An toàn giao thông
Nguyên nhân TNGT tăng cao trên quốc lộ 1A qua địa bàn miền Trung
16:52, 17/02/2014 (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, từ ngày 4/2 đến nay, đã xảy ra hơn 10 vụ tai nạn giao thông kinh hoàng do xe khách, xe tải gây ra trên quốc lộ 1A qua địa bàn miền Trung, làm chết 11 người, bị thương hơn 50 người.
Nhồi nhét khách, chạy ẩu
Chúng tôi lên xe ôtô khách mang biển số 51B - 024.29 xuất phát từ TP Vinh đi TP Hồ Chí Minh và xe 75B - 005.20 (chạy tuyến Vinh - Huế). Phải mất khoảng 10 phút, phụ xe mới xếp được ghế cho hành khách. Nói là ghế nhưng thực ra là người này ngồi chèn lên chân người khác. Những hành khách may mắn lên xe từ lúc xuất bến mới có chỗ ngồi và đó chỉ là số ít. Còn lại hầu hết hành khách vất va vất vưởng, lắc lư theo xe. Dọc theo hành lang xe được nhồi nhét vài chục hành khách, vì vậy mỗi lần thu tiền đi xe của khách, cánh phụ xe đã bước, giẫm qua đầu hành khách. Do không khí ngột ngạt trên xe, một số cháu nhỏ đi theo bố mẹ khóc ré lên. Một số người cao tuổi mặt đờ đẫn mệt mỏi.
Qua cầu Bến Thủy, Nghệ An, xe bắt đầu tăng tốc. Có nhiều đoạn xe chạy lên cả trăm km/giờ, xe lao vun vút vượt mặt xe này đến xe khác. Lúc này tất cả hành khách đã phó mặc tính mạng cho nhà xe và trông chờ sự an toàn từ một đấng siêu nhiên nào đó. Nhưng chẳng có đấng siêu nhiên nào cả, mà chỉ có may mắn khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế xuất hiện, buộc dừng xe để xử lý.
Lực lượng CSGT Công an Quảng Bình đồng loạt tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT trên quốc lộ 1A sau Tết Nguyên đán |
Ở miền Trung, mỗi dịp sau Tết Nguyên đán hàng vạn hành khách thường đổ ra quốc lộ 1A để vẫy xe khách vào Nam, ra Bắc. Vì vậy nhiều xe khách đã nêm chật hành khách quá số lượng cho phép từ khi xuất bến, do lòng tham nên vẫn cố tình bắt khách.
Trước đây, kinh doanh vận tải hành khách đường dài chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn thì hiện nay, nhiều trường hợp anh em, bạn bè gom góp tiền bạc chung nhau mua 1 hoặc 2 chiếc xe để chạy. Vì vậy, trên cùng một tuyến đường, cách đây vài năm chỉ có khoảng 5-7 xe thì nay lên đến vài chục xe cùng chạy. Vì nhiều xe trên một tuyến nên buộc các nhà xe phải nghĩ ra đủ cách đối phó với các cơ quan chức năng trên đường đi. Để thu lợi nhuận, nhiều bến xe liên tục cấp phép cho xe mới hoạt động, chính vì vậy mới xảy ra việc xe chạy chồng lên nhau trên cùng một tuyến. Vì thế, xe khách khi ra khỏi bến là bắt đầu cuộc đua để vừa bắt khách, vừa đảm bảo giờ vào và xuất bến.
