An toàn giao thông

An toàn xe giường nằm

Quan trọng vẫn là tài xế

08:29, 10/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cho đến thời điểm hiện nay (9/9), Bộ Giao thông Vận tải và các ban, ngành liên quan vẫn chưa có văn bản chính thức về việc cấm xe khách giường nằm chạy đường đèo dốc quanh co. Nhưng chủ trương này đã khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp vận tải quan tâm, theo dõi. Ở Nghệ An cũng có nhiều hãng xe giường nằm chạy tuyến cố định đi các tỉnh miền núi phía Bắc và TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên… nên vấn đề này đang được dư luận chú ý.
 
Sau vụ xe khách giường nằm 2 tầng BKS 29B - 085.82 của Công ty Sao Việt bị nạn tại xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai khiến 13 người chết, 35 người bị thương vào ngày 1/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho các ngành chức năng soạn thảo đưa vào bổ sung nghị định, thông tư cấm xe giường nằm đi đường đèo dốc quanh co. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 4/9, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp vận tải phía Bắc. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải xe khách giường nằm đều tỏ ra lo lắng trước chủ trương cấm loại hình phương tiện này lưu thông, chở khách đi các tỉnh miền núi phía Bắc có đèo dốc quanh co, hiểm trở.
 
Tại Nghệ An, đến nay, dù chưa nhận được văn bản chính thức về việc này nhưng đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải hành khách. Đặc biệt, có rất nhiều doanh nghiệp vận tải ôtô khách giường nằm trên địa bàn đi các tuyến cố định như: Nghệ An - Điện Biên; Nghệ An - Lai Châu; Nghệ An - Lâm Đồng, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… cũng tỏ ra lo lắng. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các doanh nghiệp, tư nhân có xe khách giường nằm đều khẳng định, nếu cấm lưu thông đường quanh co đèo dốc thì họ sẽ bị phá sản. Sở dĩ nói như vậy là vì lâu nay, với việc đầu tư một chiếc xe khách giường nằm số tiền khoảng từ 5 - 6 tỉ đồng, nếu cấm lưu thông thì rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp sẽ vỡ nợ. Còn đối với hành khách, từ khi có xe khách giường nằm, họ đều tỏ ra hài lòng với loại hình phương tiện vận tải này vì nhiều tiện ích mang lại.
 
Xe khách giường nằm đang được kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An
Xe khách giường nằm đang được kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An
 
“Chúng tôi đăng ký tuyến cố định Nghệ An đi Sài Gòn đã nhiều năm nay. Từ khi có xe khách giường nằm, gia đình tôi đã cùng anh em, bạn bè hùn vốn, vay mượn được gần 6 tỉ đồng để đầu tư mua xe. Nếu Bộ GTVT cấm xe khách giường nằm đi đường đèo dốc, quanh co thì chẳng lẽ khi xe đi đến địa phận đèo Ngang (Hà Tĩnh) và đèo Cả (Phú Yên)… phải dừng lại rồi dùng xe khác tăng bo? Nếu có chủ trương cấm như vậy thật thì đơn vị vận tải xe khách giường nằm như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và có thể bị phá sản” - đại diện một hãng xe khách giường nằm có trụ sở tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu cho biết. Cùng với nội dung này, khi phóng viên đưa vấn đề ra để tìm hiểu tại các hãng xe khách giường nằm xuất phát từ Nghệ An đi các tỉnh miền núi phía Bắc, họ cũng đều tỏ ra lo lắng. Nhiều người đã dồn tất cả tài sản của gia đình để đầu tư mua sắm một chiếc xe khách giường nằm đi tuyến cố định như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…, nay cấm thì họ không biết xoay xở thế nào.
 
Theo ông Phạm Thanh Hà, thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An cho biết: Tính đến hôm nay (8/9), về phía Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An vẫn chưa nhận được bất kỳ một văn bản chính thức nào từ cấp trên nhằm thực hiện quy định cấm xe khách giường nằm di chuyển trên đường đèo dốc quanh co. Tuy nhiên, mọi chủ trương đưa ra đều có nguyên cớ của nó. Đặc biệt, điểm nóng vừa rồi là vụ tai nạn xe khách giường nằm tại tỉnh Lào Cai. Như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định, nếu lái xe, chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước làm tròn trách nhiệm thì đã không xảy ra các vụ tai nạn thương tâm như vậy.
 
Ông Hà cũng trao đổi thêm rằng, trong số các vụ tai nạn xe khách giường nằm thời gian qua, chủ yếu xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1A, đường đồng bằng chứ không phải đồi núi dốc quanh co. Tuy nhiên, dù đường nào đi chăng nữa thì quan trọng vẫn là người lái phải làm chủ được phương tiện và hành trình di chuyển của mình.
 
 
Còn theo ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cho biết: Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 252 xe khách giường nằm do Trung tâm Đăng kiểm quản lý. Hầu hết các xe khách giường nằm này đều mới được lắp ráp, máy móc, trang thiết bị hiện đại. Khi đi vào kiểm định, các loại xe khách này đều đáp ứng đầy đủ các thông số, yêu cầu về kỹ thuật đặt ra theo quy định. Một số lỗi nhỏ như thiếu bình chữa cháy, dây an toàn trên xe đã được nhà xe xử lý, khắc phục ngay sau đó.
 
“Xe khách giường nằm mới chỉ xuất hiện trên địa bàn Nghệ An khoảng mấy năm trở lại đây và đang tăng qua các năm. Ưu điểm của nó là thiết bị hiện đại, người dân rất ưa chuộng khi lựa chọn hình thức vận tải này. Tuy nhiên, với chiều cao, chiều dài, bố trí ghế nằm như vậy nên lực trọng tâm sẽ lớn hơn loại xe khách bình thường. Vì vậy, nếu người điều khiển xe khách giường nằm không làm chủ được tốc độ, quy trình vận hành thì việc lật, đổ xe khi di chuyển rất dễ xảy ra. Dù bất cứ xe gì, chưa bàn tới đường sá, nếu người điều khiển phương tiện không ý thức được việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ thì tai nạn là điều khó tránh khỏi” - ông Khánh cho biết thêm.
 

Ngọc Thái

Các tin khác