiều người bị xử phạt 3, 4 lần nhưng vẫn tái phạm. Hiện nay, do lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nên tình trạng các phương tiện chở hàng cồng kềnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên, các chủ phương tiện lại hoạt động vào thời gian lực lượng chức năng nghỉ hoặc tìm cách tránh chốt của CSGT.

Phương Thủy

Các tin khác