An toàn giao thông

ATGT đường sắt ở Nghệ An: Vẫn 'tiềm ẩn' nhiều phức tạp

08:57, 07/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tuyến đường sắt thống nhất chạy qua địa bàn Nghệ An có chiều dài gần 100 km với nhiều điểm giao cắt đồng mức, địa hình phức tạp. Nhiều năm qua, các cấp chính quyền ở Nghệ An đã cùng với ngành đường sắt nỗ lực giải tỏa hành lang nhằm đảm bảo tốt nhất công tác ATGT tại đây. Tuy nhiên, hiện tượng lấn chiếm hành lang dẫn đến che khuất tầm nhìn gây nên nhiều vụ TNGT đường sắt vẫn còn khá phổ biến.
 
Bắt đầu từ thị xã trẻ Hoàng Mai mới được tách ra từ huyện Quỳnh Lưu chưa đầy 1 năm đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn mà điển hình là lúc 3h30 ngày 30/7/2013, tàu Thống nhất Bắc - Nam số hiệu SE3 hành trình Hà Nội - TP HCM, đến đường ngang có gác Km 442+730, bị ôtô tải chở xi măng BKS 37S - 6378 của Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, do lái xe Hồ Công Lâm (quê Nam Đàn, Nghệ An) điều khiển đi từ nhà máy ra Quốc lộ 1A, đâm vào đầu tàu khiến xe ôtô bị lật nghiêng, hơn 60 tấn xi măng đổ ra lòng đường bộ. Đầu ôtô đâm ngang vào đầu tàu khiến kính trên đầu máy tàu vỡ nát, lái tàu Nguyễn Văn Mạnh (Công ty Vận tải Hành khách ĐS Sài Gòn) bị thương nặng, đoàn tàu phải dừng khẩn cấp. Nguyên nhân của vụ tai nạn sau đó được xác định là do tầm nhìn bị che khuất nên lái tàu không phát hiện được chướng ngại đã phòng vệ tại đường ngang. Còn từ Km238 đến Km242 (phường Quỳnh Thiện) thì chi chít đường ngang trái phép với nhiều biển quảng cáo mà đơn vị sở tại (Công ty TNHHMTV QLĐS Thanh Hóa) vẫn “lực bất tòng tâm”.
 
Theo ông Kiều Đình Đông - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (phụ trách ATGT) của Công ty TNHHMTV QLĐS Nghệ Tĩnh thì, Công ty đã làm việc với chính quyền địa phương các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh và Hưng Nguyên với nhiều văn bản cam kết không tự ý mở đường ngang trái phép, di chuyển, xê dịch biển báo để đảm bảo ATGT đường sắt theo Luật Đường sắt. Thế nhưng, hiện tượng trồng cây, lấn chiếm hành lang và xây nhà dọc hành lang vẫn diễn ra. Không ai có thể quên được một “điểm nóng” tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, chỉ trong vòng ba năm, từ 2011 đến 2013 đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng chỉ trong vòng 1 km mà nguyên nhân xuất phát từ việc tầm nhìn bị che khuất. Đó là vụ tai nạn tàu hàng 230 đâm nát ôtô tại đường ngang dân sinh Km 259+620 vào ngày 19/11/2012 làm lái xe bị thương nặng, ôtô nát bét, tàu dừng nhiều giờ. Điều đáng nói là, chỉ cách đó vài trăm mét, tại một đường dân sinh khác cũng đã xảy ra tai nạn đổ 6 toa tàu Thống Nhất cách đó chưa lâu.
 
Mới đây, lúc 12h ngày 30/12/2013, anh Lê Hữu Hòa (SN 1984) trú xóm 2, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu điều khiển xe máy BKS 37P3-8952 chở máy bơm ra đồng bơm nước vào ruộng để gieo cấy. Lúc vượt qua đường ngang dân sinh tại Km 259+00, do thiếu quan sát, bị tàu TN số hiệu SE7 hành trình hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tông, khiến cả người và xe máy bắn ra xa, nạn nhân được đưa đi bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó. Nghiêm trọng hơn, đường ngang này nằm giữa đường ngang đổ tàu và đâm ôtô, chỉ cách nhau 100 m và cũng trong một xóm.
 
Chỉ ít ngày sau, đầu năm 2014, tại địa bàn xã Quỳnh Giang lại xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến 1 người bị tử vong. Lúc 12h ngày 3/2, ông Nguyễn Kha (50 tuổi) trú tại xóm 6, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) đang đạp xe qua đường ngang dân sinh tại Km 266+150, đường sắt thống nhất, đoàn tàu mang số hiệu SE7 (hành trình từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) lao tới đã đâm trực diện khiến ông Kha văng xa một quãng và tử vong tại chỗ. Nếu ai đã chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn chết người tại đường ngang dân sinh Km 267+500 (địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) lại càng thê thảm bởi đường ngang này cao hơn mặt Quốc lộ 1A gần 1m, lại đúng vào ngã ba giao nhau với Quốc lộ nên đã có gần 10 vụ tai nạn tàu hỏa chết người, thậm chí tầm nhìn cả hai đầu đường sắt và đường bộ đều thẳng và hệ thống biển báo đầy đủ.
 
Rất nhiều đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt khiến tình trạng TNGT đường sắt thường xuyên xảy ra
Rất nhiều đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt khiến tình trạng TNGT đường sắt thường xuyên xảy ra
 
Nói đến đường ngang gây ra nhiều vụ chết người nhất phải là đường ngang Km 306+200 (địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc). Bình quân mỗi năm tại đường ngang này xảy ra 4 vụ tai nạn  làm ít nhất 3 người tử vong. Thậm chí có vụ đôi vợ chồng vừa cưới xong phải chết thảm khi rạp cưới vẫn đang linh đình. Đó là trường hợp của cặp vợ chồng Phan Đình Trường (29 tuổi) chở vợ là chị Đậu Thị Sen (22 tuổi) tại xã Nghi Vạn. Hồi 16h40 ngày 15/12/2013, tại đường ngang này lại xảy ra một vụ tai nạn khiến cụ Hoàng Thị Dung (80 tuổi) trú tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn tử vong tại chỗ, còn con rể bị nguy kịch do tàu TN SE5 tông phải.
 
Tai nạn đường sắt đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Bên cạnh lí do thiếu ý thức, không tuân thủ luật giao thông của người dân thì việc lấn chiếm hành lang cũng là một nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn đau lòng trên. Ngành đường sắt thì “lực bất tòng tâm”, một phần do kinh phí, phần khác do công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, thiếu thuyết phục. Nên chăng, Luật Đường sắt và các chế tài cần tăng nặng hình thức xử phạt mới mong giảm được hiện tượng lấn chiếm hành lang, che khuất tầm nhìn, tiến tới kiềm chế TNGT đường sắt để tăng cao năng lực tàu thông qua.

Xuân Bảy

Các tin khác