An toàn giao thông

Giải pháp nào để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt?

09:59, 07/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Quyết kéo giảm TNGT đường sắt

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối hiểm họa liên quan đến lĩnh vực này. Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan; qua đó góp phần hạn chế những rủi ro, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn.

Những đường ngang “tử thần”

Theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, trong năm 2015 và đến hết ngày 28/4/2016, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 65 vụ TNGT liên quan đến ngành đường sắt, làm chết 24 người, bị thương 27 người, gây bế tắc chính tuyến 417 phút và chậm tàu các loại trong 2.915 phút.

Vụ TNGT liên quan đến đường sắt gây thiệt hại lớn tại cầu Lồi (Diễn Châu, Nghệ An) vào tháng 4/2016
Vụ TNGT liên quan đến đường sắt gây thiệt hại lớn tại cầu Lồi (Diễn Châu, Nghệ An) vào tháng 4/2016

Riêng 4 tháng đầu năm 2016 xảy ra 18 vụ TNGT đường sắt, làm chết 7 người và 7 người khác bị thương.

Trong đó, có những vụ gây thiệt hại lớn cho ngành đường sắt như vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 7/4. Tại Km 273+558 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tàu chở hàng mang số hiệu đầu máy D19E-930 chạy hướng Hà Nội - Vinh đã va chạm với xe ôtô BKS 37C-169.38 khi xe ôtô này cố đi qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Hậu quả, ôtô bị tàu đâm văng xa trên 45 m, lái xe bị thương nặng, phần đầu tàu bị hư hỏng, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc trong thời gian 354 phút.

Trước đó, một vụ tai nạn liên quan đến đường ngang dân sinh trên địa bàn Hà Tĩnh giữa tàu SE2 với 1 xe ôtô vào ngày 7/7/2015 cũng khiến đầu máy của chiếc tàu bị hư hỏng nặng, các tàu khác chậm tuyến trong thời gian 315 phút.

Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đang quản lý tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, với tổng chiều dài toàn tuyến 147,5 km; trong đó riêng Nghệ An là 106,5 km, đi qua địa phận 7 huyện, thành, thị. Trong số này, có 76,5 km đường sắt Bắc - Nam, còn lại khoảng 30 km là tuyến Nghĩa Đàn.

Hiện, trên địa bàn Nghệ An có 109 tuyến đường ngang dân sinh bất hợp pháp, chỉ có 75 tuyến đường hợp pháp Công ty quản lý được, trong số này có 17 đường ngang có gác chắn (barie).

Năm 2015, ngành đường sắt đã tiến hành lắp đặt cần gác chắn tự động tại 3 đường ngang ở địa bàn xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu), Nghi Long (Nghi Lộc) và Nam Cường (Nam Đàn). Cùng với đó, tại 7 đường ngang khác cũng đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động.

Nỗ lực giảm thiểu TNGT đường sắt

Ông Nguyễn Thế Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết: So với các địa phương khác trong cả nước, công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt ở Nghệ An có những thuận lợi cũng như khó khăn nhất định.

Thời gian qua, UBND tỉnh cũng như Ban ATGT đã có nhiều động thái kịp thời trong việc chỉ đạo phối hợp giữa ngành đường sắt với Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ liên quan cùng với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua; đơn cử như đã ban hành nhiều quy chế phối hợp liên ngành. Nhờ vậy, ý thức của một bộ phận nhân dân đã được nâng cao, không còn xảy ra tình trạng các đường ngang dân sinh được hình thành tự phát như trước đây.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đặc thù về tỉ lệ chiều dài đường sắt song song với Quốc lộ 1A (trên 18 km) tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để giảm thiểu TNGT liên quan đến đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp “dài hơi”; trong đó giải pháp được cho là sẽ mang lại những tín hiệu tích cực là vào ngày 25/3/2013, Bộ đã ký kết quy chế phối hợp với UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.

Trong đó, với các đường ngang dân sinh, giao trách nhiệm cho các địa phương, trực tiếp là các phường, xã có đường sắt đi qua phải tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác khi xảy ra nguy cơ mất ATGT; đồng thời chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí để cải tạo, duy tu, bảo dưỡng. Ngành đường sắt cũng có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động cải tạo này, đồng thời cắm các biển cảnh báo nguy hiểm để giảm thiểu TNGT.

Cụ thể, đối với các đường ngang lớn, sẽ đưa về quy chuẩn rộng 3 m, đồng thời cấm xe có trọng tải trên 2,5 tấn và xe trên 12 chỗ ngồi; còn với các đường ngang dân sinh nhỏ hơn thì quy hoạch chỉ cho xe gắn máy lưu thông.

Tuy nhiên, theo ông Kiều Đình Đông, Phó phòng Kỹ thuật an toàn Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, sau khi quy chế được ký kết, Công ty đã thiết kế dự toán chi tiết và gửi về tất cả các xã, phường từ cuối năm 2015 để dự trù kinh phí song đến nay, chưa có bất cứ địa phương nào phản hồi.

Để đảm bảo trật tự ATGT liên quan đến đường sắt, trong những năm qua, ngành đường sắt đã nỗ lực rất nhiều trong việc cảnh báo cho người dân, đồng thời lắp đặt các thiết bị, biển báo để giảm thiểu tai nạn.

Năm 2015, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã chi hơn 500 triệu đồng để lắp đặt các biển báo tại các điểm giao cắt với đường bộ và tại các đường ngang, đồng thời kiên quyết không để phát sinh thêm các đường dân sinh mới.

Ngoài ra, nhiều “điểm đen” về TNGT giữa đường sắt với đường bộ cũng đang chuẩn bị lắp đặt các barie bán tự động hoặc cảnh báo tự động. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

Do vậy, trong thời gian tới, ngành đường sắt tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc chấp hành các nội quy, quy chế bảo vệ đường sắt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến hành trình Bắc - Nam.

          (Còn nữa)

Thiên Thảo

Các tin khác