Tìm cách lách luật, tránh Cảnh sát giao thông
Hiện rất ít nhà xe chịu thuê 2 tài xế có bằng cấp đầy đủ, để tránh trả tiền thuê. Chủ xe thường thuê 1 tài xế và lơ xe biết lái “không cần bằng”, khi nào tài xế mệt thì lơ xe lái thay. Cũng ít khi tài xế chạy 1 ca 4 giờ theo quy định, mà thường tài xế và phụ xe tự quy định giờ lái với nhau trên xe. Chẳng hạn, tài xế lái xe chạy từ Hà Nội tới Hà Tĩnh thì thì giao xe cho phụ xe, vào đến gần đèo Hải Vân thì lại đổi lái…
Điều này lý giải vì sao tại địa bàn Hà Tĩnh vừa qua liên tục xảy ra các vụ tai nạn xe khách gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu xe khách xuất bến từ Hà Nội vào buổi sáng, vào tới Hà Tĩnh thì vừa qua giờ trưa, nên rất nhiều tài xế buồn ngủ lạc tay tái, hoặc xuất bến từ TP Hồ Chí Minh vào buổi sáng chạy đến Hà Tĩnh cũng thường vào lúc giữa trưa, còn xuất bến buổi chiều thì đến Hà Tĩnh lại rơi vào gần sáng. Đây là khoảng thời gian tài xế đã mệt mỏi, buồn ngủ cộng với mặt đường kém, công trình dân sinh nhiều nên dễ xảy ra tai nạn.
Một lái xe tâm sự về công việc của mình: Kiếp lái xe đường dài thì không nói đến ngủ. 12h khuya bắt đầu chất hàng, bắt khách rồi đẩy xe ra bến. Xe chạy khoảng 5 hay 8 tiếng thì ăn uống và tiếp tục rong ruổi dọc đường bắt khách. Thay nhau ngủ gà, ngủ gật vài tiếng trên xe rồi lại phải thức thay phụ để bắt khách. Mắt dáo dác, một tay chỉ trỏ bắt khách, tay kia vịn vào thành xe ngồi vắt vẻo, hoặc đứng bên cửa xe, chủ yếu dựa vào một sợi dây xích. Đời phụ xe thì giấc ngủ rất ngắn nên chủ yếu là nhắm mắt khi xe đang chạy ở những nơi không nhà cửa, chỉ có đồi núi, rừng cao su, cà phê, đồng vắng. Chỉ cần cảm giác xe phanh thì miệng đã thốt ra: "Đi đâu?" "Vinh?" "Đà Nẵng?", "Sài Gòn không?". Có lúc buồn ngủ quá, có phụ xe buông tay ngã xuống đất…
Ngay từ ngày 8 Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động 100% quân số lập trạm trên quốc lộ 1A, qua địa bàn xã Hưng Thủy, Lệ Thủy để tiến hành tuần tra, kiểm soát xe khách.Biết lực lượng CSGT làm chặt nên nhiều xe khách đã tấp vào các nhà hàng, quán cà phê dọc quốc lộ 1A để tránh, chờ CSGT hết giờ làm rồi chạy tiếp. Nhưng CSGT Quảng Bình đã có phương án thay ca, làm 24/24 giờ, nên một số xe khách lại chống đối bằng cách cho một số hành khách xuống xe rồi thuê taxi, xe ôm tăng bo hành khách qua trạm kiểm soát của CSGT, rồi tiếp tục lên xe đi tiếp.
Theo Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT Quảng Bình: Số xe chở khách quá quy định chủ yếu là xe tư nhân, ngoài việc chở quá số khách theo quy định, những chủ xe này còn tìm mọi cách để tránh CSGT như việc chạy xuất phát sớm, vào ban đêm hoặc tránh quốc lộ 1A mà chạy theo đường Hồ Chí Minh theo từng chặng. Nhiều xe khách vi phạm khi bị xử lý đều không còn bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan từ đăng kiểm, bằng lái, đăng ký…
Do vậy, mỗi khi bị dừng xe để xử lý, các tài xế thường đưa ra các biên bản vi phạm đã bị phạt trước đó. Do vậy, rất khó để CSGT xử lý xe vi phạm, vì không còn giấy tờ để giữ. Giữ xe thì việc bố trí đi tiếp cho hành khách không phải tỉnh nào cũng làm được như Quảng Bình, vì nhiều nơi không thể có đủ xe để thay thế cho hơn 60% xe vi phạm.
CAND