An toàn giao thông
Không nên bỏ qua khâu kiểm tra kỹ thuật trước giờ xuất hành
15:58, 17/09/2014 (GMT+7)
Siết chặt đăng kiểm, tăng cường tuần tra kiểm soát trên đường, tăng cường ý thức lái xe là những biện pháp đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo những chuyến xe an toàn.Thế nhưng, trên hết là quy định “khoanh vùng” xe khách giường nằm được phép hoạt động, kiểm tra kỹ thuật an toàn một cách chặt chẽ trước giờ khởi hành mới là điều cần làm thường xuyên và thực hiện một cách lâu dài.
Tính đến tháng 8/2014, cả nước có 112.738 ôtô chở người từ 10 chỗ trở lên, trong đó các xe khách cỡ trung (từ 26 người trở lên, kể cả ôtô khách giường nằm) là 46.895 xe. Xe cơ giới khi vào kiểm định đều thực hiện in ảnh lên giấy chứng nhận kiểm định để thuận tiện cho công tác tuần tra, kiểm soát; chụp ảnh trong khoang hành khách của ôtô khách. Đồng thời, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra ôtô khách giường nằm tại các bến xe nên hiện tượng xe khách giường nằm tự ý lắp đặt thêm giường nằm lên xe đã giảm mạnh.
Ở góc độ cơ quan quản lý về mặt tiêu chuẩn, kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, ngoài việc khoanh vùng hoạt động của xe khách giường nằm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ siết chặt hơn về kỹ thuật như bổ sung quy định về trang bị búa phá cửa, tăng cửa thoát hiểm. Ngoài ra, sẽ xem xét giảm số giường trên xe từ 50 giường xuống còn 25-30 giường và không bố trí giường tầng để hạ thấp trọng tâm xe khi lưu thông.
Trước thắc mắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam từng thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.553 xe khách giường nằm hai tầng, trong đó có 859 xe được hoán cải từ xe chở khách ghế ngồi thông thường, vậy khi kiểm định, cũng như khi lưu thông trên đường, với những chiếc xe hoán cải này cần chú ý đến kỹ thuật gì? Cục phó Cục Đăng kiểm Việt nam thẳng thắn: Các ôtô khách giường nằm được sản xuất, lắp ráp, cải tạo tại Việt Nam đều được tính toán và thẩm định thiết kế thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô số QCVN 09: 2011/BGTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định có liên quan, đảm bảo tính năng động học, động lực học, góc ổn định tĩnh ngang. Vấn đề báo chí nêu trong thời gian vừa qua là hiện tượng chủ xe tự ý lắp thêm ghế, giường so với thiết kế, tài liệu kỹ thuật đã được phê duyệt để chở thêm người trên xe, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng cũng nên tăng cường kiểm soát xe khách chạy trên đường |
Còn theo đánh giá của Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an thì nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn xe khách bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm của các lái xe còn quá kém. Phần lớn các lái xe khách đều điều khiển xe với tốc độ cao, đi lấn làn đường, vượt sai quy định, chở quá số người quy định. Áp lực công việc cũng khiến các lái xe mệt mỏi, cẩu thả… khi điều khiển phương tiện. Dẫn chứng về vụ tai nạn xe khách giường nằm tại Lào Cai ngày 1/9, Đại tá Phạm Minh Tuấn cho biết, qua thông tin từ hộp đen của xe khách cho thấy, mặc dù xe đang đổ đường đèo dốc khá nguy hiểm nhưng lái xe vẫn điều khiển cho xe chạy ở tốc độ 38km/h.
