An toàn giao thông

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ ở khu vực nông thôn

10:06, 12/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở khu vực nông thôn (chiếm 43%), làm 52 người chết, 45 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này phần lớn đều do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân vùng nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo ATGT trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng cấp xã tuần tra đảm bảo ATGT trên địa bàn
Lực lượng chức năng cấp xã tuần tra đảm bảo ATGT trên địa bàn

Đường liên thôn, xã tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao

Những năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh được đầu tư mạnh mẽ. Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hoá, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của người dân. Diện mạo giao thông nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt kéo theo đời sống kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện.

Nhờ đó, người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, vận chuyển, giao thương nông sản, trang bị cho gia đình nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Vì vậy, phương tiện giao thông ngày càng phát triển và gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao; công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát (TTKS) của lực lượng chức năng chưa triệt để. Điều này dẫn đến tình trạng mất ATGT ở khu vực nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Theo quan sát của chúng tôi, tại một số tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay không khó để bắt gặp cảnh người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ, với các lỗi như: Chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông để phơi rơm rạ, tập kết phương tiện máy móc, đốt rơm rạ ngay tại lòng đường... xuất hiện ngày càng nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý chuyển đổi phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp thành xe công nông, máy kéo tự chế để chở người, chở hàng tham gia giao thông trên các tuyến đường vẫn còn tồn tại, trong khi xe tự chế có kết cấu xe, phanh không đảm bảo, dễ gây TNGT cho người và các loại phương tiện hoạt động trên tuyến.

Ngoài ra, đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, mở rộng hơn nhưng lại nhiều ngõ ngách, đường ngang không đồng bộ. Các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn bị che khuất tầm nhìn bởi tường rào, cây cối, thiếu điện chiếu sáng, gờ giảm tốc; đường giao thông nông thôn chưa phân cấp quản lý nên không thể xác định, quy định tốc độ cho phép và đặt các biển cảnh báo, biển quy định theo pháp luật, thiết bị đảm bảo ATGT… Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm ATGT tại khu vực nông thôn ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước nguy cơ mất ATGT tại các tuyến giao thông nông thôn, thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã kịp thời tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT tại khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, lãnh đạo Phòng đã chỉ đạo các đội, trạm thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật ATGT trên phạm vi công tác của mình.

Phối hợp với các đài truyền thanh - truyền hình xây dựng các phóng sự về đảm bảo TTATGT với các nội dung phong phú. Thông qua công tác TTKS, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến tận người dân, đặc biệt là lớp trẻ.

Phối hợp với các trường học trên địa bàn ký kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Công an huyện đã chủ động lập kế hoạch tổ chức phối hợp với Công an xã và các lực lượng khác đảm bảo TTATGT trên địa bàn mình phụ trách.

Một trong những khó khăn trong việc đảm bảo TTATGT ở khu vực đường liên thôn, xã hiện nay đó là hầu hết tại các điểm cua, rẽ đều không có biển báo hoặc nếu có cũng bị che khuất tầm nhìn nên việc quan sát của người dân có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng CSGT không thể tuần tra và xử lý tất cả khu vực đường liên thôn, liên xã.

Để hạn chế tối đa các vụ TNGT ở địa bàn nông thôn, thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác cho người dân cần được đổi mới, quan tâm và sát với nhu cầu tiếp nhận của người dân. Các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện lồng ghép nội dung đảm bảo TTATGT với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, huy động mạnh mẽ các lực lượng tham gia đảm bảo TTATGT, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an xã, huyện chủ động tổ chức TTKS và xử lý vi phạm. Các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh cần tiếp tục phát huy vai trò tổ tự quản để vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các quy định pháp luật. Có như vậy, công tác đảm bảo TTATGT tại khu vực nông thôn mới sớm đạt được những kết quả như mong muốn.

Nguyễn Ngọc Sơn

Các tin khác