Bên cạnh các nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của lái xe còn kém, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với cộng đồng không cao thì nguyên nhân về kỹ thuật cũng đóng vai trò khá quan trọng. Hiện nay, công tác kiểm định, hoán cải xe khách còn nhiều lỏng lẻo. Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan đăng kiểm. Đại tá Phạm Minh Tuấn cho hay, đối với xe khách giường nằm, việc hoán cải, cải tạo từ xe khách ngồi cần phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào lưu thông. Bởi lẽ, xe khách giường nằm cần có những yêu cầu về kỹ thuật cao, hệ thống bánh lốp…, đặc biệt là hệ thống phanh. Khi hoán cải xe khách giường nằm, sự thay đổi trọng tâm, trọng lực, việc các nhà xe chất chồng hàng hóa lên xe… đi ở các địa hình núi cao rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, Đại tá Tuấn cũng nhấn mạnh, để cho mỗi chuyến xe luôn an toàn, tài xế cũng như doanh nghiệp không nên bỏ qua khâu kiểm tra kỹ thuật xe trước giờ khởi hành.
Không riêng gì lực lượng Công an, một giáo viên từng giảng dạy trong trường giao thông cũng chia sẻ ý kiến rằng không nên sản xuất thêm xe hai tầng. Vị này cho hay, khả năng lật của xe hai tầng cao hơn xe một tầng vì trọng tâm cao hơn. Do vậy, để giảm khả năng lật xe thì cần hạ thấp trọng tâm xe, vào cua với tốc độ chậm hơn. Ngoài ra, khi xe đổ dốc thì lái xe không nên thắng gấp, khi leo dốc nên chạy chậm ở số thấp. Tuyệt đối không được sử dụng xe buýt hai tầng ở TP để chở khách đường dài vì kết cấu khung, thùng xe không đảm bảo an toàn. Hiện nay, gần như cả thế giới không nước nào sản xuất và sử dụng xe hai tầng nữa. Những xe đang hoạt động thì nên khống chế ở các đoạn đường ngắn, không cho chạy đường đèo núi.
Xe chạy quen cũng phải được kiểm tra kỹ thuật thường xuyên
Lái xe khách Nguyễn Văn Quảng (Vĩnh Phúc), từng nhiều năm chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai chia sẻ: Trước khi lên xe, đối với những xe mới nhận lái lần đầu tiên, tôi sẽ kiểm tra hệ thống phanh, lốp, nhất là hệ thống phanh. Vì xe lên địa bàn đường đèo dốc, nếu yếu tố kỹ thuật không đảm bảo sẽ rất dễ gặp rủi ro. Còn đối với những xe đã chạy quen thì vấn đề kỹ thuật sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu gặp tài xế kỹ tính, họ vẫn cẩn thận kiểm tra; với người dễ tính, họ có thể bỏ qua khâu này. Theo tôi, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải xe khách nên chấp hành nghiêm các quy định về đăng kiểm. Bởi, đây là một trong những yếu tố góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách, lái xe và cho chính doanh nghiệp. Đăng kiểm qua loa, đăng kiểm cho xong là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến tai nạn giao thông.
|
Cần có quy định về tốc độ phân biệt giữa xe khách giường nằm và xe khách thông thường
Đứng ở góc độ là cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng thừa nhận điều khiển xe khách giường nằm trên đường đèo dốc, nhiều góc cua khó hơn so với xe khách loại nhỏ. Còn nếu chạy nhanh như xe khách thông thường, chỉ cần lái xe thiếu chú ý quan sát thì nguy cơ gây tai nạn rất dễ xảy ra. Theo ông Nguyễn Thắng Quân, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn xe khách giường nằm phần lớn xuất phát từ lái xe do không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát. Tuy nhiên, cũng có một bất cập là hiện quy định về tốc độ chưa phân biệt giữa xe khách giường nằm và xe khách thông thường. Do đó, khi đi trên đường đèo dốc, nếu lái xe vẫn chạy theo tốc độ quy định sẽ dễ gây tai nạn. Ngoài ra, do chủ yếu chạy vào ban đêm, vắng bóng lực lượng tuần tra kiểm soát nên các lái xe chủ quan, chạy nhanh, chạy ẩu dẫn đến gây tai nạn.
|
Nguồn: cand.com.vn